Nhóm kim loại lao dốc do áp lực vĩ mô và cung – cầu
Áp lực nào khiến giá kim loại không ngừng suy giảm? Áp lực lãi suất cao ‘đè nặng’ lên nhóm kim loại quý Nhóm kim loại quý bật tăng nhờ sự suy yếu của đồng USD |
Đối với nhóm kim loại quý, cả ba mặt hàng đều duy trì đà giảm sang tuần thứ hai liên tiếp. Cụ thể, giá bạch kim dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 3,76% xuống 881,5 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 11 tháng. Trong khi đó, giá bạc giảm 3,24%, đóng cửa tuần tại mức 21,72 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3/2023. Giá vàng có mức giảm thấp nhất nhóm khi giảm 0,87% xuống 1.832,26 USD/ounce.
Ảnh minh họa |
Trong các phiên đầu tuần, đồng USD tăng mạnh trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ duy trì ở mức cao đã khiến giá bạc và bạch kim liên tục gặp sức ép.
Đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu Mỹ liên tục được đẩy lên bởi lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để kiềm chế lạm phát, do thị trường lao động Mỹ vẫn tăng trưởng tích cực. Cụ thể, dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy số cơ hội việc làm tăng lên 9,6 triệu trong tháng 8, cao hơn nhiều so với dự báo. Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 30/9 đạt mức 207.000, thấp hơn 3.000 đơn so với dự báo của giới phân tích.
Hơn nữa, sức mạnh đồng USD càng được củng cố bởi những tín hiệu lạc quan về sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, báo cáo từ Viện quản lý cung ứng cho thấy lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã phục hồi tích cực, với chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất đạt 49 điểm trong tháng 9, cao hơn 1,3 điểm so với dự báo và là mức cao nhất trong gần 1 năm.
Tuy vậy, giá bạc và bạch kim đã phục hồi tích cực trong phiên cuối tuần khi mà báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 9 của Mỹ cho thấy tăng trưởng tiền lương chậm lại. Áp lực lạm phát tiền lương giảm bớt sẽ làm giảm áp lực lên chỉ số lạm phát toàn phần và làm tăng kỳ vọng FED có thể tạm ngừng tăng lãi suất. Điều này đã khiến đồng USD suy yếu và các mặt hàng kim loại quý do đó cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, mức giảm mạnh trong các phiên đầu tuần đã khiến giá bạc và bạch kim đóng cửa tuần trong sắc đỏ.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 2,94% xuống 3,62 USD/pound, trong khi giá quặng sắt trên Sở Giao dịch Singapore nối dài đà giảm sang tuần thứ ba liên tiếp khi giảm 1,71%, đóng cửa tuần tại mức 117,56 USD/tấn.
Trong tuần trước, nhóm kim loại cơ bản phải chịu áp lực từ cả yếu tố vĩ mô và yếu tố cung – cầu. Một mặt, đồng USD liên tục tăng mạnh khiến cho chi phí đầu tư và mua hàng vật chất trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm sức mua các mặt hàng.
Mặt khác, yếu tố tiêu thụ kém sắc khiến giá đồng và quặng sắt phải chịu sức ép. Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, vẫn đang là lực cản chính cản trở tiêu thụ đồng hay sắt thép. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ trong cả tuần trước càng khiến nhu cầu trở nên trầm lắng.
Bên cạnh đó, đối với thị trường đồng, yếu tố tiêu thụ kém sắc trong khi nguồn cung ổn định đã gây áp lực bán mạnh. Cụ thể, dữ liệu gần đây đã chỉ ra sản lượng đồng tháng 8 của Chile và Peru, 2 quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, tăng lần lượt 2,7% và 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, thị trường đồng tinh chế dự kiến sẽ thặng dư 467.000 tấn vào năm 2024, do nguồn cung tăng cao từ Indonesia, Ấn Độ và Mỹ, theo báo cáo của Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế công bố ngày 4/10.