Ngành dệt may Việt Nam khởi sắc trở lại trong năm 2024?
Kim ngạch xuất khẩu tăng dần, ngành dệt may đã bớt khó? Ngành dệt may Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang Canada thông qua CPTPP Công bố hạn ngạch thuế quan với dệt may xuất khẩu sang Mexico |
Sau một năm 2023 đầy khó khăn với tình trạng tồn hàng lớn, ngành dệt may Việt Nam đã bước vào năm 2024 với nhiều tín hiệu khởi sắc. Mặc dù mới hết quý I, nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu có đơn hàng kéo dài đến hết nửa đầu năm nay, trái ngược với tình hình năm trước.
Tín hiệu khởi sắc
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong quý I/2024 ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới tăng lên, phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước đã ký được đơn hàng đến hết quý II/2024, thậm chí một số đã có đơn hàng đến quý III/2024.
Ngành dệt may Việt Nam đã bước vào năm 2024 với nhiều tín hiệu khởi sắc |
Trước đó, Vitas đã đưa ra kịch bản đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD trong năm 2024 trên cơ sở nhiều thị trường và đơn hàng đã quay lại. Tại các đại hội cổ đông thường niên vừa qua, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh lạc quan cho năm nay.
Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.707 tỷ đồng và lãi ròng hơn 161 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 21% so với năm 2023. Trong 2 tháng đầu năm, TCM đã thực hiện được gần 19% chỉ tiêu doanh thu và hơn 25% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Công ty cũng đã nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II/2024.
Công ty Cổ phần Dệt may Huế cũng báo cáo đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 6/2024, trong đó tỷ lệ đơn FOB (không mất phí vận chuyển) chiếm hơn 50%. Đơn hàng ngành may thậm chí đang vượt quá năng lực sản xuất của doanh nghiệp này.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cũng thông báo ký được các đơn hàng may xuất khẩu đến hết nửa đầu năm 2024 nhờ các đối tác lớn đã bán hết hàng tồn kho và Decathlon tăng cường đặt hàng phục vụ Olympic. Công ty đã nâng tổng công suất thêm 15% và tuyển thêm 3.000 công nhân từ tháng 3.
Tại “Triển lãm Quốc tế Ngành Công Nghiệp Dệt và May 2024” vừa qua, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, sau 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 15% so với cùng kỳ, riêng tháng 1 tăng 30% - mức tăng khá khả quan so với năm 2023. Ông nhận định ngành dệt may đang nhìn về một tương lai khá sáng sủa khi nền kinh tế Mỹ, châu Âu có nhiều tín hiệu tích cực.
Trong năm 2024, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.536 tỷ đồng, tăng 3% và lợi nhuận đạt 415 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, dự kiến tổng cầu dệt may thế giới năm nay ở mức 715 tỷ USD, tăng nhẹ so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn 2022. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của tập đoàn là kiên định thực hiện các giải pháp đã đề ra, theo dõi tình hình để ứng phó linh hoạt và sẵn sàng tái cơ cấu nếu cần.
Triển vọng tích cực
Tàn dư của COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người tin tưởng ngành sẽ có một năm 2024 khởi sắc. Theo Bà Đặng Thanh Phương - Giảng viên trường Đại học Thủy lợi (Cựu viện trưởng viện Kinh tế Thương mại - Bộ Công Thương), yếu tố quan trọng nhất góp phần vào sự khởi sắc của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024 là sức mua tại các thị trường xuất khẩu chính đã phục hồi trở lại sau đại dịch và khủng hoảng kinh tế.
"Tôi cho rằng, sự trở lại của nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn là nhân tố giúp ngành dệt may Việt Nam bước đầu vượt qua khó khăn tồn đọng của năm 2023", bà Phương nói.
Các chuyên gia nhận định, dệt may luôn là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua, đóng góp đáng kể về kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong tương lai, với những nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng này. Đóng góp quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng thương hiệu "Made in Vietnam" trên trường quốc tế.
"Với đà khởi sắc từ đầu năm và các định hướng, giải pháp đã được vạch ra, ngành dệt may Việt Nam đang tự tin bước vào năm 2024 với nhiều triển vọng tích cực sau một năm 2023 đầy khó khăn", một chuyên gia nhận định.