Ngỡ ngàng các bức tranh sống động như thật của họa sĩ Việt
Các bức tranh nhận được “cơn mưa lời khen”
Qua tìm hiểu, những bức tranh này đến từ nét cọ tài hoa của họa sĩ Nguyễn Lộc, sinh năm 1969, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thái Nguyên. Lý do mà anh thường vẽ các bức tranh tôm cá (động vật thủy sinh) là vì tuổi thơ đã gắn bó với các con vật này. Từ nhỏ anh đã đặc biệt yêu thích, quan sát và vẽ các tôm, cua, cá, ốc… những loài thủy sinh gần gũi với cuộc sống hàng ngày, thậm chí có thể ngồi ngắm cả giờ mà không biết chán. Nhờ tích lũy đó kết hợp kiến thức hội họa trong suốt quá trình học tập nên anh có khả năng thể hiện một cách sinh động, tinh tế những loài thủy sinh trên các tác phẩm của mình.
Họa sĩ Nguyễn Lộc (người đứng bên phải) - NVCC |
Anh kể, chính vì ít người quan tâm đến các động vật đặc biệt là sinh vật biển (ít tính xã hội) nên anh càng thích vẽ đề tài đó. Ngoài ra, các tranh chủ đề này gần đây dễ bán và được công chúng ghi nhận nên anh có thêm động lực, yêu, say mê và bắt tay thực hiện nhiều đề tài này.
Không chỉ bó mình trong một đề tài, họa sĩ này còn vẽ nhiều loại tranh khác nhau từ tranh lịch sử, quân đội, cổ tích… đến tranh minh họa. Do đó, anh cũng thích sử dụng đa dạng chất liệu cho bức tranh như tranh khắc gỗ, tranh lụa, trạnh sơn mài. Về màu sắc, họa sĩ sử dụng màu acrylic để tranh lụa đỡ mốc, bạc, mủn mà vẫn giữ được sắc độ êm ái, màu trong sâu của lụa.
Mỗi bức tranh với những chất liệu khác nhau sẽ mất thời gian khác nhau để hoàn thành. Họa sĩ Lộc tiết lộ, tranh sơn mài hoặc sơn dầu thì mất 1 tháng, tranh lụa thì mất 1 tuần đến một tháng vì chất liệu lụa không cho làm quá lâu hay sử dụng nhiều lớp màu. Trong khi đó, giấy gió và mực nho thì chỉ mất vài phút.
Giống như bao họa sĩ khác, anh Lộc còn sử dụng mạng xã hội để giới thiệu và bán sản phẩm của mình – một kênh quảng bá hiệu quả. Có những người mua số lượng lớn để bán lại cho người khác, có những vị khách mua lẻ. Các bức tranh được đông đảo công chúng, đồng nghiệp đón nhận, yêu thích: “Đẹp lắm, sống động lắm”, “Tuyệt vời”, “Đỉnh quá”, “Đúng là một họa sĩ tài hoa”, “Thật choáng váng. Bức này nét tinh xảo kinh ngạc luôn thầy. Cảm giác như đang xem quảng cáo trên tivi led siêu phẳng”…
Tranh Âm vang mùa hè - NVCC |
Anh Dương Chung (Trưởng khoa Mỹ thuật, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc) cho biết: “Họa sĩ Lộc là người có nhiều kinh nghiệm trong việc vẽ động thực vật vì ngày trước kí họa nhiều và là họa sĩ minh họa cho Bộ Nông nghiệp. Tranh thầy ấy thường mô tả rất chân thực chi tiết các con vật còn bối cảnh xung quanh, thường chỉ gợi mà không tả rõ”.
Cuộc đời gắn liền với hội họa, mỹ thuật
Tranh Sau mưa - NVCC |
Trước khi bán được những bức tranh, anh làm tranh tường, làm giáo viên cấp 3 và hiện nay là giảng dạy tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Vì vậy, anh luôn yêu nghề, nuôi dưỡng niềm đam mê, trau dồi vốn kiến thức và giao lưu với nhiều đồng nghiệp và sinh viên.
Năm nào họa sĩ Lộc cũng tham gia triển lãm của khu vực, thành phố. Là một hội viên của Hội mỹ thuật tỉnh Thái Nguyên nên anh rất tích cực tham gia các cuộc thi từ khu vực đến toàn quốc. Chính sự cố gắng và yêu nghề đó nên anh đã có 4 lần tham dự triển lãm toàn quốc với bức tranh sơn dầu: Hòa với tiếng rừng, Bắc Sơn trưa tháng 2… và bức tranh “Phía đông” đã đạt giải nhì cuộc thi hội họa của tỉnh Thái Nguyên về đề tài Hải quân nhân dân Việt Nam.
Các tác phẩm được trưng bày ở triển lãm toàn quốc - NVCC |
Trong thời dịch Covid-19 hoành hành tại Việt Nam, họa sĩ Lộc đã nảy ra ý tưởng vẽ bức tranh “Lá chắn trắng”. Bức tranh ấy biểu dương tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ áo trắng sát cánh bên nhau, chung tay, chung sức, chung ý chí để chống lại sự tấn công tàn bạo của dịch bệnh. Không những vậy, họa sĩ đã đấu giá thành công bức tranh trong chương trình đấu giá “Đẩy lùi dịch COVID-19” do Báo An ninh Thủ đô và Indochineart phối hợp thực hiện và ủng hộ 100% cho các y bác sĩ chống dịch.
Hoạ sĩ Lộc tâm sự: “Cuộc sống của tôi là dạy học, truyền cảm hứng và tình yêu hội họa đến các thế hệ học trò. Hạnh phúc của tôi là được sáng tác, vẽ những gì mình thích và được công chúng đón nhận".