Xây dựng thương hiệu: Khoảng trống ở doanh nghiệp nhỏ và vừa
"Khoảng trống" còn bỏ ngỏ
Thương hiệu là một cam kết mang tính chất tuyệt đối về chất lượng, dịch vụ và giá trị đem đến sự thỏa mãn cho khách hàng. Thương hiệu sẽ là hình ảnh phản chiếu những gì người tiêu dùng liên tưởng khi nhắc đến sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
Sở dĩ doanh nghiệp cần phải xây dựng thương hiệu là bởi xây dựng thương hiệu chính là tạo dựng uy tín của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi đã tạo dựng được thương hiệu nổi tiếng, các nhà đầu tư cũng không e ngại một khi đầu tư vốn vào doanh nghiệp; bạn hàng của doanh nghiệp cũng sẵn sàng hợp tác kinh doanh, cung cấp nguyên liệu và hàng hoá cho doanh nghiệp. Thương hiệu luôn là tài sản vô hình nhưng có giá trị rất lớn của doanh nghiệp. Quan trọng hơn, thông qua thương hiệu người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm hơn và mong muốn được lựa chọn, tiêu dùng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của doanh nghiệp…
Xây dựng thượng hiệu, khoảng trống ở doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá lúng túng trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Một số cho rằng, việc xây dựng thương hiệu là quá trình tốn kém và chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn “mạnh gạo, bạo tiền”. Điều này dẫn đến nhiều hạn chế trong cạnh tranh.
Theo đánh giá của TS Lê Văn Sơn - Chuyên gia chuyển đổi số và xây dựng thương hiệu, trên thế giới, thương hiệu được coi là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, có thương hiệu trị giá 70% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, việc xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều doanh nghiệp Việt đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, song khi xuất ngoại vẫn phải núp dưới tên của các thương hiệu có giá trị trên thế giới mới có thể vào được thị trường quốc tế. Và đương nhiên, các doanh nghiệp Việt xuất ngoại phải mượn danh này sẽ thiệt thòi đủ đường.
“Xây dựng thương hiệu Việt hoàn toàn không chỉ là đặt một cái tên, đăng ký sở hữu cái tên đó mà là một chặng đường đầy gian nan, để người tiêu dùng Việt khi ưu tiên dùng hàng Việt sẽ lựa chọn hàng hoá và dịch vụ của doanh nghiệp đó trong muôn vàn các hàng hoá cùng loại khác”, ông Sơn cho hay.
Giải pháp xây dựng thương hiệu 4.0
Theo khảo sát của Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển, tại Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp chú trọng đến xây dựng và phát triển thương hiệu vẫn chưa đạt đến 30%, và có sự chênh lệch rất nhiều trong định vị hình ảnh và phát triển thương hiệu giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại.
Doanh nghiệp được khảo sát có xu hướng tạo ra sản phẩm, tạo ra thị trường trước, sau khi có thị trường, có nguồn doanh thu nhất định doanh nghiệp Việt mới dành một phần doanh thu cho chi phí phát triển, quảng bá thương hiệu và con số này rất ít ỏi.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Lê Văn Sơn, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chú trọng xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu, xem đây là “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí của doanh nghiệp trên thương trường.
“Làm thương hiệu không chỉ là vẽ một cái logo hay chạy chiến dịch truyền thông. Toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh và bán hàng đều nằm trong tổng thể hoạt động xây dựng thương hiệu. Kết quả phải được đong đếm cụ thể bằng sự tăng trưởng về doanh thu cũng như quy mô doanh nghiệp đó”, ông Sơn phân tích.
Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu cá nhân vững chắc cũng góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Thương hiệu cá nhân chính là xúc tác để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, nếu không có kết hợp của thương hiệu cá nhân với các yếu tố khác thì rất khó để doanh nghiệp tiến xa.
Thương hiệu cá nhân có thể xây dựng lòng tin trong nội bộ doanh nghiệp và với khách hàng. Nó cũng giúp các doanh nhân nâng cao danh tiếng trong ngành và thúc đẩy các đối tác muốn hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp. Chính điều này đã thúc đẩy nhu cầu các doanh nhân cần xây dựng thương hiệu cá nhân cho riêng mình.
Nhằm lấp "khoảng trống" thông tin về giải pháp xây dựng thương hiệu trong bối cảnh chuyển đổi số, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tập trung xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, truyền thông nâng cao nhận thức về xây dựng thương hiệu… góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Từ các khóa đào tạo trực tuyến về xây dựng thương hiệu đã giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm vững kiến thức về xây dựng thương hiệu; Nhận biết, phân tích và có giải pháp xây dựng và phát triển thương hiệu đúng và phù hợp; Biết cách sử dụng các giải pháp công nghệ, công cụ số trong công tác quản trị thương hiệu.
“Trong thời đại internet phát triển như hiện nay, chủ doanh nghiệp nên biết tận dụng sự phổ biến của các trang mạng xã hội để xây dựng thương hiệu. Một kế hoạch truyền thông online cho doanh nghiệp đóng góp vai trò quan trọng trong chặng đường xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, chuyên gia Lê Văn Sơn khẳng định.