Doanh nghiệp Việt đồng hành với logistics xanh trong tăng trưởng kinh tế
Để logistics trở thành đòn bẩy cho xuất khẩu nông sản Quảng Ninh: Xây dựng cơ chế vượt trội để phát triển logistics Ngành logistics Việt Nam chuyển mình đón đầu cơ hội của thị trường |
Để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, trong đó, dịch vụ logistics được xác định là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm.
Việc xanh hoá dịch vụ logistics không chỉ thuần tuý thay đổi hình ảnh truyền thống của ngành dịch vụ hết sức quan trọng này của nền kinh tế nói chung, kim ngạch xuất nhập khẩu nói riêng mà còn góp phần gia tăng thị phần của ngành gắn với các chuỗi cung ứng bền vững. Bởi logistics xanh không còn dừng lại ở mức độ xu hướng nữa mà đã nhanh chóng trở thành yêu cầu bắt buộc, là tiêu chí quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp logistics mở cửa thị trường quốc tế và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát triển dịch vụ logistics xanh đang là đòi hỏi với các nền kinh tế. Ảnh minh hoạ. |
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 cho thấy, chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam đạt 3,3 điểm, tăng 0,03 điểm so với kết quả năm 2018 và đây là mức điểm cao nhất của Việt Nam kể từ khi nghiên cứu này được công bố. Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường logistics mới nổi, xếp hạng 4 về chỉ tiêu cơ hội logistics quốc tế, được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.
Các chuyên gia nhận định, hiện nay ngành logistics Việt Nam có nhiều tiềm năng, nếu biết khai thác tốt sẽ mang lại lợi thế cho doanh nghiệp. Vị trí chiến lực của Việt Nam là một trung tâm trung chuyển nổi bật ở châu Á. Các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế này để giảm đáng kể chi phí logostics.
Đặc biệt cho dù đối diện với nhiều thách thức như dịch Covid-19, một số nước láng giềng triển khai tổng kho phân phối lớn ngay tại biên giới với Việt Nam, sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử ở Việt Nam những năm qua được coi là động lực cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam tăng trưởng. Cùng đó, nhu cầu mở rộng kho bãi của các doanh nghiệp được nhìn nhận như một cú huých cho dịch vụ logistis tăng trưởng.
Các xu hướng định hình thị trường logistics trong năm 2024 và những năm tiếp theo là vận tải đường bộ sẽ song hành cùng phát triển mạng lưới đường bộ. Đồng thời, điều tiên quyết khi phát triển vận tải biển nội địa là kết nối cảng biển với hệ thống cảng thuỷ nội địa, đường cao tốc, đường sắt.
Trong bối cảnh đó, những vấn đề như chuyển đổi số trong hải quan, logistics hàng không bền vững, đào tạo kỹ năng xanh cho nhân lực… sẽ là yếu tố quan trọng góp phần định hướng cho sự phát triển xanh, bền vững của ngành logistics Việt Nam.
Trước mắt, doanh nghiệp logistics Việt Nam kỳ vọng có được việc đơn giản hoá quy trình hoạt động để cắt giảm chi phí; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mở rộng chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường mới; tăng cường hoạt động hậu mãi để gắn kết khách hàng; tăng cường nguồn vốn cho thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số. Song song đó, cần coi sự cân bằng cán cân thương mại giữa các vùng kinh tế là giải pháp dài hạn cho giảm chi phí logistics.
Phát triển dịch vụ logistics xanh là cơ hội để giúp giảm thâm hụt triền miên trong nhiều năm qua với xuất khẩu thương mại dịch vụ. Cùng với đó phát triển dịch vụ logistics xanh còn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về xuất khẩu dịch vụ vận tải trong những năm tới đây, nhất là khi Việt Nam đã và đang tham gia sâu hơn rộng hơn vào các cơ chế thương mại song phương và đa phương cũng như mở rộng thị trường cho hàng hoá xuất khẩu trong nước.