Nhà thầu Mạnh Quân và những bí quyết kinh doanh ít người làm được
Hạ tuần tháng 11, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với tư cách là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu đã hoàn tất công đoạn chấm thầu, công bố Quyết định số 807/QĐ-BQLDA phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Thi công xây dựng công trình và đảm bảo an toàn giao thông công trình cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trục chính và một số thôn trên địa bàn xã Xuân Sơn, do Giám đốc Hoàng Anh Tuấn ký ban hành.
Theo đó, người trúng thầu là Công ty TNHH Mạnh Quân, đơn vị đã bỏ giá 104.273.883.000 đồng (hơn 104,2 tỷ đồng), chỉ thấp hơn 101 triệu đồng so với dự toán (104.375.444.000 đồng), chạm ngưỡng tiết kiệm 0,1% cho nguồn ngân sách nhà nước.
Công ty Mạnh Quân là nhà thầu không lạ mặt của chính quyền thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: UBND thị xã Sơn Tây |
Công ty Mạnh Quân là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu, cho thấy công tác tổ chức đấu thầu tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây chưa nhận được sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp, xảy ra tình trạng "một mình, một ngựa". Điều đó không tối ưu cho nguồn ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, những vấn đề, tồn tại như trên, giữa Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây và Công ty Mạnh Quân lại khá phổ biến. Theo thống kê của Báo Công Thương, từ cuối năm 2017 tới nay, hai bên đã ký kết tối thiểu 21 hợp đồng đấu thầu xây lắp, tổng giá trị hơn 800 tỷ đồng, bình quân hơn 130 tỷ đồng/năm.
Phần lớn các gói thầu đều mang những tình tiết giống nhau, ví dụ như gói thầu 02: Thi công xây dựng công trình, thiết bị, chi phí hạng mục chung xây lắp thuộc dự án trường THCS Sơn Tây giai đoạn 2 - hồi tháng 10/2018. Tham gia đấu thầu trực tiếp, Công ty Mạnh Quân giật chiến thắng với giá trúng 36.771.382.000 đồng (hơn 36,7 tỷ đồng), giảm 38,4 triệu đồng so với mức tối đa mà chủ đầu tư đưa ra, tương ứng tỷ lệ giảm giá 0,1%.
Gần hơn, tháng 5/2022, liên danh Công ty Mạnh Quân và Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Long Thành được chọn làm nhà thầu thực hiện gói thầu số 07: Thi công xây dựng công trình và đảm bảo an toàn giao thông có giá dự toán 283.278.144.000 đồng (hơn 283,2 tỷ đồng). Giảm giá gần 2 tỷ đồng, song vẫn là thắng lợi to lớn của liên danh Công ty Mạnh Quân bởi xét về tỷ lệ giảm giá chỉ khoảng 0,6%.
Quyết định số 807/QĐ-BQLDA ngày 20/11/2023, ký bởi Giám đốc Hoàng Anh Tuấn |
Chưa dừng lại ở đó, cứ mỗi lần tham dự gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây chủ trì, Công ty Mạnh Quân hoặc liên danh có sự góp mặt của nhà thầu này, đều trúng thầu, bất luận có bỏ giá cao ngất ngưởng tới đâu chăng nữa.
Nằm cách không xa Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây, Công ty Mạnh Quân cũng có sự tương tác mạnh mẽ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì (ước tính tổng giá trị trúng thầu trên 500 tỷ đồng).
Khám phá năng lực của Công ty Mạnh Quân
Công ty Mạnh Quân thành lập năm 2007, trụ sở chính đặt tại xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật đương nhiệm là ông Nguyễn Bá Kiên, vị kỹ sư kỹ thuật xây dựng công trình giao thông trẻ sinh năm 1993.
Tuy nhiên, ông Kiên mới nhậm chức từ đầu năm 2022, thay cho ông Kiều Văn Hùng (SN 1971), nhân vật chủ chốt được xem là "linh hồn" của Công ty Mạnh Quân từ rất nhiều năm về trước. Ông Hùng hiện sinh sống tại xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, nơi nhà thầu đang đóng chân.
Cũng thường trú tại xã Cam Thượng, bà Nguyễn Thị Ninh (SN 1975), tương tự ông Kiều Văn Hùng cũng là nhân tố không thể thiếu vắng để tạo thêm sức mạnh cho quá trình phát triển vượt bậc của Công ty Mạnh Quân. Bà Ninh là thành viên góp đến 36,667% vốn điều lệ cho doanh nghiệp, chỉ sau ông Hùng là 63,333% - nay đã được thế chỗ bởi ông Nguyễn Bá Kiên.
Theo tài liệu của Báo Công Thương, bất ngờ nhà thầu năng nổ với các dự án của UBND thị xã Sơn Tây, UBND huyện Ba Vì lại có quy mô vốn khá khiêm tốn, có phần nhỏ bé với 30 tỷ đồng vốn điều lệ. Trong khi đó, nợ phải trả mà doanh nghiệp đang "gánh" tính đến cuối năm 2022 lên tới 221 tỷ đồng, cao gấp hơn 7 lần vốn tự có.
Năng lực tài chính là một trong những tiêu chí bắt buộc khi đánh giá khả năng, thực lực của nhà thầu, ngoài năng lực kỹ thuật, chuyên môn.
Công ty Mạnh Quân có tỷ lệ nợ trên vốn hơn 7 lần, vượt xa mặt bằng chung của ngành xây dựng, ví dụ như các doanh nghiệp lớn đang niêm yết trên sàn như Vinaconex (tỷ lệ nợ trên vốn là 2 lần), Coteccons (1,5 lần), Tổng công ty Xây dựng 1 (3 lần), Fecon (1,3 lần)...
Có vốn tài trợ "khủng" và khối lượng công việc thỏa sức từ UBND huyện Ba Vì và UBND thị xã Sơn Tây, Công ty Mạnh Quân theo đó trở thành nhà thầu tên tuổi trong khu vực, với doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Lợi nhuận ít ỏi giúp Công ty Mạnh Quân tối ưu thuế thu nhập doanh nghiệp |
Cụ thể, doanh thu giai đoạn 2018 - 2022 của nhà thầu đạt lần lượt 217,2 tỷ đồng, 277,9 tỷ đồng, 253,3 tỷ đồng, 209,2 tỷ đồng và 313,8 tỷ đồng. Tăng giảm đan xen, nhưng có thể thấy Công ty Mạnh Quân chẳng mấy chịu ảnh hưởng từ diễn biến trái chiều của thị trường xây dựng và bất động sản.
Ngay cả trong năm Covid hoành hành dữ dội nhất - 2020, doanh nghiệp vẫn đều đặn thu về hơn 250 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước.
Khấu trừ các chi phí, nhà thầu công bố lợi nhuận trước thuế lên cơ quan chức năng là 956 triệu đồng (2018), 1,1 tỷ đồng (2019), 909 triệu đồng (2020), 1,1 tỷ đồng (2021) và 2 tỷ đồng (2022).
Tương ứng với đó, số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hàng năm khoảng 200 triệu đồng, cá biệt năm 2022 nâng lên 500 triệu đồng, không đạt hiệu quả kinh tế so với quy mô doanh thu.