Tìm giải pháp để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Doanh nghiệp than khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Hải, đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết: Doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được gần 10 năm, nhưng chủ yếu vẫn chỉ phục vụ linh, phụ kiện cho một số doanh nghiệp trong nước và một số ít doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với quy mô nhỏ, còn lại vẫn chưa thể “chen chân” được vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt vẫn khó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu (Ảnh: KL) |
Trả lời câu hỏi tại sao chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, ông Nguyễn Văn Hải nêu ra một loạt các lý do, trong đó có cả chủ quan lẫn khách quan từ phía doanh nghiệp. Trong đó, chủ quan là doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đa phần có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, mỏng về vốn và công nghệ cũng như nhân sự. Trong khi khả năng tiếp cận với nguồn vốn rất khó, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng luôn yêu cầu phải có tài sản thế chấp và đi kèm với đó là rất nhiều yêu cầu, thủ tục phức tạp.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Hải cho rằng, có tài sản thế chấp thì doanh nghiệp tiếp cận được vốn với mức lãi suất 7,5%, nhưng cứ khoảng 6 tháng đến 1 năm doanh nghiệp lại phải đáo hạn một lần.
"Cứ như thế thì doanh nghiệp chỉ ăn rồi loanh quanh lo đáo hạn cũng mệt, nói gì đến sản xuất kinh doanh" - ông Nguyễn Văn Hải nêu.
Trong khi đó, thực tế đã cho thấy, các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài họ sang Việt Nam đầu tư thường kéo theo một loạt các doanh nghiệp vệ tinh để phục vụ linh, phụ kiện trong chuỗi sản xuất. Các doanh nghiệp này có ưu thế không chỉ về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực mà còn mối quan hệ với các tập đoàn lớn, nên doanh nghiệp Việt khó có thể cạnh tranh được.
Cũng nói về những khó khăn khi tham gia chuỗi cung ứng, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc cung ứng Công ty Cổ phần Công nghệ và Thương mại Systech cho rằng: Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều yếu kém, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, công nghệ, máy móc mà các doanh nghiệp đang sử dụng thường là các công nghệ cũ, lạc hậu, khiến cho các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện tại rất khó có thể đáp ứng với nhu cầu công nghệ ngày càng cao của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như Apple, Samsung, LG,…
Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều yếu kém (Ảnh: KL) |
Giải pháp nào cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ?
Trên thực tế, để đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn toàn cầu về ngày càng cao về chất lượng, giá cả, tiến độ giao hàng và dịch vụ của các khách hàng FDI, một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phải đang từng bước hoàn thiện hệ thống, nhân sự, các quy trình kiểm soát và đầu tư thêm thiết bị, máy móc, chuẩn bị cho các làn sóng mới đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam ngày càng thu hút được lượng lớn vốn đầu tư FDI, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có thêm cơ hội cung ứng hàng hóa cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, đặc biệt ngành điện tử, lắp ráp. Để tham gia vào chuỗi cung ứng, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt nên tận các chính sách ưu đãi về hoàn thuế, các chính sách thúc đẩy sản xuất đã được cơ quan chức năng ban hành. Cùng với đó, đầu tư thêm nguồn lực để học hỏi, nghiên cứu và sản xuất các hệ thống tự động hóa hữu ích, có hàm lượng công nghệ cho các công ty sản xuất.
Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ về tư duy đáp ứng khách hàng. Doanh nghiệp cần đầu tư nguồn lực từ 10-20% cho việc nghiên cứu và phát triển thì mới có thể sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, cạnh tranh được với các quốc gia Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên triển khai và áp dụng nhuần nhuyễn các công cụ quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO9001, ISO14001,… để nâng cao tính chuyên nghiệp và mức độ tin tưởng đối với các tập đoàn lớn từ nước ngoài, để họ tin tưởng và lựa chọn các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng chính của họ.