Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 29/11: TCM, VIB và CTR
Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 23/11: STB, SIP và VCB Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 27/11: GEG, PNJ và PHR Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 28/11: PC1, DPR và VNM |
Khuyến nghị cổ phiếu TCM - Mua với giá mục tiêu 55.300 đồng/cp
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) ghi nhận doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế giảm 48% xuống còn 122 tỷ đồng.
Sự sụt giảm này chủ yếu do số lượng đơn hàng nhỏ giọt, cùng với đơn giá hàng dệt may giảm 20 - 30%.
Về cơ cấu thị trường, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của TCM |
Doanh thu từ may mặc vẫn là động lực tăng trưởng chính của TCM trong 10 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, tỷ trọng ngành may chiếm khoảng 77% tổng doanh thu, đạt 2.192 tỷ đồng (giảm 24% so với cùng kỳ năm trước); doanh thu từ vải ước đạt gần 454 tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ), chiếm khoảng 16% tổng doanh thu toàn công ty.
Trong khi đó, giá sợi xuất khẩu Việt Nam khó cạnh tranh với sợi giá rẻ từ Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến tỷ trọng ngành sợi vẫn chỉ chiếm 6% trong cơ cấu doanh thu của TCM, tương đương với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm mạnh từ mức 11% vào năm 2021.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, tính đến tháng 8/2023, giá bông nhập khẩu đã giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ xu hướng giảm của giá bông thế giới, dự kiến sẽ tác động tốt lên sự hồi phục của ngành sợi trong tương lai.
Về cơ cấu thị trường, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của TCM. Trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ giảm 19% cùng kỳ, đạt 12 tỷ USD do sức ép tiêu thụ hàng tồn kho tăng cao kỷ lục vào quý III/2022 tại đây, khiến đơn hàng tại các doanh nghiệp dệt may bị cắt giảm.
Qua đó, TCM cũng bị ảnh hưởng theo tình trạng này với doanh thu xuất khẩu sang Mỹ theo PHS ước tính giảm 36% còn khoảng 793 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán này duy trì khuyến nghị mua đối với TCM tại mức giá hợp lý là 55.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức P/E và P/B dự phóng 2024 lần lượt là 15,5 lần và 1,7 lần. Mức giá này cao hơn khoảng 34% so với thị giá hiện tại của TCM.
Khuyến nghị cổ phiếu VIB - Nắm giữ
Quý III/2023, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ tín dụng tăng 8% so với đầu năm và tăng 4,6% so với quý trước.
Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi của VIB tăng mạnh 115% so với quý III/2022 nhờ hoạt động thu phí tăng 33%. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối, đầu tư chứng khoán của ngân hàng ghi nhận lãi lần lượt 322 và 113 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 55 và 66 tỷ đồng).
Tổng thu nhập hoạt động tăng 30% trong quý III/2023, song chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 880% so với cùng kỳ, đã kéo lợi nhuận sau thuế của VIB giảm 4% xuống 2.146 tỷ đồng.
Tổng hợp 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của VIB chỉ tăng nhẹ 6,5% so với cùng kỳ, đạt 6.660 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch cả năm.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) và nợ nhóm 2 tại thời điểm cuối quý III/2023 đạt 3,7% và 6,5%, tăng lần lượt 125 và 220 điểm cơ bản so với đầu năm 2023, và đi ngang so với quý liền trước. Trong đó, số dư nhóm 2 - 5 tăng 57% so với đầu năm.
Trong 9 tháng qua, VIB đã trích lập dự phòng tổng cộng 3.116 tỷ đồng (cao hơn 237% so với cùng kỳ) và sử dụng 78% chi phí trích lập để xử lý nợ xấu (tăng 436%).
Trong báo cáo phân tích vừa công bố, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận sau thuế các năm 2023 - 2024 của VIB tăng lần lượt 0,4% và 26% so với cùng kỳ.
Dự báo của MBS dựa trên các cơ sở chính, bao gồm: tín dụng 2023 và 2024 đạt lần lượt 9,9% và 14,8%; biên lãi ròng (NIM) tăng nhẹ lên 4,8% trong 2023 và 5,1% năm tiếp theo; chi phí trích lập dự phòng trong quý IV/2023 tiếp tục tăng mạnh 302% so với cùng kỳ, đưa tổng chi phí trích lập trong 2023 tăng 257%.
MBS khuyến nghị nắm giữ đối với VIB với giá mục tiêu 20.100 đồng/cổ phiếu, tương đương mức sinh lời dự kiến 7,5%.
Khuyến nghị cổ phiếu CTR - Mua
Công ty Chứng khoán Vietcap vừa tăng giá mục tiêu cho Tổng công ty Cổ phần Công trình Viettel (HOSE: CTR) thêm 15% và duy trì khuyến nghị mua.
Giá mục tiêu cao hơn của Vietcap chủ yếu đến từ: định giá EV/EBITDA theo mô hình tổng của từng phần (SoTP) cao hơn 11% nhờ mảng towerco (hạ tầng cho thuê) được định giá cao hơn 21% và định giá theo mô hình chiết khấu dòng tiền (CKDT) cao hơn 18% nhờ Vietcap mở rộng phạm vi dự báo từ giai đoạn 2023 - 2027 trước đây thành giai đoạn 2024 - 2028, với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2028 dự kiến đạt 15% so với cùng kỳ.
Vietcap cho rằng mức định giá EV/EBITDA của mảng towerco cao hơn 21% nhờ việc Vietcap sử dụng EBITDA năm 2024 so với EBITDA trung bình trong giai đoạn 2023 - 2024 như trước đây, trong khi mức tăng trưởng dự kiến cho năm 2024 là 40% so với cùng kỳ.
Triển vọng tăng trưởng mạnh được thúc đẩy bởi giả định cao hơn đối với số lượng trạm viễn thông mới trong năm 2024 của Vietcap (3.500 trạm so với mức 2.100 trước đây). Do đó, sự đóng góp của mảng towerco trong định giá EV/EBITDA theo mô hình SoTP, vốn có hệ số EV/EBITDA mục tiêu cao hơn các mảng khác, đã tăng lên 36% so với mức 33% trước đây.