Nhà trường tặng vàng trong lễ tốt nghiệp: Dễ hình thành tâm lý sính vật chất cho học sinh
Sự bất ổn của thị trường vàng là ''gánh nặng'' cho nền kinh tế Hoá giải ''cơn khát'' vàng - Bài 3: Kinh nghiệm quốc tế và thách thức cho Việt Nam |
Những ngày qua, nhiều ý kiến dư luận và trên nhiều diễn đàn mạng xôn xao việc Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội tặng vàng cho học sinh tại lễ Bế giảng năm học 2023-2024. Màn trao quà đặc biệt này đã trở thành một vấn đề được dư luận quan tâm và chú ý.
Người trong cuộc lên tiếng
Được biết, ý nghĩa của việc tặng vàng để vinh danh một số học sinh tiêu biểu và thầy cô có thành tích năm học 2023-2024 và được nhà trường trao thưởng 3 chỉ vàng. Trên miếng vàng có in logo trường và hình con rồng bay lên và dòng chữ: “Nhân văn, khai phóng” cũng chính là triết lý giáo dục của ngôi trường này.
Theo quan điểm của nhà trường, phần thưởng là miếng vàng in triết lý giáo dục sẽ là động lực rất lớn để học sinh nỗ lực và những em đạt được chắc chắn sẽ lưu giữ, tự hào. Món quà còn giúp phong trào học tập trong trường tốt hơn, các em thêm nỗ lực hơn để nhận giải.
Theo các chuyên gia, trong môi trường giáo dục, vật chất hoá thái quá sẽ không mang lại ý nghĩa giáo dục thiết thực. |
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp cho biết, tặng vàng cho giáo viên và học sinh tiêu biểu là truyền thống của trường và hoạt động đã được nhà trường duy trì 5 năm qua.
"Với mong muốn có một phần thưởng ý nghĩa, giá trị gửi tặng học sinh nên nhà trường lựa chọn vàng. Việc trường tặng vàng sẽ giúp cho giáo viên và học sinh lưu giữ được lâu hơn. Đặc biệt, trong cuộc sống, lúc nào đó các em gặp khó khăn hoặc cần vốn để khởi nghiệp, thì số vàng này sẽ giúp đỡ phần nào cho các em" - ông Nguyễn Quang Tùng nói.
Về phần trao thưởng này, những năm qua nhà trường chưa nhận ý kiến trái chiều nào từ học sinh, phụ huynh trong trường. Ngược lại, món quà này giúp phong trào học tập trong trường tốt hơn, các em thêm nỗ lực để nhận giải.
"Việc tặng thưởng cho học sinh bằng vàng cũng đã được nhiều trường áp dụng. Chúng tôi luôn thực hiện đúng với các quy chế của trường và quy định của pháp luật, quy định của ngành. Phần thưởng cũng được trích từ quỹ học bổng của nhà trường để tặng học sinh" - Nguyễn Quang Tùng cho hay.
Không chỉ Trường Lô-mô-nô-xốp áp dụng phương thức tặng vàng, trước đó, Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức lễ vinh danh "Gương người tốt - Việc tốt" năm học 2023 - 2024 cho 230 học sinh, giáo viên, nhân viên trong trường.
Ghi nhận, tri ân những tấm lòng đẹp này, Ban Giám hiệu Trường THPT Bùi Thị Xuân đã trao tặng món quà là 1 logo mạ vàng với ý nghĩa sáng và đẹp như tấm lòng của các em. Đây chính là vật kỷ niệm khó phai mờ trong hành trình sống của những con người tốt lành, thiện lương.
Từ những sự việc trên, nhiều người cho rằng, việc các trường trao vàng và logo mạ vàng cho những học sinh, thầy cô là món quà rất ý nghĩa, có giá trị. Song, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, tặng vàng sẽ hình thành ý thức vật chất hoá sớm, tạo thói quen coi trọng vàng như tiền tệ.
Chuyên gia nói gì?
Trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, từ xa xưa, tặng quà là một nét đẹp, nét văn hoá của Việt Nam và các quốc gia cũng không ngoại lệ. Vàng được xem là biểu trưng cho sự quyền uy, là một vật phẩm rất có giá trị và trường tồn theo thời gian. Quà tặng bằng vàng không chỉ chứa đựng ý nghĩa tinh thần, mà còn có giá trị quy đổi tiền tệ cao. Tặng vàng như một phần biểu tượng của sức mạnh, của sự thành công.
Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục, nếu chúng ta vật chất hoá thái quá sẽ không mang lại ý nghĩa giáo dục. Bởi việc tặng vàng cho các em sẽ hình thành ý thức vật chất hoá sớm, tạo thói quen coi trọng vàng như tiền tệ và tích trữ ngay từ nhỏ như cha ông. Điều này là không nên.
Hiện nay, khi giá vàng liên tục tăng, Việt Nam đang cần huy động nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, theo đó, việc các trường cần làm là giáo dục cho thế hệ trẻ ngay từ nhỏ về những hệ luỵ của việc tích trữ vàng, hay không nên quá coi trọng vật chất. Và thay vì tặng vàng, nhà trường nên tặng các em những món quà có giá trị tinh thần trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và ý chí của các em học sinh trong tương lai. Điều này mới phù hợp với môi trường mô phạm.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, hiện nay, có nhiều hình thức để khuyến khích các con, như nhiều học bổng có giá trị. Tuỳ cách nhìn nhận của từng trường sẽ có cách thức riêng. Trong trường hợp của các trường, cũng cần nhìn nhận ở giá trị ý nghĩa của hiện vật, không nên quá phán xét ở khía cạnh vật chất. Và điều quan trọng là ý nghĩa ẩn chứa đằng sau hiện vật mà trường muốn gửi gắm điều gì.
Cho rằng, việc trao tặng phần thưởng tuỳ quan điểm của mỗi trường, song theo ông Nguyễn Trần Nam, phần thưởng càng tách ra khỏi vật chất, hướng đến giá trị tinh thần càng tốt. Ví dụ có nhiều phần thưởng có ý nghĩa nhân văn như tặng các học sinh tham gia các trại hè tại nước ngoài. Những chương trình gắn với các hoạt động xã hội, điều này cũng có thể giúp người học vừa được trải nghiệm, nhưng cũng tự hào về phần thưởng của mình.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, đối với vấn đề giáo dục, phần thưởng cần mang ý nghĩa nhiều hơn vật chất. Đặc biệt, dù trường tư hay trường công, việc các trường tặng thưởng cho học sinh cũng cần căn cứ vào Luật Thi đua khen thưởng, Luật Giáo dục. Theo đó, về vấn đề này, cũng cần có sự quản lý, giám sát từ các cơ quan quản lý nhà nước.