Xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng trưởng vượt bậc
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 5 tháng qua đã đạt 2,55 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023 - mức tăng trưởng được đánh giá là vượt bậc. Riêng trong tháng 5/2024, con số này là 664,9 triệu USD, tăng 10,3% so với tháng trước đó.
Chia sẻ tại cuộc họp của Bộ Công Thương với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả 4 tháng đầu năm và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm 2024 diễn ra chiều 28/5, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: "Các mặt hàng rau quả chủ lực tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường xuất khẩu trong 5 tháng qua. Cụ thể, sầu riêng ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch 63,3%, đạt gần 252 triệu USD. Thanh long tăng 4,9% đạt 171,9 triệu USD. Chuối tăng 23,6% đạt 142,4 triệu USD”.
Sầu riêng ghi nhận mức tăng trưởng kinh ngạch 63,3%, đạt gần 252 triệu USD |
Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí là những thị trường xuất khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam với tổng trị giá lên tới hơn 2 tỷ USD trong 5 tháng qua. Đặc biệt, với mặt hàng sầu riêng và chuối Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và Philippines để trở thành nước cung cấp lớn nhất cho thị trường Trung Quốc.
Ông Bình nhận định hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng. "Một số loại trái cây như sầu riêng đã bước vào vụ thu hoạch chính, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải… sẽ góp phần tăng trưởng hơn nữa cho thị trường Trung Quốc" ông Bình chỉ ra.
Tuy nhiên, hiện nay giá sầu riêng tại Trung Quốc và trong nước đang giảm đáng kể do thu hoạch sầu riêng bắt đầu vào chính vụ tại Thái Lan và Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. Giá sầu riêng Dona (Mongthoong) đang ở mức 85.000 - 95.000 đồng/kg và Ri6 là 65.000 - 70.000 đồng/kg, giảm khoảng một nửa so với giá tháng 12/2023.
"Nhu cầu sầu riêng đã qua chế biến tại Trung Quốc có xu hướng gia tăng do giá sầu riêng cao ít người có khả năng mua nguyên trái trong khi đó giá sầu riêng chế biến có giá cả phải chăng hơn và phù hợp với thị hiếu của giới trẻ, đây có thể là xu thế mới của thị trường mà chúng ta cần quan tâm" ông Bình nêu quan điểm.
Cùng với đó, nhu cầu và giá mua bán thanh long trên thị trường trong và ngoài nước có tăng lên do thời điểm lễ Tết, nguồn cung giảm so với năm 2023. Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thanh long, trong tương lai thị trường thanh long sẽ không có biến động lớn.
Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả, cần có phương án quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng rau quả một cách chặt chẽ. Ông Bình nhấn mạnh vai trò của các cơ quan chức năng và cơ quan chuyên ngành địa phương trong việc giám sát việc thực hiện các quy trình trong quá trình sản xuất từ việc sử dụng vật tư đầu vào, trồng trọt, chăm sóc, đến thu hoạch, theo dõi, giám sát thời điểm thu hoạch, chất lượng sản phẩm khi thu hoạch của các mã số vùng trồng.
Ngoài ra, ông Bình cũng đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương cần kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh mua bán tại địa phương từ vật tư đầu vào đến các sản phẩm thu hoạch, đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực. Quản lý chặt chẽ, sát sao đội ngũ cò lái ngăn chặn việc tranh mua tranh bán, đẩy giá.
Các chuyên gia cho rằng, với nguồn cung dồi dào, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ và nhu cầu thị trường ngày càng tăng, xuất khẩu rau quả Việt Nam dự sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, giúp quốc gia khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu rau quả thế giới.