Triển lãm tranh “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài”
Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam-Hàn Quốc Nghệ nhân Vũ Huy Mến: Âm thầm giữ lửa nghề truyền thống |
Đến với triển lãm tranh sơn mài, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam số 66 Nguyễn Thái Học, thành phố Hà Nội, công chúng có thể tìm hiểu tranh sơn mài một cách nhẹ nhàng. Như một cuộc đi bộ thư thái, chúng ta thưởng thức và vừa đủ thời gian để nhận thấy nhiều cách tiếp cận nghệ thuật sơn mài trên con đường phát triển với phong cách khác nhau của các tác giả.
Triển lãm tranh sơn mài “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” |
Công chúng có thể tìm hiểu tranh sơn mài một cách nhẹ nhàng |
Triển lãm tranh sơn mài “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” trưng bày gần 30 tác phẩm sơn mài tiêu biểu từ sự đóng góp của 10 họa sĩ. Đây là những cái tên không còn xa lạ trong giới mỹ thuật như: Lý Trực Sơn, Nguyễn Quang Trung, Phan Cẩm Thượng, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Quế, Đỗ Thị Kim Đoan, Nguyễn Xuân Lục, Phạm Trà My.
Xuân núi rừng - tranh sơn mài của Triệu Khắc Tiến |
Họ là những nghệ sĩ đang khai phá sơn mài theo những cách riêng của bản thân mình. Họ tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng, thậm chí hoàn toàn trái ngược, kế thừa cổ truyền hay bác bỏ, để chất liệu dẫn dắt, làm chủ hay hội thoại, phải quy chuẩn hóa về mặt kỹ thuật rồi mới khai phá, hay là cứ khai phá rồi sẽ tìm tiếp.
Khách nước ngoài cũng rất quan tâm đến triển lãm tranh sơn mài |
Tại triển lãm tranh sơn mài, có thể thấy sự từng trải với sơn mài của họa sĩ Lý Trực Sơn hay Triệu Khắc Tiến. Những tác phẩm của họ cho thấy kỹ thuật sơn mài linh hoạt bậc thầy. Trong đó Triệu Khắc Tiến - Tiến sĩ chuyên ngành nghệ thuật sơn mài duy nhất tại Việt Nam tại thời điểm hiện tại, ông mong muốn chuẩn hóa các kỹ thuật sơn ta nhằm tăng độ bền và mở rộng biên độ chất liệu. Tranh sơn mài của ông sẽ nhìn thấy những thực hành kỹ thuật điển hình cho trường phái trừu tượng biểu hiện theo kiểu của Jackson Pollock, hay xu hướng trừu tượng của Joan Miro. Ông Triệu Khắc Tiến bước vào giai đoạn sáng tác triệt tiêu về hình thể mà thử thách các kỹ thuật tự do, nhiều lớp để tạo ra một sự độc đoán cá nhân về sáng tác; không sử dụng các ý đồ của nghệ thuật tạo hình mà đưa bản thân thả mình vào các nhịp điệu tự nhiên của sơn ta xuất hiện theo trạng thái năng lượng trong lúc sáng tác. Ông sử dụng sơn ta trên nhiều vóc nhỏ để đạt được hiệu quả nội hàm của sơn mài mà vẫn đảm bảo kỹ thuật nghệ thuật.
Những tác phẩm tranh sơn mài trừu tượng tại Triển lãm |
Trong khi đó họa sĩ Nguyễn Quang Trung là họa sĩ nghiên cứu sâu về nghệ thuật trừu tượng. Ông cũng đưa chất liệu sơn mài vào như một phương tiện dành cho các sáng tác của mình. Với ông sơn mài cũng như các chất liệu khác cốt yếu là để biểu đạt hiệu quả nghệ thuật. Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cách làm sơn mài của danh họa Nguyễn Sáng và kế thừa một số kỹ thuật này. Như thường lệ, ông mang tới triển lãm những tác phẩm trừu tượng, điều ông đã theo đuổi nhiều năm trên cả chất liệu sơn mài lẫn sơn dầu.
Bức Chuếnh choáng của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Thúy Nguyệt |
Tại triển lãm tranh sơn mài, hai họa sĩ Vũ Văn Tịch và Nguyễn Thị Thúy Nguyệt là các học trò được họa sĩ Triệu Khắc Tiến truyền nghề. Cùng với thầy của mình, họ mở rộng thêm sự linh hoạt của sơn ta, thử nghiệm liên tục các kỹ thuật tạo chất mới. Bức Chuếnh choáng của nữ họa sĩ cho thấy một không gian hiện đại. Tác phẩm có sự kết hợp của sơn mài và trang trí, từ đó cả phục trang và không gian của những người phụ nữ hiện đại hiện ra một cách yểu điệu, nhiều chi tiết đến say mê.
Tác phẩm tranh sơn mài trên vóc: Quan Âm Thị Kính của Phan Cẩm Phượng |
Một họa sĩ trẻ khác, Nguyễn Xuân Lục, người rất thạo kỹ thuật khảm trai, luôn tìm cách kể một câu chuyện tranh sơn mài mới hơn về cả chất liệu và đề tài. Trong tác phẩm Trầm tích, công chúng có thể thấy con đường trừu tượng của anh được trải qua những mảng sáng tối uyển chuyển. Ở đó, mỗi mảng màu đều như đang tiếp tục chuyển động để hòa tiếp vào vùng màu lân cận.
Tác phẩm Vườn mộng mơ của Phạm Trà My |
Còn với Phạm Trà My, một họa sĩ thường ít xuất hiện trước công chúng. Chị thường vẽ bao gồm muôn vàn chi tiết, hình dấu dưới lớp lớp được thể hiện tỷ mỉ kỹ lưỡng; cũng là một lối vẽ mà sơn mài sẽ cộng hưởng sức mạnh cho nó. Nhìn vào tranh của Phạm Trà My ta thấy một thế giới tinh thần đầy mơ mộng của tác giả.
Triển lãm tranh sơn mài “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” diễn ra từ ngày 2-8/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.