Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 6/3: CTG, KDH và VPB
Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 1/3: IMP, VIB và NLG Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 4/3: PC1, DPM và CNG Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 5/3: MSN, MWG và CTD |
Khuyến nghị cổ phiếu CTG - Khả quan
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), thời điểm khó khăn nhất của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Vietinbank (HOSE: CTG) đã qua đi khi gần như tất cả các chỉ tiêu tài chính của ngân hàng đều được cải thiện rõ rệt trong quý IV/2023.
Kết thúc quý IV/2023, lợi nhuận trước thuế của CTG đạt 7.699 tỷ đồng, tăng 58% so với quý trước và tăng 44% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính dẫn tới đà tăng trưởng đáng kể của CTG chủ yếu là do biên lãi ròng (NIM) của ngân ngân hàng phục hồi từ 0,17% lên 3,13%, CASA tiếp tục tăng trưởng lên mức 22,5%, trong khi đó tỷ lệ nợ nhóm 2 và tỷ lệ nợ xấu lần lượt giảm 0,82 điểm % và 0,24 điểm % xuống 1,55% và 1,13%.
Trong năm 2024, ACBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của CTG sẽ đạt 15%, tương đương với mức tăng bình quân toàn ngành theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước |
Kết quả, lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của CTG đạt 25.100 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Quy mô bảng cân đối mở rộng tích cực với tăng trưởng tín dụng đạt 15,5% và tổng tài sản vượt 2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ CAR ước tính 9,4% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu 167%.
Trong năm 2024, ACBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của CTG sẽ đạt 15%, tương đương với mức tăng bình quân toàn ngành theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. NIM dự báo tăng nhẹ 6 điểm % so với năm 2023 lên mức 3,0% nhờ lãi suất huy động giảm sâu sẽ tiếp tục phản ánh vào chi phí vốn.
Thu nhập ngoài lãi kỳ vọng tăng trưởng 11% nhờ các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và thu nợ xấu ngoại bảng tăng trưởng ổn định trong năm 2024. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của ngân hàng sẽ tiếp tục được kiểm soát với mức tăng 13% và CIR (trước trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi) 28,2%, vẫn thuộc nhóm thấp nhất hệ thống.
Bên cạnh đó, chi phí dự phòng năm 2024 của CTG được dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ 1,2% so với năm trước nhờ nền kinh tế phục hồi giúp nợ quá hạn không còn tăng cao như những năm trước và bộ đệm dự phòng vững chắc với tỷ lệ bao phủ nợ xấu 167% giúp giảm áp lực trích lập dự phòng.
Từ cơ sở trên, ACBS dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 33.337 tỷ đồng, tăng 32,8% so với năm 2023. Bên cạnh đó, đơn vị phân tích cũng đưa ra khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu CTG với giá mục tiêu 40.000 đồng/cp, tương ứng mức tăng 9,7% so với giá đóng cửa ngày 5/3/2023.
Khuyến nghị cổ phiếu KDH - Nắm giữ
Dựa trên tiềm năng của các dự án bất động sản được mở bán trong năm 2024, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu KDH của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền.
Tại thời điểm cuối tháng 11/2023, tập đoàn đã mở bán chính thức dự án The Privia, nằm tại đường An Dương Vương, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Dự án có diện tích 1,8 ha với quy mô 3 block 1.043 căn hộ. Theo cập nhất mới nhất, trong tháng 2/2024, dự án trên đã cất nóc cả 3 tòa và bán được 99% số căn hộ. Trong năm 2024, Khang Điền cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện và bắt đầu giao căn hộ cho khách hàng từ quý IV.
Bên cạnh dự án Privia, KBSV kỳ vọng KDH sẽ mở bán hai dự án hợp tác với Keppel là Clarita và Emeria trong năm nay. Hai dự án này có tổng diện tích 11,8 ha tại đường Võ Chí Công, phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức. Hai dự án này đã khởi công từ quý IV/2023, kỳ vọng có thể đóng góp vào doanh số bán hàng của KDH từ nửa cuối năm 2024.
KBSV ước tính doanh số bán hàng trong giai đoạn 2024 - 2025 của KDH sẽ lần lượt đạt 2.468 tỷ đồng và 4.217 tỷ đồng. Với kết quả trên, đơn vị phân tích đánh giá doanh thu và lợi nhuận sau thuế của KDH năm 2024 đạt lần lượt là 3.227 tỷ đồng (tăng trưởng 54%) và 804 tỷ đồng (tăng trưởng 12%) nhờ bắt đầu bàn giao dự án The Privia.
Bên cạnh nguồn tiền đến từ việc mở bán hai dự án BĐS trong năm 2024, KDH còn có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng nhờ việc chào bán cổ phiếu. Theo đó, Nhà Khang Điền dự trình xin ý kiến cổ đông chào bán thêm 110,1 triệu cổ phiếu riêng lẻ, dự kiến huy động 3.000 tỷ đồng.
Về mục đích sử dụng khoản tiền từ đợt chào bán, Nhà Khang Điền dự kiến sẽ dùng 300 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ vay của công ty tại Ngân hàng. Thời gian thanh toán dự kiến trong năm 2024 và 2025.
Ngoài ra, Nhà Khang Điền dự kiến đầu tư 2.700 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc để Khang Phúc thanh toán các khoản nợ vay tại ngân hàng. Thời gian thanh toán dự kiến cũng sẽ diễn ra trong năm 2024 và 2025. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 7.993,1 tỷ đồng, lên 9.094 tỷ đồng.
Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, KBSV đưa ra khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu KDH với mức giá mục tiêu là 37.700 đồng/cp, cao hơn 5% so với giá đóng cửa ngày 5/3/2024.
Khuyến nghị cổ phiếu VPB - Trung lập
Mặc dù đưa ra quan điểm trung lập đối với cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, tuy nhiên Công ty Chứng khoán MB (MBS) vẫn nâng định giá của mã ngân hàng này lên 22.250 đồng/cp, kỳ vọng mức sinh lời 12,6% so với giá đóng cửa ngày 5/3/2024.
Tổng thu nhập hoạt động quý IV/2023 của VPB tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước nhờ thu nhập lãi thuần tăng 7,4%, trong khi đó thu nhập ngoài lãi giảm 7,5%. Đây là quý duy nhất trong năm 2023 ghi nhận thu nhập hoạt động và thu nhập lãi thuần tăng trưởng dương.
Luỹ kế cả năm 2023, thu nhập hoạt động giảm 13,9%. Chi phí trích lập dự phòng tăng 10,6% kéo lợi nhuận sau thuế giảm 48,9% đạt 8.640 tỷ đồng. Mức lợi nhuận sau thuế này chỉ đạt 45,8% kế hoạch cả năm và 68,2% dự báo gần nhất của chúng tôi.
MBS dự báo tổng thu nhập hoạt động 2024 của VPB sẽ tăng 42,7% nhờ thu nhập lãi thuần và ngoài lãi tăng mạnh lần lượt 47,1% và 28,2% trên nền thấp của 2023. Chi phí trích lập dự báo tăng 22,8% giúp lợi nhuận sau thuế đạt 16.422 tỷ đồng (tăng trưởng 90,1%).
Tại thời điểm cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 của VPB lần lượt đạt 5,0% và 6,9%, cải thiện đáng kể so với 2 quý đầu năm trước. Đáng chú ý, khoản nợ xấu của FE Credit ước tính ở mức 17,8% tại cuối 2023, giảm đáng kể so với cuối quý I/2023 là 22,6% và quý II/2023 là 28,4%. Tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) của ngân hàng đạt mức 51,7%, giảm nhẹ so với cuối 2022 là 54,4%. NPL được dự báo sẽ giảm về mức 4,8% tại cuối năm 2024.
Với cơ sở trên, MBS duy trì khuyến nghị trung lập đối với VPB, tuy nhiên đơn vị phân tích vẫn nâng định giá của cổ phiếu này lên mức 22,250. Mức định giá này gia tăng chủ yếu phản ánh sự tăng lên khoảng 24.8% của vốn chủ sở hữu nhờ thương vụ phát hành thành công 15% vốn điều lệ cho SMBC.
Ngoài ra, MBS cũng duy trì mức P/B mục tiêu là 1,1 lần cho VPB mặc dù chất lượng tài sản tại cuối 2023 được cải thiện đáng kể nhưng tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng.