Hoá giải ''cơn khát'' vàng - Bài 3: Kinh nghiệm quốc tế và thách thức cho Việt Nam
Hoá giải 'cơn khát' vàng - Bài 2: 'Bệnh nan y' cần toa thuốc đặc trị hữu hiệu Hoá giải ''cơn khát'' vàng - Bài 1: Giải mã nghịch lý càng đấu thầu giá vàng càng ''nhảy múa'' |
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm về kinh nghiệm quốc tế cùng thách thức của Việt Nam trong xây dựng chính sách quản lý thị trường vàng.
Ông Huân nói: Đã đến lúc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan liên quan cần thực hiện những giải pháp căn cơ hơn, quyết liệt hơn nhằm chấn chỉnh và lành mạnh hoá thị trường vàng. Sự điều chỉnh kịp thời sẽ tạo ra thị trường vàng ổn định, lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho người dân và an ninh kinh tế quốc gia.
Câu chuyện làm cách nào để đưa vàng về "trạng thái bình thường" đang là trăn trở của các cơ quan quản lý. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm mà các nước trên thế giới đã áp dụng để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả thị trường vàng?
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Ảnh nhân vật cung cấp |
Trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa. Và quy định có hai loại vàng là vàng vật chất và vàng phi vật chất. Vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức.
Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường. Tuy nhiên, trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP chúng ta mới chỉ đề cập đến vàng vật chất, đặc biệt vàng miếng được chọn là thương hiệu quốc gia và được Nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh.
Về kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới "can thiệp" bình ổn thị trường vàng có thể kể tới như tại Trung Quốc, trước năm 2001, hoạt động kinh doanh vàng diễn ra dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa độc quyền đối với thị trường vàng trong nước.
Tuy nhiên, việc can thiệp quá sâu của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh vàng khiến cho thị trường vàng trở nên bất ổn định, giá cả không tuân theo quy luật cung cầu và vàng nhập lậu tăng mạnh do sự độc quyền trong cơ chế phân phối của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa.
Vì vậy, những năm gần đây, Trung Quốc đã từng bước tự do hoá thị trường vàng, đặc biệt là thành lập sàn giao dịch vàng Thượng Hải. Sàn giao dịch vàng Thượng Hải được thành lập năm 2002, là pháp nhân độc lập do Nhà nước đầu tư vốn 100%, hiện là một trung tâm giao dịch vàng của Trung Quốc.
Để bình ổn thị trường vàng, các chuyên gia cho rằng, Viêt Nam cần thay đổi phương thức quản lý, lấy bài học kinh nghiệm thực tiễn từ một số quốc gia quản lý vàng thành công trên thế giới |
Sàn vàng cung cấp dịch vụ giao dịch vàng vật chất và giao dịch vàng qua tài khoản. Sản phẩm được phép giao dịch là vàng miếng đạt tiêu chuẩn quốc tế, các kim loại quý khác như bạch kim và bạc. Thông qua cơ chế khớp lệnh tập trung của sàn vàng, giá cả sẽ do cung cầu thị trường quyết định.
Tại Ấn Độ, hoạt động kinh doanh vàng cũng được kiểm soát khắt khe bởi Nhà nước cho đến khi chính sách tự do hoá thị trường vàng được phát triển tại quốc gia này kể từ năm 1997 với mục tiêu chính là xoá bỏ các rào cản đối với việc xuất nhập khẩu vàng và phát triển thị trường vàng phái sinh.
Năm 2003, Chính phủ Ấn Độ chính thức đưa vàng vào hoạt động tại Sở Giao dịch hàng hóa Ấn Độ nhằm tạo thị trường cho việc giao dịch vàng và dễ dàng trong quản lý. Bên cạnh đó, Ấn Độ vẫn duy trì những chính sách nhằm siết chặt, cắt bỏ dần hoạt động cho vay bằng vàng, cho vay thế chấp bằng vàng, cũng như hạn chế việc nhập khẩu vàng nhằm chống vàng hoá nền kinh tế.
Nhờ những chính sách tự do hóa thị trường vàng kết hợp chính sách kiểm soát, quản lý thị trường vàng, Ấn Độ không chỉ ngăn chặn được hoạt động buôn lậu vàng, mà còn giải phóng được một nguồn vốn khổng lồ dưới dạng vàng vào phát triển kinh tế.
Ngoài ra, trong khu vực Đông Nam Á, các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia đều đã thành lập sàn giao dịch vàng. Hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng vật chất (bao gồm vàng miếng, vàng nguyên liệu dạng thỏi, vàng nữ trang) đều do các Bộ Thương mại và Kinh tế quản lý.
Các giao dịch vàng phi vật chất (vàng tài khoản, hợp đồng vàng tương lai/kỳ hạn và các hợp đồng vàng phái sinh…) do các ngân hàng thương mại thực hiện dưới sự kiểm soát của các Ngân hàng trung ương hoặc được giao dịch trên các sàn chứng khoán quốc gia dưới sự quản lý của Bộ Tài chính.
Như ông chia sẻ, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công, hiệu quả phương thức quản lý vàng qua các sàn giao dịch. Vậy Việt Nam có nên thành lập các sàn giao dịch vàng không, hay nên áp dụng giải pháp gì để phù hợp thực tiễn hiện nay?
Thực tế, ở các nước họ quản lý vàng qua các sàn thành công thì điều quan trọng là phải có thiết chế vững chắc, an toàn, minh bạch. Còn tại Việt Nam, khi chúng ta chưa đủ "rào cản" pháp lý thì chưa nên áp dụng. Bởi việc tạo lập sàn giống như chúng ta đang tạo game (trò chơi) cho vàng và rất dễ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi pháp lý chưa đủ mạnh để quản lý.
Theo tôi, Việt Nam nên áp dụng giải pháp hạn chế người dân sở hữu vàng nguyên chất. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trong những giai đoạn đặc biệt của nền kinh tế, nhiều nhà quản lý đã đưa ra các biện pháp này và đã thành công. Lưu ý họ chỉ áp dụng theo từng giai đoạn nhất định.
Cụ thể, tại Anh, vào năm 1966, đồng bảng Anh lao dốc và các nhà đầu tư chuyển sang trú ẩn vào vàng, tạo nên những nguy cơ cho nền kinh tế. Điều đó khiến các nhà quản lý đưa ra một số sửa đổi về luật, giới hạn lượng vàng người dân có thể được nắm giữ. Hạn chế này bị xoá bỏ vào năm 1971.
Tương tự, đạo luật kiểm soát vàng năm 1965 của Ấn Độ cấm công dân sở hữu vàng miếng và tiền xu nhưng được bãi bỏ vào năm 1990. Cá biệt nhất, Mỹ từng cấm người dân không được sở hữu vàng nguyên chất trong giai đoạn từ năm 1933 tới 1971.
Nói như vậy để thấy, không quốc gia nào không muốn hạn chế việc đầu tư tích trữ vàng và ở những thời điểm nhất định, họ có thể đưa ra các biện pháp có tính cực đoan.
Tại thời điểm này, Việt Nam có thể nghiên cứu, rút kinh nghiệm để lựa chọn biện pháp tối ưu phù hợp với điều kiện thực tế để ổn định thị trường, đồng thời hạn chế việc người dân đầu tư vào vàng, tiêu tốn nguồn lực của nền kinh tế.
Thay vì tích trữ vàng miếng, có thể thiết lập và hướng người dân đầu tư sang quỹ đầu tư vàng ETFs (là một loại hình quỹ mở, có danh mục đầu tư chủ yếu là vàng nguyên liệu, người sở hữu các chứng chỉ quỹ ETF vàng vẫn có quyền hoán đổi sang vàng vật chất khi cần thiết) |
Chẳng hạn, thay vì tích trữ vàng miếng, có thể thiết lập và hướng người dân đầu tư sang quỹ đầu tư vàng ETFs (là một loại hình quỹ mở, có danh mục đầu tư chủ yếu là vàng nguyên liệu, người sở hữu các chứng chỉ quỹ ETF vàng vẫn có quyền hoán đổi sang vàng vật chất khi cần thiết) dưới sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước về việc ấn định một mức giá chung cho vàng, toàn quyền điều hành quản lý.
Các chứng chỉ vàng được phát hành thay cho vàng vật chất và Ngân hàng Nhà nước là đơn vị phát hành, đảm bảo việc giao dịch, mua bán các chứng chỉ vàng này thông suốt tại các địa điểm được Ngân hàng Nhà nước chỉ định.
Để giải "cơn khát" vàng, rút ngắn mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng tại thời điểm hiện tại... cần triển khai những giải pháp nào, thưa ông?
Nhập khẩu vàng là một giải pháp. Nhập khẩu vàng chính ngạch sẽ giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn cung nhưng Ngân hàng Nhà nước phải chi một lượng ngoại tệ chừng 1-2 tỷ USD cho mục đích này. Chỉ có điều, Ngân hàng Nhà nước đã phải dùng các biện pháp can thiệp để ổn định tỷ giá, nếu nhập khẩu vàng, áp lực lên tỷ giá càng tăng và điều này có thể tác động tới các cân đối vĩ mô quan trọng khác. Việc dùng dự trữ ngoại hối để nhập khẩu vàng không hợp lý, bởi suy cho cùng, vàng không phải là hàng hoá thiết yếu của nền kinh tế.
Vậy nhưng vẫn tồn tại một mẫu thuẫn khác là dù không cho nhập khẩu vàng chính ngạch, chúng ta cũng không thể chặn hoàn toàn vàng lậu qua đường tiểu ngạch. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng cao, tình trạng vàng lậu càng phức tạp và một lượng ngoại tệ nhất định vẫn chảy qua biên giới, tác động lên tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường tự do.
Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước vẫn buộc phải nhập khẩu một lượng vàng đủ để ổn định thị trường. Điều này chỉ xảy ra khi cán cân thanh toán thặng dư tương đối tốt và áp lực tỷ giá được giảm bớt. Ngoài ra, trong thời điểm này, chúng ta vẫn phải dựa vào các phiên đấu thầu vàng để giảm nhiệt cho thị trường.
Ngoài ra, để xoá bỏ chênh lệch vàng trong nước và vàng thế giới có thể dùng biện pháp thương mại, đó là giải pháp căn cơ và theo thông lệ quốc tế. Tức là sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, dùng thuế, hải quan điện tử để quản lý. Cần cho phép các doanh nghiệp vàng được nhập khẩu và xuất khẩu vàng và Nhà nước kiểm soát bằng thuế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!