Vì sao đêm 30 gọi là đêm Trừ tịch?
Cận cảnh điểm bắn pháo hoa phục vụ đêm giao thừa ở Hà Nội Hà Nội trình diễn ánh sáng nghệ thuật đêm giao thừa Tết Giáp Thìn 2024 Lễ cúng Giao thừa 30 Tết Giáp Thìn 2024 gồm những gì? |
Từ lâu, người xưa đã gọi đêm Giao thừa là đêm Trừ tịch. Theo nghĩa Hán Việt, “trừ” có nghĩa là thay đổi, hoán đổi và “tịch” là đêm nên hai từ “Trừ tịch” mang ý nghĩa là đêm của sự thay đổi hay đêm của thời khắc giao thời.
Một trong những mâm cơm cúng đêm Trừ tịch. Ảnh minh hoạ |
Trong đêm Trừ tịch, với quan niệm có 12 vị Hành khiển, Phán quan nhà trời luân phiên trông coi việc dưới hạ giới. Các quan nhà trời có ông thiện chuyên phù hộ những điều tốt đẹp cho con người và ông ác gây ra hạn hán, lụt lội, mất mùa, đói kém. Việc lành hay việc dữ là do sớ tấu của các quan Hành khiển, Ngọc Hoàng dựa vào đó mà ban phúc hay trừng phạt con người.
Vì vậy, người xưa cử hành lễ Trừ tịch rất trịnh trọng từ trong nhà ra đến các đình chùa. Các vua quan vì thế cũng rất coi trọng, sai chép làm lệ; thực hiện các nghi lễ trong đêm 30; dọn dẹp, trang trí; thậm chí, những người phạm tội được ân xá, cho về thăm nhà một thời gian rồi quay trở lại...
Dưới triều Nguyễn, từ thời vua Gia Long đã ra định lệ tế ở các miếu và các từ đường. Ở Thái miếu, các lễ Trừ tịch, Nguyên đán, Đoan dương, hưởng tế, kỵ lạp, sóc vọng, mỗi năm chi tiền 4.600 quan. Ở Nguyên miếu, lễ Nguyên đán chi tiền 43 quan, các lễ Đoan dương, tế Chạp, Trừ tịch đều chi tiền 34 quan.
Nghi chú tiết Trừ tịch cùng tiết Nguyên đán cũng được bộ Lễ đưa ra cụ thể và được vua sai chép làm lệ. Theo đó, lễ Trừ tịch, Vua đến nhà Thái miếu làm lễ, các quan văn võ từ ngũ phẩm trở lên bồi tế. Ở miếu Triệu tổ và miếu Hoàng khảo, đều sai quan làm lễ Trừ tịch. Không những vậy, đêm ấy các quan văn võ từ tứ phẩm trở lên túc trực ở hai bên công thự tả hữu; các lễ quan chia nhau túc trực ở các miếu, nhạc công hát thờ.
Trong khi đó, dưới thời vua Minh Mạng, trong đêm Trừ tịch, để chào đón năm mới, ngoài việc dựng nêu, cho treo cờ, nhà vua cho treo đèn trong khắp hoàng cung. Ở sân điện Thái Hoà, mỗi khắc, vua lệnh cho nổ 20 tiếng ống lệnh, suốt đêm đủ 1.000 tiếng. Các cửa Tả túc, Hữu túc của cung thành, các cửa Tả đoan, Hữu đoan của hoàng thành, các cửa Thể nguyên, Quảng Đức, Chính Nam, Chính Đông, Chính Tây, Chính Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc của kinh thành và thuỷ quan cầu Thanh Long, đều sai mở rộng để tỏ rằng vệ Kim ngô không cấm.
Đến năm 1846, trong không khí tết đến xuân về, vua Thiệu Trị làm tiệc mừng ban ơn vào đêm Trừ tịch. Các tù phạm bị đày ở trong quân, bị tội đồ làm nô, bị tội khổ sai, đang phải giam ở Kinh là 115 người, nên hội đồng các quan ở Kinh, hiểu thị rõ ràng, tha cho về thăm nhà, hạn cho 15 ngày lại phải quay trở lại.
Thời xưa là vậy, ngày nay, sau lễ ông Công ông Táo (Tết Táo quân) ngày 23 tháng Chạp không khí tết đã bắt đầu. Nhà nhà chuẩn bị cho tết trong không khí tưng bừng, rộn ràng; dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng, sạch sẽ, khang trang; người lớn cũng sắm sửa đồ lễ, chuẩn bị quần áo mới, những phong bao lì xì – nét đẹp truyền thống mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Thậm chí, có những người còn chờ đến những ngày cuối năm để sửa sang lại nhà cửa, quét vôi lại tường nhà, tẩy uế những vết bẩn của năm cũ, trang trí lại nhà cửa, cắt tỉa lại cây cảnh cho phù hợp với ngày lễ Tết. Bên cạnh đó là lau rửa bàn thờ, đồ thờ, đánh bóng các đồ tự khí.
Giờ phút thiêng liêng đến, lễ Trừ tịch còn mang tên là Giao thừa còn được gọi là lễ tống cựu nghênh tân (tiễn cũ đón mới). Cũ ở đây, ngoài những điều xấu dở, cũ kỹ của năm qua, người ta còn tiễn vị đương niên Hành khiển Đại vương của năm cũ. Và mới ở đây, ngoài những điều mới mẻ tốt đẹp, người ta còn đón rước tân Đại vương Hành khiển của năm mới.
Người dân thắp hương đêm Trừ tịch. Ảnh minh họa |
Sau khi lễ tiễn quan đương niên cũ, sẽ tiến hành lễ đón quan đương niên mới. Lễ vật cũng được chuẩn bị trước (gà lễ thường là cả con, giữ nguyên bộ lòng đặt trên miếng tiết, lại cài cánh tạo thế gà chầu khiến nghi lễ thêm phần long trọng), và đúng giờ phút Giao thừa sẽ tiến hành thắp đèn nhang, làm thủ tục lễ, đọc văn khấn.
Cúng giao thừa xong, người dân thường đi lễ chùa cầu xin Thần Phật phù hộ cho gia đình một năm mới an lành, hạnh phúc. Theo quan niệm dân gian, khi đi lễ chùa đầu năm, người dân sẽ ra sân vườn chùa bẻ một cành lá gọi là hái lộc với ý nghĩa mang lộc của Thần Phật về nhà. Cành lộc này sẽ được trưng trước bàn thờ gia tiên cho đến khi tàn khô.
Có thể thấy, đêm Trừ tịch (đêm 30) mang ý nghĩa đặc biệt, vô cùng quan trọng với người Việt từ xa xưa đến nay. Nhiều phong tục, tập quán vẫn được gìn giữ và lan tỏa đến ngày hôm nay. Cũng từ đó, chúng ta càng trân quý những giây phút thiêng liêng, ấm áp khi ở bên cạnh người thân và mong ước, hy vọng một năm mới với nhiều may mắn, sức khỏe.