Hiệp định EVFTA tiếp tục duy trì đà xuất khẩu của Việt Nam sang EU
Xuất khẩu gạo sang EU đã vượt hạn ngạch theo EVFTA Hiệp định EVFTA, tạo “xa lộ” cho nông sản Việt thâm nhập thị trường |
Kim ngạch thương mại tăng
Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/20220, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đánh dấu cột mốc quan trọng trên chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.
Hiệp định EVFTA được ví như con đường cao tốc quan trọng kết nối trực tiếp nền kinh tế Việt Nam với 27 nền kinh tế EU. Đây đồng thời cũng là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao thứ hai mà Việt Nam ký kết, với các cam kết bao trùm nhiều lĩnh vực, mức độ tự do hóa mạnh và mức cam kết cao hơn phần lớn các FTA đã có của Việt Nam.
EU là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Đánh giá về thương mai hai chiều, đến nay, Bộ Công Thương cho biết đã đạt kết quả rất tích cực. Riêng trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên EU đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EU đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước EVFTA đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu sang EU theo mẫu C/O theo EVFTA (mẫu EUR.1) đạt 12,1 tỷ USD, chiếm 25,9% xuất khẩu chung sang EU, tăng 49,4% so với năm 2021. Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU tiếp tục có tỷ lệ tận dụng tích cực, ví dụ thủy sản đạt 82,9% (tăng 29,5% so với năm 2021), rau quả đạt 72,6% (tăng 34,2%), giày dép đạt 99,5% (tăng 49,7%), dệt may đạt 15,7% (tăng 43,4%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,2% (tăng 85,2%)... Các thị trường xuất khẩu chính là Hà Lan (chiếm 22,3%), Đức (chiếm 19,2%), Italia (chiếm 9,5%), Bi (chiếm 8,5%), Pháp (chiếm 7,9%)...
Riêng thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU trong năm 2022 đạt 31,4 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021. Còn theo thống kê số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, thương mại 2 chiều Việt Nam - EU 9 tháng năm 2023 đạt 44 tỷ USD (cùng kỳ năm trước đạt 47,1 tỷ USD), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 32,8 tỷ USD, giảm 8,2%, nhập khẩu 11,2 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phân tích con số trên, theo Tổng cục Thống kê, kinh tế toàn cầu trong 9 tháng năm 2023 phục hồi chậm, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực của nước ta đều giảm, tuy nhiên, đà giảm xuất khẩu sang thị trường EU đang chậm lại. Có thể kể đến như điện thoại và linh kiện đạt 4,86 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhóm hàng khác có kim ngạch lớn như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,83 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,78 tỷ USD; giày dép đạt 3,18 tỷ USD; dệt may đạt 2,66 tỷ USD…
Ngoài ra, nhóm hàng xuất khẩu khác có tăng trưởng ấn tượng ở thị trường EU là sắt thép với lượng đạt 2,31 triệu tấn, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang thị trường EU trong 9 tháng qua của mặt hàng này dù giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chiếm 12,7% tổng kim ngạch cả nước.
Đối tác quan trọng và tin cậy
Tính tới nay, Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực được gần 3 năm. Đây là khoảng thời gian có tính bản lề với việc thực thi bất kỳ FTA nào. Đối với EVFTA, phần lớn các cam kết của hiệp định này bắt đầu được triển khai trên thực tế, bao gồm cả các cam kết về thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, mua sắm công và cam kết quy tắc trong nhiều lĩnh vực trong khoảng thời gian này.
Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp hiểu tương đối hoặc hiểu rõ về EVFTA cao hơn đáng kể so với các FTA khác. Ngoài ra, gần 41% doanh nghiệp đã từng hưởng những lợi ích cụ thể từ EVFTA trong khi con số này chỉ gần 25% vào năm 2020. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã có sự tăng trưởng nhất định (14,2% vào năm 2021 và 16,7% vào năm 2022).
Đối với người tiêu dùng trong nước, 3 năm qua, với việc thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm từ châu Âu vào Việt Nam đang giảm theo lộ trình đến 0% sau khi EVFTA có hiệu lực, người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ châu âu với giá thành hợp lý hơn.
Ngoài ra, giá nhiều sản phẩm nông sản từ châu Âu như rau củ quả, sữa và ngũ cốc đã giảm, nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng; giá nhập khẩu nhiều mặt hàng như máy móc, thiết bị từ châu âu bắt đầu giảm theo lộ trình cũng giúp các doanh nghiệp nâng cao quá trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Khẳng định những tác động tích cực to lớn mà Hiệp định EVFTA mang lại cho xuất khẩu của Việt Nam, ông Vũ Anh Sơn – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Pháp chia sẻ, trước tiên phải kể đến uy tín mà Việt Nam có được khi là nước đang phát triển đầu tiên sẵn sàng tham gia vào một Hiệp định thế hệ mới với những cam kết có tiêu chuẩn cao với EU.
Ở tầm vĩ mô, theo ông Vũ Anh Sơn, EU tin tưởng Việt Nam sẽ là đối tác quan trọng và tin cậy trong chiến lược tiếp cận các quốc gia Đông Nam Á và châu Á. Ở tầm vi mô, đối với cộng đồng doanh nghiệp, chính uy tín này là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp châu Âu gia tăng hoặc lần đầu tiên tham gia vào hoạt động trao đổi thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam. "Những lợi ích thiết thực từ việc cắt giảm thuế quan đã đóng góp phần đặc biệt quan trọng duy trì đà xuất khẩu và phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong và sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19"- ông Sơn cho hay.
EU hiện là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Thị trường 27 quốc gia thành viên EU là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. |