Cổ phiếu VAB của VietABank: Hành trình xuống dưới mệnh giá
VietABank ra mắt chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng doanh nghiệp Chubb Life Việt Nam hợp tác với VietABank phân phối sản phẩm bảo hiểm Chủ đầu tư dự án The Jade Orchid Cổ Nhuế là ai? |
Hành trình xuống dưới mệnh giá của cổ phiếu VAB
Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức hoặc sàn UPCoM.
Đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thống nhất với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là sẽ kiên quyết yêu cầu các ngân hàng phải lên sàn, muộn nhất là trong quý 1/2021. Nếu ngân hàng nào không tuân thủ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật.
Tuy nhiên, phải sang quý 3/2021, cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) mới thực hiện nghĩa vụ của mình.
Sáng 20/7/2021, cổ phiếu VAB chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 13.500 đồng/CP. Trong phiên đầu tiên, VAB tăng kịch trần lên 18.900 đồng/CP. VAB đạt đỉnh 22.800 đồng/CP tại ngày 22/7/2021.
Tuy nhiên, sau đó, VAB bước vào hành trình dài suy giảm. Tới giữa tháng 6/2022, VAB rơi xuống dưới mệnh giá. Cổ phiếu này thậm chí còn xuống “đáy” chỉ 5.900 đồng/CP trong ngày 15/11/2022. Kể từ đó tới nay, xu hướng chính của VAB là dưới mệnh giá dù đôi khi VAB cũng có một số phiên vươn lên trên 10.000 đồng/CP.
Ở thời điểm hiện tại, đóng cửa phiên giao dịch 14/8, VAB dừng ở mức 8.900 đồng/CP. So với mức đỉnh (giá điều chỉnh) thiết lập ngày 22/7/2021, cổ phiếu VAB giảm 9.890 đồng/CP, tương đương 52,6%. Vốn hóa thị trường VietABank hao hụt 5.340 tỷ đồng. Nghĩa là tài sản của cổ đông nằm tại VAB đã “bốc hơi” hơn một nửa.
Giá cổ phiếu VAB của VietABank về dưới mệnh giá. Ảnh chụp màn hình website: finance.vietstock.vn. |
Thu nhập lãi giảm sâu
Trong quý 2/2024, VietABank ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt nhưng thu nhập từ hoạt động chính – thu nhập lãi thuần lại giảm đáng kể. Cùng với đó là tài sản hao hụt.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 của VietABank đạt 267 tỷ đồng, tăng 58 tỷ đồng, tương đương 27,8% so với quý 2/2023; lũy kế 6 tháng tăng nhẹ từ 428 tỷ đồng lên 470 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi ròng tại VietABank cải thiện đáng kể dù thu nhập lãi thuần “cài số lùi”. Trong quý 2/2024, thu nhập lãi thuần tại nhà băng này giảm 639 tỷ đồng, tương đương 27,9% xuống 1.651 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 3.503 tỷ đồng, giảm 888 tỷ đồng, tương đương 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân của nghịch lý này là do chi phí lãi và các chi phí tương tự giảm sâu. Chỉ tiêu này trong quý 2 đạt 1.139 tỷ đồng, giảm 719 tỷ đồng, tương đương 38,7%; lũy kế 6 tháng giảm từ 3.512 tỷ đồng xuống 2.451 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số hoạt động còn lại cũng có nhiều cải thiện. Trong 6 tháng, lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ tăng từ 36,5 tỷ đồng lên 48 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng từ 1,5 tỷ đồng lên 14,5 tỷ đồng,…
Tài sản hao hụt 3.266 tỷ đồng
Đáng chú ý, dù lợi nhuận sau thuế quý 2 tăng tới 27,8% nhưng tài sản VietABank vẫn hao hụt đáng kể.
Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của nhà băng này là 108.930 tỷ đồng, giảm 3.266 tỷ đồng, tương đương 2,9% so với hồi cuối năm 2023. Tiền vàng gửi các tổ chức tín dụng khác và cho vay các tổ chức tín dụng là chỉ tiêu “đi lùi” nhiều nhất khi giảm 7.572 tỷ đồng, tương đương 34,4% xuống 14.410 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản, lên đến 66,9% (tương đương 72.894 tỷ đồng). Tín dụng tại VietABank có tốc độ tăng trưởng 6,7%.
Trong khi tín dụng tăng trưởng dương, huy động vốn tại VietABank tăng trưởng dương. Hồi cuối quý 2/2024, chỉ tiêu tiền gửi của khách hàng đạt 86.328 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 86.695 tỷ đồng hồi cuối năm 2023.
Trong khi đó, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nửa đầu năm 2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 1,5% so với cuối năm 2023 ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng.