Thực phẩm nào nên và không nên ăn khi có vấn đề tuyến giáp?
Phương pháp mới nhất điều trị ung thư tuyến giáp Vì sao ung thư tuyến giáp ngày càng gia tăng Luộc thịt thế nào để ngon và giữ được chất dinh dưỡng? |
Chức năng quan trọng của tuyến giáp
Tuyến giáp đảm nhận nhiều vai trò quan trọng đối với hoạt động của cơ thể. Chức năng chính của tuyến giáp là tiết ra các hormone tuyến giáp (Triiodothyronin - T3 và Thyroxine - T4) giúp kiểm soát các hoạt động của tất cả các cơ quan trong cơ thể.
Trên thực tế, có rất nhiều bệnh lý về tuyến giáp thường gặp như: Cường giáp, suy giáp, nang tuyến giáp, u tuyến giáp,... Các bệnh lý về tuyến giáp có rất nhiều đặc điểm rất khác nhau, và do đó cũng có những chế độ ăn rất khác nhau. Có loại thực phẩm này tốt cho bệnh lý này, nhưng lại không tốt cho bệnh lý khác. Do đó việc tìm hiểu kỹ về các loại thực phẩm là hết sức quan trọng để xây dựng được chế độ ăn phù hợp với từng bệnh lý khác nhau.
Để giúp tuyến giáp hoạt động khỏe mạnh, dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng. Ảnh: livemint |
Thực phẩm tốt cho sự hoạt động của tuyến giáp
Một số loại thực phẩm tốt cho sự hoạt động của tuyến giáp, những nhóm thực phẩm này nên được bổ sung hàng ngày với tất cả mọi người, kể cả có tuyến giáp khỏe mạnh.
Iốt: Iốt là thành phần rất cần cho tuyến giáp, bởi nó là nguyên liệu chính cho tuyến giáp sản sinh ra các hormon cần thiết. Cách đơn giản nhất để bổ sung iốt là sử dụng muối iod, ăn các tảo, rong biển, trứng, các loại cá biển hay các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, pho mai.... Lưu ý rằng bổ sung quá nhiều iod cũng có thể gây ra ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp, nhưng những rối loạn do thừa iod là rất rất hiểm gặp.
Các thực phẩm giàu kẽm: Giống như Selen, kẽm cần thiết cho sự hoạt động của tuyến giáp. Thậm chí việc bổ sung kẽm có thể giúp cải thiện chức năng tuyến giáp ở các bệnh nhân suy giáp do viêm giáp Hashimoto. Kẽm được tìm thấy trong nhiều thực phẩm khác nhau như hàu, thịt đỏ, thịt gia cầm và các loại hạt, hay trong một số loại hải sản.
Các thực phẩm giàu selen: Selen hay selenium là một khoáng chất rất cần cho sức khỏe chung của các tế bào tuyến giáp. Nó là chất cần thiết cho sự sản xuất hormone tuyến giáp và giúp tránh những tác hại xấu đến tế bào giáp. Các thực phẩm giàu selen bao gồm các loại hạt, các ngừ, cá mòi, trứng và các loại đậu, đỗ...
Các loại trái cây tươi: Đây là nguồn cung cấp vitamin và chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể. Việc bổ sung đầy đủ vitamin này sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch của cơ thể để chống lại bệnh tật. Do đó, người bị u tuyến giáp lành tính nên bổ sung trái cây tươi vào khẩu phần ăn mỗi ngày.
Một số vi chất dinh dưỡng quan trọng khác: Cũng giống như các cơ quan khác nhau trong cơ thể, tuyến giáp cần có đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết khác để có thể hoạt động tốt, do đó một chế độ ăn đầy đủ các vi chất dinh dưỡng là rất cần thiết, đặc biệt là vitamin D, vitamin B12, Magie và sắt.
Một số thực phẩm nên kiêng ăn khi có vấn đề về tuyến giáp
Đậu nành: Được coi là một loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, nhưng đậu nành lại không phải là một lựa chọn tốt cho bệnh nhân mắc u tuyến giáp. Vì hàm lượng isoflavone có trong đậu nành có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ iod của tuyến giáp, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất hormone của tuyến giáp.
Do đó, những người mắc u tuyến giáp cần hạn chế sử dụng các sản phẩm từ đậu nành như nước tương, đậu phụ, sữa đậu nành, và các sản phẩm có chứa đậu nành khác.
Bắp cải và rau họ cải: Bạn nên tránh ăn những loại rau thuộc họ cải như cải bắp, cải bẹ, cải thìa,... bởi vì chúng chứa một loại chất Glucosinolates - là hợp chất có chứa lưu huỳnh và nitơ. Các hợp chất này gây trở ngại cho việc sản xuất hormone tuyến giáp làm giảm khả năng hấp thụ Iot của tuyến giáp.
Thực phẩm giàu I-ốt: I-ốt rất cần thiết cho tuyến giáp nhưng người bệnh cần bổ sung i-ốt ở mức hợp lý trong bữa ăn hàng ngày.
Nếu người bệnh lạm dụng i-ốt sẽ khiến tuyến giáp hoạt động quá mức, gây viêm tuyến giáp làm tình trạng bệnh nặng hơn. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để bổ sung lượng i-ốt phù hợp.
Các loại đồ hộp và thực phẩm chế biến sẵn: Các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ đóng hộp vốn đã không tốt cho sức khoẻ người dùng vì chứa nhiều chất béo và một số chất phụ gia, chất bảo quản.
Việc tiêu thụ nhiều loại thực phẩm này sẽ làm chậm quá trình sản sinh thyroxin của tuyến giáp và ảnh hưởng đến tác dụng của một số thuốc điều trị bệnh tuyến giáp, khiến người bệnh lâu hồi phục hơn.
Thực phẩm nhiều đường, chất xơ: Mặc dù chất xơ rất có lợi cho đường tiêu hóa nhưng người bệnh cần tiêu thụ một cách hợp lý khi mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp. Việc tiêu thụ chất xơ quá nhiều sẽ cản trở quá trình hấp thu thuốc điều trị của cơ thể.
Bên cạnh đó, các thực phẩm như bánh kẹo, đồ ngọt chứa nhiều đường tinh luyện sẽ làm bạn tăng cân, ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
Các chất kích thích: Một điều cần lưu ý là các chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá,... hay các đồ uống chứa cafein cũng là nguyên nhân làm giảm tác dụng của thuốc điều trị tuyến giáp. Do vậy, bệnh nhân nên uống thuốc trị bệnh tuyến giáp vào lúc đói, tốt nhất là vào buổi sáng trước khi ăn 1h.
Nội tạng động vật: Nội tạng động vật chứa một lượng lớn axit lipoic, ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc điều trị tuyến giáp. Vì thế, người bệnh nên lưu ý cần hạn chế tối đa việc tiêu thụ nội tạng động vật trong quá trình điều trị.
Ngoài việc quan tâm đến bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì để tránh nguy cơ trở nặng thì người có vấn đề tuyến giáp cần thường xuyên đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe định kỳ, được tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho từng người. Việc đi khám định kỳ còn giúp bác sĩ tầm soát biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.