Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu Đắk Lắk: Bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững |
FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội
Thông tin tại Hội nghị rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định EVFTA và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác cho Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố cho biết, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, bao gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).
Các chuyên gia nhận định, các FTA thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, những kết quả thực thi các FTA trong những năm vừa qua cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa các thị trường này.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý thực thi FTA của trung ương và địa phương cũng như những đột phá trong tư duy hành động để có thể gia tăng hơn nữa cơ hội từ các Hiệp định này mang lại. Đại diện Bộ Công Thương cùng với các tỉnh/thành phố đã trao đổi, đề xuất ra những giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả các FTA cũng như tăng cường xây dựng liên kết, kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trung ương và địa phương trong thúc đẩy thực thi FTA trong thời gian tới.
Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA - Ảnh: Cấn Dũng |
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các FTA cho thấy, xuất khẩu sang các thị trường FTA lớn như EU, CPTPP (Canada và Mexico), Vương quốc Anh dù tăng trưởng tích cực trong thời gian qua nhưng tỷ trọng của các thị trường này còn tương đối khiêm tốn.
Cụ thể, đối với Hiệp định EVFTA, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EU đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước EVFTA đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2021.
Đối với Hiệp định CPTPP, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2021.
Còn đối với Hiệp định UKVFTA, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh đạt 771 triệu USD, giảm 9,8% so với năm 2021.
Trong đó, các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng đa số trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn của Việt Nam như giày dép, da giày, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm. Việc xây dựng và định vị thương hiệu cho các mặt hàng “Made in Viet Nam” tại thị trường khó tính như thị trường các nước FTA chưa được quan tâm đúng mức...
Theo đó, số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường FTA còn khiêm tốn. Số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu nhìn chung thấp hơn số lượng doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng; khả năng đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu ngày càng nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan; doanh nghiệp thiếu chủ động trong đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để hưởng ưu đãi. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô hoặc theo đơn đặt hàng gia công của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang các thị trường FTA còn hạn chế...
Tăng cường hiệu quả tận dụng các FTA
Nhằm khắc phục những hạn chế, tận dụng các cơ hội mới, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp tục được triển khai tại các địa phương. Mặc dù, công tác tuyên truyền được đẩy rất mạnh nhưng phần lớn còn chung chung, chưa tập trung vào các nội dung cụ thể được doanh nghiệp quan tâm, công tác tuyên truyền chưa đổi mới nhiều. Bên cạnh đó, các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA chưa phát huy được hiệu quả tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Số lượng cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về FTA, có khả năng thực hiện việc đào tạo và hỗ trợ cho các tỉnh, thành còn thiếu.
Những yếu tố này được đánh giá có ảnh hưởng đến việc tạo ra nguồn nhân lực hỗ trợ cho các địa phương thực thi các FTA... Để giải quyết các tồn tại, tăng cường hiệu quả tận dụng các FTA thế hệ mới, Bộ Công Thương đề xuất các nhóm giải pháp.
Một là, nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến; nhóm giải pháp về thể chế; nhóm giải pháp về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; nhóm giải pháp về nhân lực; nhóm giải pháp về số liệu thống kê; nhóm giải pháp khác.
Hai là, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương hàng năm xây dựng Kế hoạch tuyên truyền về các FTA để các Bộ, ngành và các tỉnh, thành cùng triển khai đồng bộ, hiệu quả, tránh trùng lặp và lãng phí.
Ba là, đề nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành nghề liên quan chủ động xây dựng các hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, trước mắt tập trung vào một số mặt hàng chủ lực tại từng địa phương. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thống nhất phương pháp thống kê số liệu về đầu tư, xuất nhập khẩu liên quan đến thực thi các FTA cũng như cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin về các số liệu này cho các địa phương.
Bên cạnh đó, đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng phù hợp để tận dụng các FTA của Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững…
Cùng với đó, từ năm 2020 Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới đã hoàn tất các công việc cuối cùng để khai trương FTAP – Cổng thông tin điện tử về FTA của Việt Nam (https://fta.gov.vn).
Theo Bộ Công Thương, đây là lần đầu tiên Việt Nam có được một công cụ tra cứu các cam kết FTA và các thông tin liên quan một cách thông minh, tiên tiến, có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các FTA một cách hiệu quả nhất.
Trong giai đoạn 2022-2025, FTAP được tập trung phân tích, xây dựng và đăng tải bộ dữ liệu trong các FTA còn lại mà Việt Nam là thành viên, đặt mục tiêu các doanh nghiệp và người dân có thể truy cập và tìm kiếm thông tin cho tất cả các FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Đặc biệt, FTAP cũng sẽ được nâng cấp cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của bộ, ngành khác thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp (LGSP); tích hợp khả năng gọi và kết nối dữ liệu (API) từ trong nước và quốc tế. Ngoài ra, phân tích, xây dựng và đăng tải bộ dữ liệu liên quan đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để có tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân có sự so sánh, đánh giá giữa các thỏa thuận thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia.