Áp lực nào khiến giá kim loại không ngừng suy giảm?
Giá kim loại quý có thể duy trì đà tăng nhờ lực mua kỹ thuật Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 7/9/2023: Giá kim loại suy yếu, giá dầu WTI tăng |
Trong nhóm kim loại quý, giá bạc và bạch kim đều ghi nhận mức giảm hơn 1% đưa giá cả hai mặt hàng xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần. Cụ thể, giá bạc giảm 1,55% xuống mức 23,50 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm xuống 915,3 USD/ounce sau khi giảm 1,95%. Giá vàng giảm 5 phiên liên tiếp khi giảm 0,50% xuống 1.916,28 USD/ounce, mức thấp nhất trong hơn một tuần.
Hình minh họa |
Thị trường kim loại quý gặp sức ép sau khi Mỹ công bố dữ liệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng trưởng tích cực. Điều này gây thêm mối lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế.
Cụ thể, theo báo cáo của Viện Quản lý Cung ứng (ISM), lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã mở rộng tháng thứ tám liên tiếp, với 54,5 điểm trong tháng 8, cao hơn 2 điểm so với dự báo của giới phân tích và cao hơn 1,8 điểm so với tháng 7. Trong đó, các chỉ số việc làm, giá đầu vào và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng so với tháng trước.
Do đó, các nhà đầu tư lo ngại lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng trưởng mạnh sẽ tăng áp lực lạm phát tại Mỹ và Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Trước lo lắng lãi suất đi lên, đồng USD tiếp tục tăng với chỉ số Dollar Index duy trì ở mức cao nhất trong 6 tháng, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 10 điểm cơ bản lên 4,3%.
Sự tăng giá của đồng USD khiến chi phí đầu tư trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi lợi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi, khiến giá chịu sức ép.
Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm hai phiên liên tiếp với mức giảm 1,62%. Đây cũng là phiên ghi nhận mức giảm đồng lớn nhất trong gần một tháng. Trái lại, giá quặng sắt duy trì đà tăng khi tăng 1,11% lên 118,85 USD/tấn.
Giá đồng tiếp tục phải chịu sức ép khi đồng USD liên tục duy trì ở mức cao trong thời gian gần đây. Điều này khiến cho chi phí mua đồng vật chất trở nên đắt đỏ hơn, vì đây là đồng tiền chính trong hoạt động thương mại quốc tế.
Trong khi đó, triển vọng tiêu thụ đồng toàn cầu trở nên kém tích cực khi mà các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều báo cáo số liệu kinh tế tiêu cực. Cả Anh, Đức, khu vực châu Âu đều cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ đang thu hẹp, thể hiện qua mức tăng trưởng với tốc độ yếu nhất trong năm nay. Dữ liệu trước đó cũng đã chỉ ra hoạt động luyện đồng toàn cầu trong tháng 8 suy yếu so với tháng 7, theo Earth-i.
Trái lại, giá quặng sắt vẫn đang tăng tốt do nhu cầu sắt thép dự kiến sẽ có xu hướng tăng trong tháng 9 và tháng 10 là những tháng vàng trong mùa xây dựng của Trung Quốc.
Hơn nữa, giá sắt cũng tốt hơn sau khi Vale, nhà khai thác quặng sắt lớn thứ hai thế giới, cho biết trong dài hạn, tiêu thụ thép toàn cầu sẽ tăng cao. Điều này là nhờ vào quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc và sản xuất ngày càng được đẩy mạnh ở các thị trường mới nổi khác bao gồm cả Đông Nam Á. Khu vực này được kỳ vọng công suất thép sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
Tuy nhiên, mức tăng bị hạn chế bởi lo ngại Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hạn chế sản lượng thép trong năm nay.