Nhóm kim loại quý bật tăng nhờ sự suy yếu của đồng USD
Kim loại quý tiếp tục phải chịu sức ép do áp lực lãi suất tăng cao Giá kim loại quý có thể sớm lấy nhịp lại phục hồi trong phiên hôm nay Đà giảm của giá kim loại quý có thể nối dài nếu NFP tích cực |
Đối với nhóm kim loại quý, cả 3 mặt hàng đều phục hồi trong sắc xanh, chấm dứt chuỗi nhiều phiên giảm giá liên tiếp. Cụ thể, giá bạc dẫn dắt đà tăng của nhóm khi tăng 3,35%, đóng cửa tại mức 21,72 USD/ounce. Giá bạch kim chốt phiên tại 881,5 USD/ounce, sau khi tăng 2,20%. Đây cũng là phiên ghi nhận mức tăng mạnh nhất của giá bạc và giá bạch kim trong vòng hơn 1 tháng. Ngoài ra, giá vàng phục hồi 0,67% lên 1.832,26 USD/ounce.
Ảnh minh họa |
Dữ liệu được công bố vào hôm qua cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn tích cực nhưng mức tăng trưởng tiền lương đã chậm lại, làm tăng kỳ vọng về một chính sách mềm mỏng hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Điều này đã hỗ trợ cho các mặt hàng nhóm kim loại quý phục hồi trong phiên hôm qua.
Cụ thể, báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ chỉ ra Mỹ đã có thêm 336.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 9, gần gấp đôi so với dự báo tăng 170.000 của các nhà kinh tế và là mức lớn nhất kể từ tháng 1/2023, cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ và củng cố cho quan điểm rằng các nhà hoạch định chính sách cần giữ lãi suất ở mức cao để hạ nhiệt lạm phát. Đồng USD đã tăng vọt ngay sau khi báo cáo bảng lương được công bố và khiến nhóm kim loại quý gặp sức ép.
Tuy vậy, sau đó giá bạc và bạch kim đồng loạt phục hồi do các nhà đầu tư đã đánh giá lại dữ liệu và có cái nhìn tích cực hơn về báo cáo bảng lương. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 của Mỹ không thay đổi ở mức cao nhất trong 18 tháng là 3,8%. Mức tăng lương hàng tháng vẫn ở mức vừa phải, với thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,2%, không thay đổi so với tháng 8. Trong 12 tháng tính đến tháng 9, tiền lương tăng 4,2% sau khi tăng 4,3% trong tháng 8.
Áp lực lạm phát tiền lương giảm bớt sẽ làm giảm áp lực lên chỉ số lạm phát toàn phần và làm tăng kỳ vọng FED có thể tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11. Điều này đã khiến đồng USD suy yếu với chỉ số Dollar Index giảm 0,27% xuống 106,04 điểm trong phiên hôm qua. Các mặt hàng kim loại quý do đó cũng được hưởng lợi, do đồng USD suy yếu làm giảm chi phí đầu tư.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi 2,13% lên 3,62 USD/pound. Áp lực vĩ mô giảm bớt và đồng USD suy yếu đã hỗ trợ cho giá đồng bật tăng trong phiên hôm qua. Hơn nữa, lực mua đồng được củng cố sau khi công ty Trafigura đưa ra dự báo giá đồng có tiềm năng đạt mức 12.000 USD/tấn. Hơn nữa, nhà phân tích Natalie Scott-Gray của StoneX cho biết: “Nhìn vào cuối năm, đồng có thể được hưởng lợi từ nhu cầu theo mùa ở Trung Quốc tăng lên, được hỗ trợ thêm bởi những kỳ vọng về sự tăng tốc trong chi tiêu tài chính”.
Trái lại, giá quặng sắt nối dài đà giảm sang phiên thứ tư liên tiếp khi giảm 0,2% xuống mức 117,56 USD/tấn, do triển vọng tiêu thụ kém lạc quan, đặc biệt là tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu hơn 70% quặng sắt của thế giới.