“Hậu" kiểm tra của Cục Hàng không, giá vé máy bay cao điểm hè vẫn cao chót vót
Trước đó vào ngày 11/5, kết luận quá trình kiểm tra, Cục Hàng không cho biết các hãng đều tuân thủ về mức giá vé máy bay của Thông tư 17 và Thông tư 34 trong việc bán vé máy bay trên các đường bay nội địa; đồng thời thực hiện đúng quy định về niêm yết, kê khai giá theo quy định.
Giá vé vẫn tăng trong cao điểm hè
Do giá vé máy bay nội địa tăng cao trong 4 tháng đầu năm, hiện tại nhiều người đã lên kế hoạch mua vé cho chuyến du lịch hè. Tuy nhiên, vé máy bay cao điểm hè giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 tiếp tục leo cao, không có vé giá rẻ dù đặt trước 2-3 tháng.
Cụ thể, khảo sát của phóng viên, trong giai đoạn ngày 1 - 5/7, đường bay trục Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh có mức giá rẻ nhất là 3,5 triệu đồng/khứ hồi của Vietjet, còn Vietravel Airlines với mức giá 3,6 triệu đồng/khứ hồi. Trong khi đó, giá của Bamboo Airways và Vietnam Airlines ở mức 4 – 5 triệu đồng.
Giá vé máy bay liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay |
Giá vé khứ hồi từ Hà Nội đi các thành phố du lịch như Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc không có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Chặng Hà Nội – Phú Quốc giá vé rẻ nhất là 3,5 triệu đồng bao gồm cả khứ hồi của Vietjet. Nếu bay với Vietravel Airlines, Bamboo Airways và Vietnam Airlines, hành khách phải trả 4 - 5 triệu đồng. Mức giá này tiếp tục neo cao trong 2 tháng kế tiếp của mùa hè.
Khách bay đến Nha Trang từ Hà Nội phải trả mức giá 3,3 - 3,9 triệu đồng. Chặng Hà Nội – Quy Nhơn ở mức 3,4 triệu đồng nếu bay với Vietjet. Với Bamboo Airways và Vietnam Airlines, giá vé chặng này dao động ở mức 4,7 - 5,7 triệu đồng.
Giá vé máy bay tăng cao do đâu?
Trao đổi với Báo Công Thương, lý giải nguyên nhân vì sao giá vé máy bay ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cao, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, lượng hành khách của các đường bay không ổn định, lưu lượng người đi máy bay từng thời điểm cũng không ổn định. Thứ hai, việc mở đường bay cũng đòi hỏi các quy định khắt khe. Với các đường bay dù ít khách vẫn phải duy trì bay theo tần suất 1 – 2 chuyến/tuần khiến chi phí phát sinh tăng cao.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, bản chất vấn đề ở đây là do nhiều chi phí vận hành hoạt động của hãng hàng không (thuê tàu bay, sân đỗ, giá điều hành bay quốc tế…) được thanh toán bằng ngoại tệ (USD) dẫn đến tăng chi phí cho hãng hàng không. Đồng thời, tỷ giá VND/USD trong quý 1/2024 đã tăng 1.300 đồng (tương đương 5,6%) so với năm 2019, dẫn đến chi phí hoạt động vận tải hàng không phát sinh thêm khoảng 823 tỷ đồng. Tỷ giá bình quân trong quý 2/2024 tăng làm chi phí tăng mỗi chuyến bay 23 triệu đồng. Vì hàng không liên quan tới an toàn bay, phải đảm bảo độ chính xác 100%. Do đó, khi mở bán vé máy bay, hãng hàng không cũng phải tính theo USD để quy đổi ra giá tiền Việt Nam đồng nên giá vé máy bay cao.
Trước câu hỏi về tính khách quan việc kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải, chuyên gia PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện nay chúng ta có đầy đủ các thiết chế, quy định để rà soát toàn bộ chi phí kê khai giá vé. Bên cạnh đó, ngoài Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương cũng như Cơ quan giá của Bộ Tài Chính thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh giá. Vì vậy, việc kiểm tra đảm bảo tính minh bạch, chúng ta không cần thành lập một cơ quan khác để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.
Tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy lý giải có 4 nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng.
Thứ nhất, giá nguyên liệu và chênh lệch tỷ giá tăng 8%. Toàn bộ cấu thành chi phí của giá hàng không, nhiên liệu chiếm 65-70%.
Thứ hai, thế giới và Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi việc triệu hồi động cơ của hãng Pratt&Whitney. "Đối với Việt Nam, đội bay ảnh hưởng đến 33 máy bay, chủ yếu ở nhóm máy bay A321 và A320. Hãng hàng không phải thuê máy bay, thuê phi công, thuê tổ bay. Điều này dẫn đến chi phí tăng cao", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.
Thứ ba, nhu cầu đi lại trong tháng 4 rất cao. Theo nghiên cứu của Cục Hàng không và tổng hợp thống kê, đối với giá vé máy bay, nếu mua trước 1-2 tháng thì giảm so với giá bình quân, mua càng sát ngày đi thì giá càng cao. "Vừa qua, do nhu cầu đi du lịch nên nhiều người mua sát giờ, giá vé này tăng cao hơn 20%", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chỉ rõ.
Về chính sách vé, trước ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu thực tế người dân từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội phải mua vé qua Thái Lan rồi mua vé máy bay từ Thái Lan về Hà Nội, tình trạng này diễn ra nhiều tháng nay, không phải mới.
Về thực tế đó, ông Nguyễn Danh Huy giải thích do Thái Lan vừa qua có chính sách kích cầu du lịch, gần như giảm triệt để các phí hàng không.
Trước những lo ngại của hành khách về tăng giá vé máy bay trong tình hình hiện nay, Cục Hàng không khuyến cáo hành khách cần sớm xây dựng kế hoạch di chuyển, thực hiện mua vé qua các kênh bán vé chính thức và chủ động theo dõi thông tin về kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để có những sắp xếp, điều chỉnh phù hợp và lựa chọn được các mức giá vé hợp lý.