Doanh nghiệp Việt không thể chậm chân trong ''sân chơi'' thương mại toàn cầu
Thương mại điện tử Việt Nam xứng danh “mũi nhọn” kinh tế số: Nghĩ gần, nghĩ xa Thương mại điện tử dealtoday và những cú bắt tay mở rộng thị trường dịch vụ |
Số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán trên sàn thương mại điện tử tăng 300%
Theo báo cáo e – Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Compamy, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022. Trong đó, thương mại điện tử xuyên biên giới tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với tổng giá trị hàng hoá giao dịch ước đạt 14 tỷ USD, tăng 16,7 %.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, quý I/2024, giá trị xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam qua thương mại điện tử xuyên biên giới ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ yếu là điện tử, dệt may, giày dép, nông sản, thủ công mỹ nghệ.
Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, theo các chuyên gia, trong vòng 2-3 năm tới, nếu không tham gia vào “cuộc chơi” thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp sẽ lạc hậu và chậm chân trong một sân chơi có sự phát triển rất mạnh trong thời hiện tại.
Thực tế, trong bối cảnh xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, việc tận dụng công nghệ số và thương mại điện tử xuyên biên giới để khai thác tiềm năng xuất khẩu toàn cầu đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ngày một đánh giá cao và điều hướng tập trung. Nhiều doanh nghiệp đã nhập cuộc với doanh thu tăng trưởng nhanh trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling tại diễn đàn, ngày 27/6. Ảnh: Quân Nguyễn |
Chia sẻ tại Diễn đàn thương mại điện tử xuyên biên giới mới đây, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling cho biết, trong 12 tháng tính đến ngày 31/8/2023, hơn 17 triệu sản phẩm từ Việt Nam được bán ra trên Amazon.
Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên sàn thương mại điện tử này cũng tăng 50%, theo ông Toàn.
Theo báo cáo của AccessPartnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) của Việt Nam dự kiến đạt 296.300 tỷ đồng vào năm 2027.
Ngoài ra, dữ liệu của Amazon cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên sàn thương mại điện tử này tăng 300% trong 5 năm. Đây là con số "đáng kinh ngạc" cho thấy tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới, theo đại diện Amazon
Theo thống kê từ 2019-2023, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD mỗi năm trên Amazon tăng gấp 10 lần. Cùng đó, số lượng đối tác bán hàng Việt tham gia chương trình Đăng ký Thương hiệu (Brand Registry) của Amazon gấp 35 lần trong 5 năm qua.
Amazon Global Selling dự báo từ năm 2021-2026, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới hàng năm tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á khoảng 20%. Riêng giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng trưởng loại hình này gấp 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường.
"Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến 2030 của Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa từ 6-7% mỗi năm" - Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling nói.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện tại đã có 32% các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua hình thức trực tuyến, giúp họ đa dạng kênh và cơ hội tiếp cận trực tiếp với người mua toàn cầu mà không giới hạn không gian, thời gian và thậm chí còn giúp giảm chi phí xây dựng chuỗi cung ứng, cũng như thiết lập văn phòng đại diện tại các thị trường mục tiêu.
Doanh nghiệp cần chủ động phát triển thương hiệu trên nền tảng số
Cơ hội xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới là rất lớn, song, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trong lĩnh vực mới này, doanh nghiệp Việt vẫn đối diện nhiều thách thức. Ông Phong chỉ ra, theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong số hơn 1.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động về xuất nhập khẩu mới có 49% doanh nghiệp có website về thương mại điện tử, 11% doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, 2% doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động.
Như vậy để thấy, hiện hầu hết các hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam mới chỉ tập trung tại thị trường nội địa, hoặc xúc tiến quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam ra thế giới; Việt Nam còn hạn chế trong sự phát triển độc lập và đảm bảo an ninh, an toàn, thông suốt của các hệ thống hạ tầng số và thương mại điện tử; Nhiều chính sách và quy định pháp luật quản lý nhà nước về xuất khẩu trực tuyến còn thiếu, yếu và chưa hài hoà với quốc tế...
Ngoài vấn đề về cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng còn thiếu kiến thức về quy trình hải quan và vận chuyển quốc tế, năng lực về thẩm định đối tác, pháp chế, rà soát hợp đồng, kỹ năng đàm phán và quản lý thương mại điện tử...
Đồng thời, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về vấn đề logistics làm tăng chi phí hoặc không bảo đảm về thời gian giao hàng, tiến độ giao hàng. Vấn đề về rào cản ngôn ngữ, múi giờ, thị hiếu khách hàng cũng là một trở ngại khi doanh nghiệp trong nước có những khách hàng đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới. Bản thân các doanh nghiệp cũng còn hạn chế về nhận thức và nhân lực, nguồn lực dành cho hoạt động này.
2-3 năm tới, nếu không tham gia vào ''cuộc chơi'' thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp sẽ lạc hậu và chậm chân trong sân chơi toàn cầu. Ảnh minh hoạ |
Để nâng cao được năng lực cạnh tranh, xây dựng được thương hiệu toàn cầu, ông Toàn cho biết, doanh nghiệp đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) đào tạo khoảng 10.000 nhân lực cho các doanh nghiệp về thương mại điện tử xuyên biên giới trong vòng 5 năm nhằm nâng cao kỹ năng bán hàng, đồng thời Amazon cung cấp các giải pháp để doanh nghiệp có thể đăng ký và bảo hộ được thương hiệu cũng như có những công cụ giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu ngay trên nền tảng này.
“Kinh nghiệm từ những thương hiệu lớn cho thấy cần bán những sản phẩm mà khách hàng cần, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa để đạt được tiêu chuẩn của thị trường cũng như tập trung xây dựng thương hiệu ngay từ đầu để tiến tới một nền tảng kinh doanh lâu dài" - ông Phạm Khắc Toàn khuyến nghị thêm.
Nhấn mạnh về gỡ điểm nghẽn logistics, theo bà Cao Cẩm Linh, đại diện Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, muốn thương mại hoặc thương mại điện tử phát triển thì phải có logistics thực hiện. Bởi nếu có nhu cầu mà không có đơn vị vận chuyển thì nhu cầu đó chỉ nằm trên giấy tờ và đứt gãy ở chỗ đó.
Vì vậy, phía Hiệp hội đã tiến hành tập huấn cho các sở Công Thương về tất cả các quy trình thương mại trên nền tảng điện tử cũng như cách vận hành, vận chuyển... để từ đó các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương có giải pháp phù hợp nhất.
Tập trung phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những trụ cột quan trọng được Chính phủ quan tâm trên hành trình thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhấn mạnh, việc tạo môi trường xây dựng các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nắm bắt quy trình vận hành trên nền tảng số, và hiện đại hóa hoạt động thương mại góp phần không nhỏ đến cơ hội mở rộng thị trường của các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô.
Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử nói chung, xuất khẩu trực tuyến nói riêng, ông Hoàng Ninh, Trưởng phòng Chính phủ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tiến hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các khóa đào tạo cả trực tiếp và trực tuyến hoàn toàn miễn phí, do vậy các doanh nghiệp có nhu cầu có thể đăng ký với Cục để tham gia các chương trình đào tạo về thương mại điện tử xuyên biên giới, qua đó giúp doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của mình tại thị trường trong nước và quốc tế thông qua các sàn thương mại điện tử.
Theo Nghị quyết của Chính phủ đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đóng góp khoảng 20% GDP quốc gia. Trong đó, thương mại điện tử được đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng (doanh thu khoảng 35 tỷ USD), góp phần thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam. |