Xuất khẩu rau quả tăng 28%, dự báo cuối năm sẽ tiếp tục thuận lợi?
Việt Nam và EU có cam kết gì về thuế quan đối với rau quả trong Hiệp định EVFTA? Xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng trưởng vượt bậc “Nhặt sạn” trong xuất khẩu rau quả, gạo 5 tháng |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu rau quả Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới, ngành nông nghiệp vẫn cùng các địa phương xây dựng vùng chuyên canh gắn chuỗi giá trị, phát huy đà tăng trưởng.
Sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn là những mặt hàng chủ lực đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu. Bên cạnh các sản phẩm chế biến, các thị trường xuất khẩu truyền thống cũng ghi nhận mức tăng trưởng 10-50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc vẫn là những thị trường tiêu thụ rau quả Việt Nam lớn nhất. Riêng thị trường Trung Quốc, 5 tháng đầu năm đã nhập khẩu 1,7 tỷ USD rau quả Việt Nam, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023.
Do ảnh hưởng của El Nino, sản lượng toàn cầu giảm sút, tạo cơ hội cho thanh long Việt Nam thâm nhập các thị trường mới ở châu Âu, Bắc Mỹ. Ảnh: Báo Đầu tư |
Vụ thu hoạch sầu riêng chính ở các tỉnh Tây Nguyên sẽ bắt đầu vào tháng 9, 10, dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu rau quả trong thời gian tới. Năm 2023, đây là giai đoạn xuất khẩu sầu riêng cao kỷ lục của Việt Nam do Thái Lan hết hàng.
Đối với thanh long, do ảnh hưởng của El Nino, sản lượng toàn cầu giảm sút, tạo cơ hội cho thanh long Việt Nam thâm nhập các thị trường mới ở châu Âu, Bắc Mỹ.
Tại Tiền Giang, ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh phát triển bền vững vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu, phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, đẩy nhanh tiến độ cấp mã vùng trồng. Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu gần 8.600 ha tập trung ở các huyện của tỉnh như Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông…
Hay tại Bình Thuận, để nâng cao chất lượng thanh long, tạo ra trái thanh long chất lượng, đảm bảo năng suất và nâng cao giá trị trái thanh long, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, tỉnh cũng phê duyệt Chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến cuối năm 2024, Bình Thuận phấn đấu có 10.500 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Vụ vải thiều năm 2024 của Bắc Giang đã kết thúc với nhiều kết quả tích cực. Mặc dù sản lượng giảm hơn 50% so với năm 2023, do ảnh hưởng của thời tiết, nhưng giá bán cao hơn đã giúp doanh thu vẫn đạt được mức cao hơn so với năm ngoái.
Chất lượng vải thiều năm nay được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay, nhờ vào việc người dân áp dụng tốt hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong canh tác. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đã có sự chuẩn bị tốt về điều kiện xuất khẩu, giúp đưa vải thiều Bắc Giang đến với thị trường trong và ngoài nước một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường truyền thống, các địa phương cũng đang tích cực xây dựng vùng chuyên canh gắn kết chuỗi giá trị, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Mỗi quốc gia đều có những tiêu chuẩn và quy định riêng đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nông sản. Các nước đều kiểm tra chặt chẽ các yếu tố như dư lượng bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm, cân nặng sản phẩm... Do đó, thông tin thị trường là yếu tố then chốt đầu tiên mà doanh nghiệp cần quan tâm khi có ý định xuất khẩu nông sản.
Chẳng hạn, thị trường Australia và Mỹ nổi tiếng với những quy định khắt khe về chất lượng, yêu cầu cao về tiêu chuẩn và quy định pháp lý. Do vậy, để chinh phục được những thị trường này, đòi hỏi người trồng phải quan tâm đến kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, bảo quản và vận chuyển.
Để thâm nhập thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần định hướng thị trường rõ ràng, gắn liền với quy hoạch vùng trồng, vùng sản xuất và các giải pháp nhằm đảm bảo sự ổn định thị trường. Đặc biệt quan trọng là việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, góp phần nâng cao uy tín và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ghi nhận những kết quả tích cực từ việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đây là những bước tiến quan trọng giúp định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam. Hiện nay, đã có 7.558 mã số vùng trồng được cấp tại 56 tỉnh thành phố và 1.558 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...