Mạng lưới 'họ Kiều' tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì
Những thành tích to lớn
Như đề cập ở bài viết trước, Công ty TNHH Mạnh Quân là một trong số hiếm nhà thầu kín tiếng, kiệm lời trên truyền thông đại chúng, và thậm chí họ không cần xây dựng website - kênh quảng bá cơ bản và quan trọng giúp đối tác, khách hàng có tiếp cận các thông tin về doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trái ngược với sự lặng lẽ đó, những thành tích mà Công ty Mạnh Quân nói chung, hay các ông chủ doanh nghiệp nói riêng đạt được lại vô cùng to lớn và đáng giá, khiến người dân sống trên địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội) không khỏi tò mò.
Trụ sở UBND huyện Ba Vì, Hà Nội |
Nhà thầu có địa chỉ tại xã Cam Thượng, huyện Ba Vì này thường xuyên trúng gói thầu lớn, nhỏ từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì, với tổng giá trị lên tới 1.300 tỷ đồng (trong vai trò độc lập lẫn liên danh). Chẳng những vậy, không ít gói thầu được Công ty Mạnh Quân chinh phục với tư cách là nhà thầu độc nhất tham dự, hoặc tỷ lệ giảm giá siêu thấp, chạm đáy 0% để lại những hoài nghi cho công chúng.
Tổng giám đốc của Công ty Mạnh Quân hiện là ông Nguyễn Bá Kiên (SN 1993), nhân tố mới thay thế cho sự vắng mặt của ông Kiều Văn Hùng (SN 1971) từ năm 2022. Ông Hùng, doanh nhân đến từ thôn Nam An, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì gắn liền với sự phát triển rực rỡ của Công ty Mạnh Quân nhiều năm qua.
Đồng hành với ông Hùng là Nguyễn Thị Ninh (SN 1975), cổ đông thứ hai giữ 36,667% cổ phần, chịu trách nhiệm quản lý những công việc chung của doanh nghiệp. Bà Ninh cũng đang trú tại thôn Nam An.
Ít ai ngờ rằng, lần mở theo dấu của hai doanh nhân đến từ thôn Nam An, xã Cam Thượng, Báo Công Thương đã khám phá ra một hệ thống doanh nghiệp quy mô "khủng" với mạng lưới quan hệ chằng chịt, "thâu tóm" phần lớn gói thầu từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì do ông Nguyễn Ngọc Mạnh được giao làm Giám đốc.
Mạng lưới chân rết
Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Minh Trí (Công ty Minh Trí) là ví dụ minh chứng cho sự thật này. Nhà thầu thành lập từ tháng 5/2014 tại thôn Đoài, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì.
Nơi đây chính là quê gốc của ông Nguyễn Bá Kiên - Tổng giám đốc Công ty Mạnh Quân, nên có thể vì khoảng cách địa lý, ông Kiên từng được giới chủ tin tưởng giao nhiệm vụ "cầm cờ" Công ty Minh Trí từ ngày doanh nghiệp còn hoạt động dưới thương hiệu cũ - Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Dream Việt.
Công ty Minh Trí khoác lên mình áo mới từ tháng 12/2018, cùng với đó tăng vốn điều lệ lên 9 tỷ đồng, gấp ba lần hồi sáng lập. Tháng 11/2021, ông Nguyễn Bá Kiên thôi phụ trách điều hành Công ty Minh Trí, và chẳng mấy tháng sau sang làm Tổng giám đốc Công ty Mạnh Quân. Nói vậy để thấy ông Kiên thực sự là người có năng lực, rất được lòng các cổ đông của cả hai doanh nghiệp này.
Ông Kiều Mạnh Cường (SN 1995), thành viên trong gia đình của ông Kiều Văn Hùng là chủ của Công ty Minh Trí, đích thân đứng ra làm người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc, từ năm 2021 đến nay.
Công ty Minh Trí, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chưa từng thua thầu trong lịch sử hoạt động. Toàn bộ gói thầu được mời bởi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì, đều được giao cho liên danh có sự xuất hiện của Công ty Minh Trí, làm nhà thầu thực hiện.
Tại Công ty Minh Trí, tài liệu của Báo Công Thương cho thấy một vấn đề cần giải đáp, đó là năm 2018 dù doanh nghiệp không phát sinh bất cứ doanh thu nào nhưng năm 2019 mặc sức trúng đến 5 gói thầu xây dựng độc lập có tổng trị giá khoảng 10 tỷ đồng từ Trường Sĩ quan lục quân 1 (địa chỉ: thị xã Sơn Tây, Hà Nội)!? Được biết, Hiệu trưởng, Trung tướng Đỗ Viết Toản là người ký duyệt những kết quả lựa chọn nhà thầu này.
Ngoài ra, Công ty Minh Trí còn liên danh với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Phong và Công ty Cổ phần Công trình Giao thông 18 và thắng gói thầu 25,1 tỷ đồng trong tháng 10 cùng năm, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì làm chủ đầu tư.
Trở lại với ông Kiều Mạnh Cường, Báo Công Thương được biết ông còn là 1 trong 3 nhân vật góp vốn lập nên Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng Gia Hưng (Công ty Gia Hưng) vào ngày 21/7/2020, tại khu Vũ Lâm, cùng thị trấn Tây Đằng với Công ty Minh Trí.
Hai năm sau thành lập, Công ty Gia Hưng bắt đầu "thu hoạch" những gói thầu "khủng". Chỉ với 6 gói thầu, Công ty Gia Hưng và các cộng sự mang về tổng cộng 170 tỷ đồng doanh số tính theo hợp đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì đóng góp tích cực nhất với 4 gói thầu (hơn 70 tỷ đồng).
Nổi bật, là gói thầu số 10: Toàn bộ phần xây dựng và dự phòng hơn 40 tỷ đồng, hoàn tất cuối tháng 9/2023 vừa qua. Liên danh giật chiến thắng là Công ty Gia Hưng và Công ty TNHH Tùng Lâm - nhà thầu của những người "họ Kiều" khác ở thôn Nam An.
Doanh nghiệp không mấy xa lạ với người dân trong thôn do ông Kiều Văn Lâm (SN 1960) làm Tổng giám đốc, cùng ông Kiều Thanh Tùng (SN 1988) - con trai ông Lâm và bà Quách Thị Bảy chia nhau sở hữu cổ phần. Dễ dàng nhận ra, Công ty Tùng Lâm là thương hiệu được ghép từ tên của hai cha con ông Kiều Văn Lâm - Kiều Thanh Tùng.
Công ty Tùng Lâm, từ tháng 10/2017 đến nay, đã trúng 20 gói thầu tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì, tổng giá trị trên 330 tỷ đồng. Số lần trượt thầu của họ vô cùng ít ỏi, chỉ duy nhất 1 lần nhà thầu Tùng Lâm "trượt chân" trước liên danh tương đối thân quen - dẫn đầu bởi Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển thương mại Quang Vinh.
"Sợi dây" kết nối giữa Công ty Quang Vinh và nhóm doanh nhân "họ Kiều" thôn Nam An không ai khác, chính là ông Lê Thành Vinh (SN 1980). Ông Lê Thành Vinh hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kiến trúc và Xây dựng Avityco - tiếp tục nằm trong nhóm nhà thầu thân hữu nhất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì.
Trong quá khứ, ông Lê Thành Vinh cùng bà Hà Thị Thu (SN 1985) là "cha đẻ" của Công ty Minh Trí ngày hôm nay, là bên đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần doanh nghiệp cho ông Kiều Văn Cường, gia đình ông Kiều Văn Hùng từ cuối năm 2018...
Nhấn mạnh lại rằng, điểm trùng hợp khó tin của nhóm doanh nghiệp mang "họ Kiều" ở thôn Nam An là không chỉ thắng nhiều gói thầu lớn từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì, mà còn dễ dàng trúng thầu sát giá, độc diễn "một mình một ngựa" mà chẳng gặp bất cứ sự cạnh tranh nào - vốn phải là thách thức lớn nhất trong hoạt động đấu thầu.