Kim ngạch xuất khẩu tăng dần, ngành dệt may đã bớt khó?
Ngành dệt may ứng phó bất ổn thị trường Ngành dệt may: Đón chờ bước ngoặt từ doanh nghiệp sợi |
Ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, 7 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của ngành ước đạt 22,8 tỷ USD, giảm 14,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu tất cả các mặt hàng của ngành đều giảm sâu, như: Hàng may mặc đạt 17,8 tỷ USD giảm 13,2%; vải đạt 1,37tỷ USD giảm 18%; xơ sợi đạt 2,5 tỷ USD giảm 20,7%; nguyên phụ liệu đạt 700 triệu giảm 17%, vải không dệt giảm 25%.
Cho dù 2 tháng gần đây xuất khẩu của ngành có cải thiện, tỷ lệ giảm kim ngạch thấp dần. Trong đó, 6 tháng kim ngạch giảm 17,6%, tháng 6 xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, 7 tháng giảm còn khoảng 14,7%, tháng 7 xuất khẩu đạt 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, con số này chưa phản ánh đúng hiện trạng của doanh nghiệp. Bên cạnh thiếu đơn hàng đang là vấn đề nổi cộm, đơn giá cũng rất thấp. Doanh nghiệp phải nhận cả đơn hàng không phải thế mạnh để sản xuất, hậu quả năng suất thấp, không có hiệu quả.
7 tháng xuất khẩu dệt may giảm 14,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh Cấn Dũng |
Nguyên nhân khiến xuất khẩu của ngành dệt may sụt giảm là do xung đột địa chính trị, hậu quả dịch bệnh, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm tại những thị trường lớn, tồn kho tăng. “Tổng cầu dệt may thế giới năm nay có khả năng giảm 8-10%, chắc chắn ngành dệt may Việt Nam còn khó khăn ít nhất đến hết năm nay và sang đầu năm 2024”, ông Trương Văn Cẩm nói và dự báo, năm nay ngành dệt may Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu trên dưới 40 tỷ USD, giảm khoảng 9-10% so với năm 2022.
Từ thực tế doanh nghiệp, bà Bùi Thị Hoàn- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP thêu may Mỹ Đức bày tỏ, từ quý IV/2022 đến nay doanh nghiệp hầu như không có đơn hàng xuất khẩu. Thậm chí có những đơn hàng nhỏ lẻ doanh nghiệp tập hợp đủ nguyên phụ liệu cho sản xuất còn bị đối tác huỷ đơn để chuyển sang nhà cung cấp khác có giá thành rẻ hơn. Doanh nghiệp buộc phải sản xuất hàng tiêu thụ nội địa nhằm giữ việc làm cho người lao động, có tháng phải bù lỗ.
Ngoài những nguyên nhân khách quan từ thị trường tiêu thụ, nguyên nhân nội tại cũng là thách thức với thêu may Mỹ Đức nói riêng, doanh nghiệp dệt may trong nước nói chung khi phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu; thuế xuất nhập khẩu cao, chi phí nhân công lớn… nên khó cạnh tranh về giá.
Dệt may Việt Nam là ngành có độ mở lớn, 85% năng lực sản xuất dành cho xuất khẩu. Những biến động trên thị trường thế giới sẽ ngay lập tức dội vào ngành. “Do đó, chúng tôi rất cần thông tin thị trường, chính sách thương mại, đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt là những chính sách mới tại thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản… để ứng phó kịp thời”, ông Trương Văn Cẩm cho biết. Đồng thời đề nghị, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhập và cung cấp thông tin cho hiệp hội để phổ biến kịp thời cho doanh nghiệp.
Mặt khác, ngành dệt may Việt Nam hiện chưa tận dụng được Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do quy tắc xuất xứ từ sợi quá khó. Trong khối CPTPP có thị trường Canada rất tiềm năng, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Việt Nam có thể ký hiệp định thương mại tự do song phương với Canada để có quy tắc xuất xứ ít hơn 3 công đoạn; hoặc tích cực phối hợp với các nước trong khu vực ASEAN đẩy nhanh tiến độ đàm phán hiệp định thương mại tự do với Canada để doanh nghiệp trong nước đẩy nhanh xuất khẩu sang thị trường này.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp ngành dệt may, tại Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Xuất khẩu của một số ngành hàng trong đó có dệt may giảm sâu ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu chung của cả nước.
Trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều khó khăn, để hỗ trợ các ngành hàng ổn định xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, đánh giá chính sách nước sở tại. Từ đó kịp thời tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương. Đồng thời, đưa ra khuyến cáo giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; tiếp nhận các ý kiến đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp để có kế hoạch hỗ trợ trong công tác phát triển thị trường.
Tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, tìm kiếm, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ phân tích chính sách, kịp thời đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng khóa xuất khẩu.
Về phía hiệp hội, Thứ trưởng đề nghị chủ động cung cấp thông tin về từng nhóm sản phẩm có nhu cầu xuất khẩu, đề xuất nhu cầu mở rộng tại từng thị trường cụ thể để Thương vụ và Bộ Công Thương có kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ.