Doanh nghiệp Việt chủ động đầu tư công nghệ, đáp ứng thị trường EU
Doanh nghiệp Việt thích ứng với “luật chơi” mới khi đưa hàng hoá vào EU Hàng tồn giảm, cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam |
EU được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, nhờ có trợ lực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tăng trưởng thương mại của Việt Nam vào thị trường này đã có bước tiến mạnh mẽ. Không chỉ hưởng lợi trong hoạt động xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là máy móc, thiết bị, nguyên liệu từ EU; đồng thời đẩy mạnh hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ để ứng dụng các giải pháp hiện đại vào sản xuất kinh doanh, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp EU.
Ở góc độ các doanh nghiệp cà phê ca cao, ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ gia nhập WTO và AEC, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã có những thông tin chia sẻ về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của hợp tác đầu tư, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp EU? Kể từ khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nói chung cũng như Hiệp định EVFTA nói riêng được thực thi, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cũng như các doanh nghiệp của chúng ta đã có những hoạt động hợp tác và liên kết với doanh nghiệp đối tác từ EU như thế nào, thưa ông?
Ông Lương Văn Tự - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ gia nhập WTO và AEC, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam - Ảnh: Moit |
Chúng ta đều biết rằng EU là một thị trường vốn và công nghệ, EU khác với các nhà đầu tư ở các nước khác, họ nghiên cứu rất kỹ một vấn đề họ mới quyết định đầu tư.
Việc liên kết hợp tác đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài, trong ngành cà phê, ví dụ như máy cà phê, máy chế biến, sơ chế cà phê chỉ có Đức và Đan Mạch sản xuất. Cho nên trong thời gian vừa qua tất cả những nhà máy đầu tư vào cà phê hòa tan của Việt Nam phải lấy theo công nghệ của Đức và công nghệ của Đan Mạch nhằm đáp ứng được tiêu chuẩn đối với cà phê hòa tan để xuất khẩu.
Hiện nay, EU là thị trường quan trọng nhất đối với cà phê Việt Nam, chiếm khoảng 40% lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam. Lĩnh vực chế biến cà phê vẫn dựa vào nhập khẩu và sử dụng nhiều máy móc, thiết bị từ EU. Vì vậy, lộ trình giảm thuế theo EVFTA xuống đến 0% tạo điều kiện nâng cao giá trị và kim ngạch của cà phê Việt Nam xuất khẩu vào EU. Hiện EU chiếm khoảng 40% lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam, cho nên thị trường cà phê tăng trưởng được là một trong những yếu tố phải dựa vào tiêu thụ của EU đối với cà phê Việt Nam.
Trong khi đó, EVFTA có lộ trình giảm thuế đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm khác của cà phê xuống đến 0% sẽ tạo điều kiện cho vấn đề chế biến và nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam để bán vào EU và nâng cao được kim ngạch lên.
Thưa ông, bên cạnh vấn đề về máy móc, các doanh nghiệp cà phê ca cao của Việt Nam hiện nay còn hợp tác kinh doanh hai chiều với các doanh nghiệp EU ở những khâu nào trong chuỗi cung ứng sản xuất tiêu thụ cà phê ca cao và trong quá trình hợp tác này các doanh nghiệp đang đối diện với những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Lộ trình giảm thuế tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nâng cao chế biến để nâng giá trị gia tăng của cà phê. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào khâu chế biến để gia tăng xuất khẩu đi EU và các thị trường có FTA. Nếu chúng ta nhìn lại, trước kia hầu như cà phê Việt Nam bán ra là cà phê nhân.
Trong thời gian vừa qua Việt Nam đã ký kết và thực thi 19 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thì thuế của cả rang xay hòa tan nhiều nước áp dụng lộ trình xuống 0 – 5% và ngay cả EU cũng có một lộ trình giảm thuế xuống đến mức thấp. Điều đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nâng cao chế biến để nâng giá trị gia tăng của hạt cà phê.
Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các loại cà phê chế biến khác chiếm đến 15% tổng kim ngạch xuất khẩu và Việt Nam đã đạt được đến 600 triệu USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu của năm 2022 là 3,9 tỉ USD. Xu hướng ngày càng tăng.
Hiện nay, phải đánh giá rất cao các doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ như Phúc Sinh, Intimex, Trung Nguyên tăng cường đầu tư vào khâu chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 để xuất khẩu không phải đi mỗi EU mà đi Trung Quốc và đi tất cả các thị trường mà Việt Nam ký FTA.
EU là thị trường quan trọng nhất đối với cà phê Việt Nam |
Với xu hướng chuyển dịch vụ cung ứng như hiện nay, để doanh nghiệp có thể làm được những điều như vậy sẽ cần trợ lực như thế nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ EVFTA và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, thưa ông?
Hiện nay, ngành cà phê có rất nhiều doanh nghiệp đang tự đầu tư máy móc, thiết bị nhưng vẫn rất cần nhà nước hỗ trợ cơ chế chính sách, lãi suất cho vay phù hợp nhằm đẩy mạnh liên kết. Tôi cho rằng, chính sách phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mua công nghệ và tự đầu tư để phát triển, như vậy mới được lâu dài. Con đường của những nhà đầu tư nước ngoài là tìm nơi an toàn, nơi có lợi nhuận, một khi không còn an toàn, không còn lợi nhuận nữa thì họ phải tìm chỗ khác.
Do vậy, các doanh nghiệp chuẩn bị từ bây giờ, làm sao 10 - 15 năm nữa tỷ lệ xuất khẩu của người Việt Nam phải vượt trên tỷ lệ của những nhà đầu tư nước ngoài thì lúc đó chúng ta mới bền vững được.
Đối với ngành cà phê Việt Nam có thuận lợi là các doanh nghiệp tự đầu tư hoặc các doanh nghiệp liên kết với nước ngoài. Bên cạnh đó, hiện nay cũng xuất hiện xu thế các doanh nghiệp tự đầu tư lấy để họ xuất khẩu, chế biến cả rang xay, cả hòa tan mà không chờ vào chuyện liên doanh, liên kết nữa mà đã đến giai đoạn họ có đủ vốn và đủ thông tin để họ đi vào thị trường. Chúng ta phải thấy những thay đổi mà doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tích cực để đầu tư vào đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững hiện nay. Vấn đề bền vững hay không phải xuất phát từ hai phía, các sản phẩm của Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị đó cũng phải bền vững, như vậy, hai bên mới có thể thể hợp tác được.
Xin cảm ơn ông!