Tốc độ cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại
Việc tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh có ý nghĩa như vừa tạo động lực, đồng thời cũng tạo thêm áp lực để doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua các thách thức.
Đây là ghi nhận tại hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 29/2/2024 tại Hà Nội.
Tại hội nghị TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, tình hình doanh nghiệp năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 có chiều hướng suy giảm.
Quang cảnh hội nghị |
Dẫn chứng cho nhận định này, bà Thảo cho biết năm 2023 tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập thị trường so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường chỉ đạt mức 1,3 trong khi mức bình thường của con số này thường là 2.
“Tỷ lệ này còn thấp hơn cả giai đoạn nền kinh tế đương đầu với dịch bệnh Covid-19”, TS Thảo nhận định.
Cũng theo vị chuyên gia này, số vốn đăng ký của doanh nghiệp cùng mức thu hút lao động chưa đạt được so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Phân tích thêm về những thách thức của môi trường kinh doanh, đại diện CIEM cho biết, rào cản về ngành nghề và đăng ký kinh doanh vẫn là trở ngại lớn làm tăng chi phí tuân thủ và giảm động lực đầu tư, kinh doanh.
Minh họa thêm cho vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, từ năm 2021 đến cuối năm 2023 đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hoá 2.843 quy định kinh doanh tại 201 văn bản quy phạm pháp luật.
“Điều đó cho thấy, cải cách môi trường kinh doanh khá tích cực từ phía chính quyền”, ông Tuấn nhìn nhận.
Nhưng ông Tuấn cũng cho rằng, đẩy mạnh hơn nữa tính thực chất, hiệu quả trong cải cách môi trường kinh doanh đang là câu chuyện được đặt ra khi không ít trong số cải cách này vẫn mang tính hình thức, thiếu đột phá.
Ông Tuấn lưu ý, năm 2024 là tròn 10 năm kể từ khi Chính phủ có Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và đây vẫn luôn là câu chuyện hàng đầu của nền kinh tế.
Trong bối cảnh trên, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 đang được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn, đánh dấu việc cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục được xem là chương trình cải cách thường niên sau một năm bị "lẩn" vào các chương trình khác (năm 2023).
Phân tích thêm về vai trò của Nghị quyết 02, TS Nguyễn Minh Thảo cho rằng, trong bối cảnh của nền kinh tế hiện nay còn nhiều thách thức lớn, cần khơi dậy động lực, tạo áp lực thường xuyên, liên tục và cần đến sự đồng hành của nhiều bên. Trong đó, yếu tố quan trọng quyết định thành công là sự chủ động và trực tiếp chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan bộ, ngành, cơ quan địa phương.
Yếu tố địa phương được xem là quan trọng trong việc dẫn đến thành công của các cải cách môi trường kinh doanh. TS Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nhìn nhận, hiện có hai khoảng cách đang tồn tại. Một là khoảng cách giữa chính sách ngắn hạn và niềm tin, kỳ vọng dài hạn, hai là thể chế và thực thi.
Ông Bắc cũng nhìn nhận, hiện có 3 loại nhà đầu tư, doanh nghiệp: Đi tìm tài sản chiến lược, khan hiếm; tìm kiếm chi phí thấp; tìm kiếm ngành nghề đầu tư mới. Đây là các bài toán đang đặt ra với các chính quyền địa phương để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như thực hiện chương trình cải cách môi trường kinh doanh ở địa phương mình.
“Câu hay nhất trong Nghị quyết 02 của Chính phủ chính là liên quan đến bảo vệ cán bộ trong trường hợp có tình huống xung đột pháp lý. Tiếc rằng chúng ta vẫn chưa có cơ chế cho vấn đề này, ít ra là ở cấp độ địa phương”, TS. Tuấn nói.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 02.
Các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, đề nghị khẩn trương ban hành ngay và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, kế hoạch hành động cần xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện; phân công trách nhiệm rõ ràng…