Thị trường Ấn Độ - “Cửa sáng” cho doanh nghiệp Việt
Thị trường mục tiêu
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 2,173 tỷ USD sang thị trường Ấn Độ. Trong đó, điện thoại và các loại linh kiện chiếm tỷ trọng cao nhất với trên 512 triệu USD; tiếp đến là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, trên 289 triệu USD; hoá chất, trên 131 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu, trên 33,3 triệu USD.
Theo Bộ Công Thương, dù diễn biến dịch bệnh đang rất phức tạp đã gây ảnh hưởng nặng nề đến lưu chuyển thương mại giữa hai nước, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn là thị trường mục tiêu và nằm trong 10 đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Kết quả này có được nhờ nỗ lực của Bộ Công Thương trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến. Chỉ riêng Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, trong năm 2020 đã tổ chức và tham gia hơn 40 chương trình xúc tiến thương mại, giao thương trực tuyến. Kết quả, đã tạo cầu nối giúp doanh nghiệp hai nước tìm hiểu nhu cầu của nhau, hiểu văn hoá kinh doanh và từng bước hợp tác đầu tư.
Dệt may- một trong những ngành nhiều tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ |
Số lượng tham gia đông đảo tại các hội nghị giao thương trực tuyến cho thấy sự quan tâm ở mức độ cao cũng như sức hấp dẫn của thị trường Ấn Độ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Phát huy kết quả khả quan này, trong năm 2021 Bộ Công Thương dự kiến tiếp tục tổ chức các hội nghị giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp hai nước. Đây cũng được xác định là một trong những phương thức hiệu quả giúp Việt Nam - Ấn Độ đạt mục tiêu 15 tỷ USD kim ngạch giao thương hai chiều.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ - đối tác tiềm năng
Cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai nước là đối tượng có nhiều tiềm năng hợp tác, bà Minni Kumam - Bí thư thứ nhất, Đại sự quán Ấn Độ tại Việt Nam - nhấn mạnh: Doanh nghiệp vừa và nhỏ rất quan trọng, đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế hai nước chống chọi trước tác động của đại dịch. Với Việt Nam, 89% doanh nghiệp không thuộc khối FDI là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ấn Độ cũng tương tự với tỷ trọng lớn của đối tượng này.
Bà Minni Kumam cũng cho biết: Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thế mạnh trong ngành dệt may, mây tre đan, trong khi doanh nghiệp Ấn Độ mạnh về dược phẩm, công nghệ thông tin…sự khác biệt và bù đắp này sẽ giúp doanh nghiệp hai nước hợp tác hiệu quả.
Tuy vậy, thị trường Ấn Độ đòi hỏi cao ở việc tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà với tất các đối tác. Đặc biệt, Ấn Độ mong muốn tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thực hiện các cải cách để hài hoà thủ tục hành chính, cải thiện hạ tầng, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, Ấn Độ cũng rất chú trọng tới yếu tố môi trường, kỹ năng của lực lượng lao động nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn hợp tác phát triển tại thị trường Ấn Độ ngoài các quy định hiện hành cần chú trọng những yếu tố trên.
Chia sẻ về cơ hội hợp tác mới giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ, ông Hemant Seth - Giám đốc Liên đoàn các Phòng thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cũng - cho hay: Dự án “Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ: Kết nối Ấn Độ - Tiểu vùng sông Mekong mở rộng” bắt đầu được triển khai trong năm 2021 sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia tiếp cận thị trường nhiều tỷ USD của nhau. Đối tượng của dự án là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có dự kiến hoặc đang tham gia vào hoạt động xuất khẩu, tìm kiếm liên minh kinh doanh, tìm thị trường mới và doanh nghiệp tham gia đổi mới sáng tạo về công nghệ.
“Dự án dự kiến tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có đưa 2 đoàn thương mại Ấn Độ sang Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tham gia các hội chợ triển lãm, quốc tế. Hiện, dự án đã tạo ra nền tảng trực tuyến để tổ chức các sự kiện, giao lưu trực tiếp nhằm đẩy mạnh tương tác giữa các doanh nghiệp. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn sẽ hợp tác trực tiếp”, ông Hemant Seth nói.
Có thể thấy, dưới sự trợ sức của Bộ Công Thương, doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội hợp tác, gia tăng xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, gần đây chính phủ Ấn Độ ban hành một số chính sách như tăng thuế đối với một số mặt hàng không thiết yếu, yêu cầu kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ… do vậy các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp thông tin kịp thời về thị trường và ngành hàng. Với cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực và chủ động hơn nữa, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào quảng bá giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, đồng thời, thường xuyên cập nhật các thông tin, diễn biến mới nhất về thị trường, các thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu.