Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề nóng thúc đẩy tăng trưởng TP. Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường truyền thông, kết nối kinh doanh cho doanh nghiệp Ngành du lịch lưu trú TP. Hồ Chí Minh đang gần chạm ngưỡng trước dịch? |
Kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Năm 2022, GRDP đã đạt 9,03% cao hơn chỉ tiêu TP. Hồ Chí Minh đặt ra là 6-6,5% và cao hơn GRDP trung bình cả nước là 6%. Cùng với đó những chỉ tiêu về thu ngân sách, giải quyết việc làm an sinh xã hội đều đạt hiệu quả cao. Để có thể đạt được hiệu quả này, thành phố ghi nhận sự tham gia đồng bộ, nhịp nhàng có trách nhiệm của các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân.
Từ quý 4/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh có phần chậm lại, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22% |
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 tình hình diễn biến phức tạp, ảnh hưởng khá toàn diện lên hoạt động của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Nhiều thông tin không khả quan đã được gửi đến chính quyền thành phố, đòi hỏi TP. Hồ Chí Minh phải có giải pháp tháo gỡ, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố.
Tại “Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/2, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, khu chế xuất, khu công nghiệp… đã kiến nghị với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh nhiều nhóm vấn đề nóng trên nhiều lĩnh vực như: Vốn - tín dụng - thuế, thu hút đầu tư, giá thuê đất, phát triển hạ tầng, xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, công nghiệp… nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) - cho biết: Từ quý 4/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh có phần chậm lại, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22%, so với tỷ lệ 26% của quý trước đó…
Đáng chú ý, về lĩnh vực xuất khẩu, do lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Mỹ, EU lên tới 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt, (châu Âu đã giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%), tồn kho tăng lên chiếm 20-25% dẫn đến quý 4/2022 và quý 1/2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, hỗ trở doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh |
Riêng trong lĩnh vực bất động sản, hiện rất khó khăn và có xu hướng đi vào suy thoái. Minh chứng rõ nhất là thị trường đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần như đóng băng và có khả năng kéo dài. Điều đáng nói là sự ngưng trệ của thị trường bất động sản đã kéo theo sự ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan.
Mặt khác, do biến động trái phiếu và việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ cho thấy nền kinh tế thiếu tính thanh khoản; nhà đầu tư có dấu hiệu bị suy giảm niềm tin vào một số ngân hàng nên khả năng huy động vốn sụt giảm. Chính sách điều hành và kiểm soát rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nhà nước mang tính giật cục. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện, vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra.
Trước thực tế khó khăn đó, HUBA kiến nghị Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, về chính sách của nhà nước, cần hỗ trợ vốn, tín dụng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay. Ngoài ra, nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, để giải quyết tình hình hết sức khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhà nước nên tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành kinh tế, thời hạn áp dụng tới hết năm 2023. Các loại thuế khác (thuế thu nhập doanh nghiệp tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét miễn, giảm để chia sẻ khó khăn doanh nghiệp và khuyến khích phát triển kinh tế trong thị trường cạnh tranh quốc tế khó khăn hiện nay…
Ở góc độ Thành phố, nhiều ý kiến doanh nghiệp đề nghị thành phố cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua, nhiều giải pháp, sáng kiến về cải cách hành chính đã được chính quyền thành phố áp dụng và từng bước phát huy hiệu quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh |
Tuy nhiên theo phản ánh của doanh nghiệp vẫn còn tình trạng một số cán bộ công chức chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của doanh nghiệp, tình trạng bệnh” sợ trách nhiệm” vẫn còn xảy ra khi nhiều cấp, nhiều ngành lạm dụng việc kính chuyển để đá quả bóng đi nơi khác, hồ sơ của người dân và doanh nghiệp bị “ngâm” quá hạn định còn xảy ra thường xuyên nhưng không dễ điểm mặt, chỉ tên vì doanh nghiệp đều rất ngại và cả sợ.
Do đó, bà Lý Kim Chi kiến nghị TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đi đầu và cùng cả nước đẩy mạnh siết chặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính tối đa nhất ở tất cả sở, ban, ngành trên mọi lĩnh vực, từ đó cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị để tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Vì đây luôn là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của Thành phố, chỉ khi làm tốt và làm tốt hơn nữa thì mới tạo ra hiệu quả bức phá.
Đối với vấn đề phát triển thị trường hàng hóa, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để ngành lương thực thực phẩm phát triển theo chiều sâu và khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thì việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu tại các tỉnh lân cận và Đồng bằng sông Cửu Long, hình thành chuỗi sản xuất ngành lương thực thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò rất quan trọng. Song thực tế việc liên kết này chưa thật sự hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Bà Lý Kim Chi kiến nghị, Thành phố và các sở ngành sớm kết nối cùng các địa phương lân cận có lợi thế phát triển vùng nguyên liệu chủ động báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, đứng ra làm đầu mối xây dựng cơ sở dữ liệu chung về quản lý vùng nguyên liệu, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các địa phương, định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường, các yêu cầu về quy mô, quy trình, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng…
Doanh nghiệp trao đổi và chia sẻ những khó khăn, vương mắc với Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên |
“Nếu không có cơ sở dùng chung này thì rất là khó, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hàng hóa lúc dư, lúc thiếu, doanh nghiệp và người nuôi trồng không thể tốt hơn được. Khi có được dữ liệu này thì chúng ta tiếp cận được thị trường, dữ liệu rất quan trọng cho cả khâu cung ứng lẫn khâu sản xuất” - bà Lý Kim Chi nhấn mạnh.
Liên quan đến xuất nhập khẩu, ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn - cho biết: Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 47,183 tỷ USD, (tăng 5,1% so với cùng kỳ), nhập khẩu đạt 62,849 tỷ đô. Với kết quả đó, xuất nhập khẩu TP. Hồ Chí Minh vẫn đang dẫn đầu cả nước, song vẫn nhập siêu hơn 15 tỷ USD.
Với thực tế nhập siêu của TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Việt Anh kiến nghị TP. Hồ Chí Minh cần có chính sách để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu theo hướng gia tăng tỷ trọng mặt hàng công nghệ, máy móc có giá trị cao, phát triển các ngành sản xuất dựa vào kỹ thuật cao. Đồng thời giảm tỷ trọng các ngành gia công thâm dụng lao động, năng suất thấp. Cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển để giảm nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sản xuất, kinh doanh để tăng các mặt hàng xuất khẩu do các doanh nghiệp Việt đầu tư, sản xuất. Qua đó, cải thiện vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trước vị thế áp đảo của các doanh nghiệp FDI hiện nay.
“TP. Hồ Chí Minh cũng cần nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào các thủ tục hải quan để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận lợi, tạo ra lợi thế để tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu” ông Trần Việt Anh kiến nghị.
Ngoài các vấn đề trên, điểm nóng trong các ý kiến cũng tập trung vào vấn đề giải quyết hồ sơ tồn đọng về cấp chủ quyền đất đai, nhà xưởng (thuê hoặc mua), hoàn công để doanh nghiệp, người dân có chủ quyền đất thế chấp vay ngân hàng đưa vào sản xuất kinh doanh. Đồng thời, xem xét lại chính sách cho thuê đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp giá trị đất thuê và tài sản trên đất thuê để vay ngân hàng, từ đó khuyến khích doanh nghiệp ở lại thành phố thay cho xu hướng chuyển dịch về các tỉnh lân cận (Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh…) như hiện nay.
Đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp
Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh ghi nhận, đánh giá cao những kiến ghị, góp ý, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh. “Qua những kiến nghị của doanh nghiệp, vấn đề liên quan đến cơ quan Trung ương yêu cầu Thành phố tiếp thu đầy đủ và có kiến nghị cụ thể. Đối với vấn đề liên quan đến hạn chế của TP. Hồ Chí Minh cũng cần khắc phục nhanh, hiệu quả…” - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Trước những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu, sở, ngành nào có liên quan đến các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp thì chủ động đối thoại, tháo gỡ những khó khăn, vương mắc. Đối với những nội dung góp ý có tính chất dài hạn, xem xét đưa vào đề án phát triển ngành, lĩnh vực.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay nằm ở hai điểm là pháp lý và trách nhiệm công vụ của công chức. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính quyền Thành phố cần nâng cao trách nhiệm công vụ, có nghiên cứu, đề xuất khắc phục những điểm còn chồng chéo trong quy định pháp luật để có sự linh hoạt, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
“Quan điểm của TP. Hồ Chí Minh là không chỉ lắng nghe mà sẽ nỗ lực, có trách nhiệm tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp trong thẩm quyền Thành phố. Nếu vướng mắc lớn hơn, TP. Hồ Chí Minh sẽ trình đến Trung ương. Hiện TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để triển khai thực hiện, bổ sung nguồn lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh” - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định.