Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 21/11: NT2, QNS và FRT
Khuyến nghị cổ phiếu NT2 - Khả quan
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, hiện việc không có khoản nợ nước ngoài có thể giúp Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) tránh được tác động rủi ro tỷ giá.
Tuy nhiên, bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gặp khó khăn về tài chính nên vòng quay chuyển đổi tiền mặt của NT2 đã vượt quá 100 ngày trong năm 2023, đến từ việc EVN trì hoãn thanh toán tiền bán điện.
SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 của NT2 sẽ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thông thường, nhu cầu điện hàng năm thường tốt vào tháng 11 và tháng 12 hàng năm. |
Để đảm bảo đủ vốn lưu động cho hoạt động, NT2 đã tăng nợ ngắn hạn lên 926 tỷ đồng (tại thời điểm cuối tháng 9/2023 so với 630 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III/2022). Do đó, NT2 khó có thể chi trả mức cổ tức hấp dẫn cho năm 2023 và 2024 như năm 2022 (2.500 đồng/cổ phiếu hay tỷ suất cổ tức là 8,7%).
SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế của NT2 năm 2023 sẽ giảm 52% so với kết quả thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, sang đến năm 2024, dự báo lợi nhuận sẽ phục hồi với mức tăng dự kiến khoảng 37% so với cùng kỳ, nhờcông suất hoạt động của NT2 sẽ cải thiện do không tiến hành bảo dưỡng lớn và tình trạng thiếu khí ít trầm trọng hơn như năm nay.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý IV/2023 của NT2 có thể là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn đối với giá cổ phiếu NT2 vì doanh nghiệp đã hoàn tất bảo dưỡng vào cuối tháng 10, cho thấy lợi nhuận sẽ tăng trưởng so với quý trước.
SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 của NT2 sẽ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thông thường, nhu cầu điện hàng năm thường tốt vào tháng 11 và tháng 12 hàng năm.
Do đó, SSI Research đưa ra giá mục tiêu 1 năm theo phương pháp DCF là 27.620 đồng/cổ phiếu cho NT2, tương đương tiềm năng tăng giá 12,7%. Công ty chứng khoán này khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu NT2.
Khuyến nghị cổ phiếu QNS - Khả quan
Doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) đạt 8.800 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 1.900 tỷ đồng (tăng 72% so với cùng kỳ), hoàn thành lần lượt 87% và 78% dự báo năm của giới phân tích. Mới đây nhất, doanh nghiệp công bố lợi nhuận trước thuế đạt 184 tỷ đồng (giảm 5% so với tháng trước) trong tháng 10.
Mảng đường là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính với doanh thu thuần đạt 3.550 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế đạt 850 tỷ đồng (tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ). Ước tính sản lượng tiêu thụ đường đạt 190.000 tấn (tăng 86% so với cùng kỳ). Giá đường thế giới vẫn neo ở mức cao nhất trong 10 năm là 0,27 USD/lb, do lo ngại về khả năng nguồn cung đường giảm do thời tiết El Nino.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, động lực tăng trưởng doanh thu của QNS đến từ nhu cầu tiêu thụ sữa đậu nành tăng cao. Hiện nay, khoảng 65% sữa đậu nành trên thị trường là sản phẩm không có thương hiệu. QNS, với vị thế dẫn đầu thị trường sữa đậu nành có thương hiệu sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị phần từ những nhà bán lẻ truyền thống.
Do đó, trong giai đoạn 2023 - 2028, VNDirect dự phóng doanh thu mảng sữa đậu nành của QNS ghi nhận mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,5%.
Bên cạnh đó, VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành cải thiện 1/5 điểm % trong 2024 - 2025, nhờ các yếu tố như: Tháng 7/2023, QNS chốt hợp đồng cho 70% lượng đậu nành đầu vào cho năm 2024 với giá thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái; giá đậu nành tại Canada dự kiến giảm 12,8% so với cùng kỳ trong 2023 - 2024 (theo Bộ Nông nghiệp Thực phẩm Canada). Theo ước tính, 60 - 70% nguyên liệu đậu nành của QNS được nhập khẩu từ Canada.
Cùng với đó, các chuyên gia dự báo giá đường trong nước sẽ tiếp tục dao động ở mức cao trong 2024 nhờ: Chính sách hỗ trợ của chính phủ (thuế chống bán phá giá) đối với đường nhập khẩu; giá đường thế giới neo cao trong 2024 do điều kiện thời tiết không thuận lợi ở các quốc gia xuất khẩu lớn...
Hiện, VNDirect khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu QNS với giá mục tiêu 65.100 đồng/cp, cao hơn khoảng 40% so với thị giá hiện tại.
Khuyến nghị cổ phiếu FRT - Mua
Đóng góp của mảng kinh doanh dược phẩm & y tế vào doanh thu của Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT) ngày càng tăng. Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2023 đạt 14.924 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ và đạt 43,9% kế hoạch.
Trong đó, mảng kinh doanh bán lẻ thuốc đạt 6.899 tỷ đồng, tăng 95,5% so với cùng kỳ, đưa tỷ trọng của mảng bán lẻ thuốc tăng từ 29% trong 6 tháng đầu năm 2023 lên 46% trong 6 tháng đầu năm 2023. Ngược lại, do áp lực cạnh tranh cao khi sức mua suy yếu, mảng ICT ghi nhận mức lợi nhuận 8.118 tỷ đồng, giảm 19,2% so với cùng kỳ.
Về thị phần, FPT Shop đứng thứ 2 sau Thế giới di động về thị trường điện tử và đứng đầu về mảng bán lẻ Laptop tại Việt Nam, bao phủ 31% thị phần Laptop Việt Nam năm 2021. Bên cạnh đó, thị phần về bán lẻ thuốc của FRT không ngừng tăng lên, bao phủ 45% thị phần mảng phân phối dược phẩm và thiết bị y tế năm 2021 của Việt Nam.
FRT sở hữu chuỗi nhà thuốc có số lượng cửa hàng lớn nhất Việt Nam và là chuỗi duy nhất có lãi ở thời điểm hiện tại. Tính tới cuối tháng 9/2023, số lượng cửa hàng thuốc của FPT Long Châu lên tới 1.350 cửa hàng, tăng 413 cửa hàng so với cuối năm 2022. Công ty có dự kiến đưa số lượng nhà thuốc của FPT Long Châu lên tới 1.400 - 1.500 cửa hàng tại thời điểm cuối năm 2023 và đạt mốc 3.000 cửa hàng trong vòng 5 năm tới.
Tính tới thời điểm hiện tại, FPT Long Châu đã vượt xa về số lượng nhà thuốc của An Khang (537 cửa hàng) và Pharmacity (1,118 cửa hàng). Không chỉ đạt mức tăng trưởng thần tốc trong việc tăng số lượng cửa hàng trong thời gian ngắn mà FPT Long Châu cũng đang dẫn đầu về hiệu quả hoạt động của chuỗi nhà thuốc ở Việt Nam.
Sau 3 năm FRT Retail tham gia vào lĩnh vực bán lẻ thuốc, chuỗi FPT Long Châu đã ghi nhận mức lợi nhuận tăng nhẹ trong năm 2021, đạt lãi trước thuế năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 lần lượt là 53 tỷ đồng và 280 tỷ đồng.
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng thuốc An Khang và Pharmacity đang chịu lỗ kể từ ngày bắt đầu hoạt động. Ngoài ra, FPT Retail mới mở thêm mảng tiêm chủng cũng góp phần tăng thị phần và doanh thu cho FPT retail trong thời gian tới.
Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) kết hợp phương pháp DCF và P/S khuyến nghị mua đồng thời đưa ra giá mục tiêu FRT là 119.500 đồng/cổ phiếu.