Áp lực lãi suất cao ‘đè nặng’ lên nhóm kim loại quý
Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim giảm mạnh nhất nhóm khi để mất 1,34% xuống 862,5 USD/oune, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022. Đây cũng là phiên giảm thứ tư liên tiếp của giá bạch kim. Trong khi đó, giá bạc giảm 5 phiên liên tiếp khi giảm 0,6% xuống 21,01 USD/ounce. Giá bạc tiếp tục duy trì ở vùng giá nhấp nhất trong vòng hơn 6 tháng. Đáng chú ý, giá vàng nối dài đà giảm sang phiên thứ chín liên tiếp khi giảm 0,06%, đóng cửa tại mức 1.820,01 USD/ounce.
Dưới sức ép từ lo ngại lãi suất cao hơn, giá các mặt hàng nhóm kim loại quý tiếp tục lao dốc.
Ảnh minh họa |
Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua cho thấy thị trường Mỹ lao động vẫn đang tích cực, điều này làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 30/9 đạt mức 207.000, thấp hơn 3.000 đơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, theo dữ liệu Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 5/10.
Thị trường lao động Mỹ tích cực làm gia tăng áp lực lạm phát tiền lương, điều này tạo ra nhiều không gian để FED tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Do đó, động lực tăng của đồng USD vẫn còn nhiều. Trong khi đó, kim loại quý là tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng đồng dollar Mỹ, do vậy, môi trường lãi suất cao và đồng USD tăng mạnh gây áp lực mất giá kép đối với bạc và bạch kim.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ tư liên tiếp khi giảm 1,03%, đóng cửa tại mức 3,55 USD/pound, mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Trong khi đó, giá quặng sắt cũng giảm 0,21% xuống 117,8 USD/tấn, mức thấp nhất trong gần 1 tháng.
Giá đồng và quặng sắt tiếp tục phải chịu sức ép do triển vọng tiêu thụ kém lạc quan. Sự thất vọng của nhà đầu tư về nhu cầu kém sắc của Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư liên tục bán tháo đồng và quặng sắt trong thời gian gần đây.
Hơn nữa, giá quặng sắt còn phải chịu áp lực khi Australia đưa ra dự báo rằng giá quặng sắt trung bình sẽ giảm xuống 100 USD/tấn vào năm 2023, khoảng 84 USD/tấn vào năm 2024 và khoảng 76 USD/tấn vào năm 2025 do triển vọng tiêu thụ kém lạc quan, theo báo cáo Triển vọng hàng quý của Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên của Chính phủ Australia (DISR).
Ngoài ra, báo cáo của DISR cũng chỉ ra thu nhập từ xuất khẩu quặng sắt của Australia, quốc gia sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ giảm xuống 120 tỷ dollar Australia vào năm tài chính 2023 – 2024, giảm từ mức 124 tỷ dollar Australia vào năm tài chính 2022 – 2023, do giá thấp hơn và tiêu thụ yếu.