Một vé máy bay “cõng” 20 loại thuế phí, chuyên gia nói gì?
Một tiền gà ba tiền thóc
Trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến giá vé máy bay bị đội lên cao.
Thứ nhất, lượng hành khách của các đường bay không ổn định, lưu lượng người đi máy bay từng thời điểm cũng không ổn định. Thứ hai, việc mở đường bay đòi hỏi các quy định khắt khe. Với các đường bay dù ít khách vẫn phải duy trì bay theo tần suất 1 – 2 chuyến/tuần khiến chi phí phát sinh tăng cao.
“Theo quy định, những đường bay dù ít khách, hãng hàng không vẫn phải duy trì bay, dù lỗ vẫn phải bay. Do đó, các đường bay có lượng khách đông cũng không đủ để hãng bù lỗ cho đường bay vắng khách”, PGS Đinh Trọng Thịnh nêu.
Bản chất vấn đề ở đây là do nhiều chi phí vận hành hoạt động của hãng hàng không (thuê tàu bay, sân đỗ, giá điều hành bay quốc tế…) được thanh toán bằng ngoại tệ (USD) dẫn đến tăng chi phí cho hãng hàng không.
Nguyên nhân khiến vé máy bay tăng cao là do mức thu thuế, phí không nhỏ |
Cụ thể, giá nhiên liệu tăng cao theo số liệu cập nhật của IATA, giá nhiên liệu Jet-A1 khu vực châu Á ngày 26/4/2024 là 100,25 USD/thùng. Biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 4/2024 của các hãng hàng không tăng 56,55% so với tháng 12/2014 và tăng 74,27% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng 37,66% so với tháng 12/2014 và tăng 53,24% so với tháng 8/2015.
Tháng 4/2024, giá nhiên liệu bay Jet A1 khu vực châu Á là 100,25 USD/thùng, tương đương mức giá giai đoạn tháng 4/2023 (100,17 USD/thùng). Tuy nhiên, tỷ giá giai đoạn tháng 4/2024 (1 USD = 25.454 VND) biến động tăng 8% so với tháng 4/2023 (1 USD = 23.620 VND).
Với tỷ trọng các chi phí có gốc ngoại tệ của các hãng hàng không chiếm khoảng 75% tổng chi phí, chỉ tính riêng biến động của tỷ giá đã khiến chi phí của các hãng hàng không tăng gần 6% so với cùng kỳ.
Xét về yếu tố đầu vào, khi so sánh với năm 2019, giá nhiên liệu trong quý 1/2024 đã tăng 28 USD/thùng, tương đương 38,2% chi phí, qua đó làm chi phí khai thác toàn mạng phát sinh thêm 1,409 tỷ đồng. Nếu quy đổi ra đơn vị chuyến bay, mỗi 1 USD giá nhiên liệu tăng sẽ làm chi phí chuyến bay quý 1/2024 tăng thêm 56,7 USD/chuyến.
Đồng thời, tỷ giá VNĐ/USD trong quý 1/2024 đã tăng 1,300 đồng (tương đương 5,6%) so với năm 2019, dẫn đến chi phí hoạt động vận tải hàng không phát sinh thêm khoảng 823 tỷ đồng. Tỷ giá bình quân trong quý 2/2024 tăng làm chi phí tăng mỗi chuyến bay 23 triệu đồng.
Vì hàng không liên quan tới an toàn bay, phải đảm bảo độ chính xác 100%. Do đó, khi mở bán vé máy bay, hãng hàng không cũng phải tính theo USD để quy đổi ra giá tiền Việt Nam đồng nên giá vé máy bay cao.
Hoa mắt, chóng mặt với phí sân bay
Hiện nay, giá vé máy bay được cấu thành bởi 4 yếu tố gồm: Giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trên đường bay nội địa; thuế giá trị gia tăng (VAT); các khoản thu hộ sử dụng dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý và dịch vụ phục vụ hành khách; giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm theo nhu cầu (chỗ ngồi, mua thêm hành lý ký gửi, chọn suất ăn, bảo hiểm du lịch... do hãng quyết định).
Đơn cử, khi đặt vé máy bay của hãng hàng không Vietjet Air chặng Hà Nội đi Đà Nẵng ngày 1/7, giá vé máy bay khi chưa có thuế, phí chỉ là 600 nghìn đồng, thuế VAT 49 nghìn đồng.
Tiếp theo, khách sẽ phải trả khoảng 600 nghìn tiền thuế phí, bao gồm, phụ thu dịch vụ hệ thống (quốc nội) là 215 nghìn, phụ thu quản trị hệ thống 215 nghìn đồng, phí sân bay quốc nội là 100 nghìn, phí an ninh soi chiếu là 20 nghìn, phần thuế VAT của phí là 50 nghìn đồng.
Như vậy, để đến được tay người tiêu dùng, giá cuối cùng của vé máy bay lên tới con số 1200 nghìn đồng. Nghĩa là giá vé máy bay chưa có thuế, phí chỉ bằng 1/2 với giá vé có thuế phí.
Theo Thông tư số 53/2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định. Trong số này gồm có 5 loại dịch vụ do nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do nhà nước quy định khung giá.
Các đường bay có lượng khách đông cũng không đủ để hãng bù lỗ cho đường bay vắng khách |
Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.
Ngoài ra, hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối...
Tính sơ sơ, để thực hiện được một chuyến bay, bình quân một chiếc máy bay sẽ phải gánh hơn 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.
"Mỗi vé máy bay phải “cõng” thêm nhiều loại thuế, phí dịch vụ như vậy nên các hãng hàng không dù rất muốn giảm giá vé để thu hút khách hàng cũng sẽ không được như kỳ vọng", đại diện một hãng bay chia sẻ.