Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 16/11: Kỳ vọng sinh lời BSR, GEX và PAN
Khuyến nghị cổ phiếu BSR: Giá mục tiêu 20.500 đồng/cp
Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 tích cực với doanh thu đạt 37.755 tỷ đồng, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên lợi nhuận ròng đạt 3.260 tỷ đồng, tăng 581% so với cùng kỳ và tăng 143% so với quý trước.
Khuyến nghị cổ phiếu BSR với giá mục tiêu 20.500 đồng/cp |
Sự chênh lệch lớn này là do BSR được hưởng lợi từ lượng hàng tồn kho giá thấp tích trữ trước đó và giá dầu quý III/2023 có xu hướng tăng cao từ 80,05 USD/thùng lên mức trung bình 94 USD/thùng trong tháng 9/2023. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa giá sản phẩm và giá dầu thô (crack spread) cũng tăng tốt trong quý III này.
Tuy nhiên, BSR đã trích lập dự phòng hàng tồn kho 822 tỷ đồng trong quý III để phòng ngừa rủi ro giảm giá dầu. Theo đó, giá dầu trung bình đầu tháng 10/2023 đã giảm xuống 84 USD/thùng, thấp hơn 10 USD/thùng so với cao điểm tháng 9/2023.
Dù rủi ro của cuộc chiến Israel và Hamas ảnh hưởng lên nguồn cung dầu thô vẫn còn hiện hữu, song sản lượng dầu của OPEC và Mỹ gia tăng cùng với những lo ngại về nhu cầu nhiên liệu giảm đã kéo giá dầu giảm mạnh hơn trong tháng 10.
Đó là toàn bộ câu chuyện của quý III/2023. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của BSR lại sụt giảm với doanh thu đạt 105.490 tỷ đồng, thấp hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, lợi nhuận ròng còn có mức giảm đến 52% cùng kỳ xuống 6.232 tỷ đồng.
Crack spread giảm, đồng thời mức cơ sở cao của năm 2022 là lý do kết quả kinh doanh của BSR cho thấy sự "đi lùi".
Về kế hoạch chuyển sàn niêm yết sang HOSE, hiện tại BSR vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do liên quan đến các khoản nợ quá hạn trên 1 năm của công ty con. Do đó, việc chuyển sàn có thể dời sang năm 2024.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) điều chỉnh tăng dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023 và 2024 so với dự phóng gần nhất lần lượt là 6,8% và 6% cho BSR.
Hướng tới năm 2024, ACBS dự phóng BSR đạt doanh thu 127.692 tỷ đồng (giảm 11% so với năm trước đó) và lợi nhuận ròng 7.679 tỷ đồng (giảm 3,3%). Giá mục tiêu của công ty chứng khoán này đặt ra cho cổ phiếu BSR đến cuối 2024 là 20.500 đồng/cp, tương đương tổng tỷ suất lợi nhuận 8,4%.
Cổ phiếu GEX: Tiềm năng lớn
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Gelex (HOSE: GEX) giảm lần lượt 11,5% và 21% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 21.900 tỷ đồng và 1.390 tỷ đồng, do mảng thiết bị điện và vật liệu xây dựng suy giảm bởi sự trì trệ của thị trường nhà ở.
Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận gộp từ mảng bất động sản, chủ yếu từ mảng khu công nghiệp của VGC, tăng lần lượt 20% và 64,6% so với cùng kỳ, đạt 3.700 tỷ đồng và 1.700 tỷ đồng, bất chấp mức nền tương đối cao của 9 tháng đầu năm 2022.
Năm 2023, SSI Research kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của GEX lần lượt đạt 31.200 tỷ đồng và 1.810 tỷ đồng, giảm 2,7% và tăng 13,2% so với kết quả đạt được năm ngoái. Nếu theo dự báo này, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp sẽ vượt 42% kế hoạch thận trọng đã đề ra từ đầu năm.
Trong đó, mảng khu công nghiệp - "gà đẻ trứng vàng" đang đóng góp lợi nhuận lớn nhất cho GEX, sẽ tiếp tục là mảng ghi nhận kết quả hoạt động tốt nhất trong cả năm 2023.
Sang năm 2024, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận mảng vật liệu xây dựng và thiết bị điện sẽ phục hồi từ mức thấp của năm 2023, trong khi mảng khu công nghiệp có khả năng giảm tốc so với mức nền cao được thiết lập trong năm 2023. SSI Research lưu ý rằng GEX có thể ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường đáng kể tối đa khoảng 1.200 tỷ đồng trong trường hợp công ty thoái vốn thành công khỏi các dự án năng lượng.
Thêm một điểm sáng, đó là GEX đang đẩy mạnh chiến lược hợp tác với các đối tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh doanh hiện tại, bao gồm khu công nghiệp, bất động sản, năng lượng tái tạo, thiết bị điện, cũng như các lĩnh vực kinh doanh mới (như hợp tác với Fraser và Sembcorp) là nền tảng của chiến lược này.
Vẫn theo SSI Research, GEX đang nắm giữ 25,47% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (UPCoM: PXL), doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp ở miền Nam.
Trong ngắn hạn, GEX có thể xem xét tăng tỷ lệ sở hữu tại PXL để triển khai khu công nghiệp Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trải dài trên 850 ha. Công ty đang thực hiện các thủ tục để triển khai dự án và chuyển đổi chức năng khu công nghiệp từ nhà máy lọc dầu sang khu công nghiệp đa ngành.
PXL dự kiến hoàn thành các thủ tục pháp lý cho dự án trong năm 2023 và có thể bắt đầu giải phóng mặt bằng từ năm 2024.
Cổ phiếu PAN: Kỳ vọng tăng giá 20%
Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm với 3 mảng kinh doanh chính là giống cây trồng và vật tư nông nghiệp, xuất khẩu thủy sản và thực phẩm tiêu dùng.
PAN sở hữu mạng lưới phân phối thị trường nội địa rộng khắp với hơn 200 nhà phân phối lớn, bao phủ trên 145.000 điểm bán hàng trên khắp đất nước.
Trong quý III/2023, PAN ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 3.703 tỷ đồng (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 193 tỷ đồng (tăng 35,8% cùng kỳ) nhờ sự hồi phục của các mảng kinh doanh chính.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, PAN ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 9.008 tỷ đồng (giảm 7,7% so với cùng kỳ) và 456 tỷ đồng (giảm 15,4% cùng kỳ). Lợi nhuận giảm mạnh là do 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận khoản lợi nhuận 43 tỷ đồng từ giao dịch chuyển nhượng tài sản.
Về cơ cấu hoạt động của PAN, mảng nông nghiệp giai đoạn 9 tháng 2023 chứng kiến sự tăng trưởng nhất định với doanh thu đạt 3.389 tỷ đồng (tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ). Giá gạo tăng mạnh đã dẫn đến nhu cầu vật tư nông nghiệp bao gồm giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật tăng.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng doanh thu mảng này của PAN sẽ tiếp tục duy trì cao vào 3 tháng cao điểm cuối năm 2023, giữa bối cảnh giá gạo Việt Nam neo cao do biến đổi khí hậu El Nino và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ; quý IV thường là cao điểm của nhu cầu vật tư nông nghiệp.
Về mảng thực phẩm, 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu đạt 1.392 tỷ đồng (giảm 3% cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 55 tỷ đồng (giảm mạnh 70%), chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng yếu. Tuy nhiên, Mirae Asset kỳ vọng quý IV/2023 doanh thu và biên lợi nhuận mảng này sẽ được cải thiện.
Mảng thủy sản của PAN cũng khá trầm lắng trong 9 tháng 2023, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 4.228 tỷ đồng và 265 tỷ đồng, đồng loạt giảm 15% và 9% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do khó khăn và lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chính dẫn đến tiêu dùng giảm, ngoài ra do chi phí đầu vào neo cao dẫn đến giá vốn tăng.
Song, nhiều khả năng lĩnh vực kinh doanh này của PAN sẽ phục hồi cuối năm và đầu năm 2024, nhờ FMC mở rộng 200 ha vùng nuôi, nâng tổng diện tích lên 525 ha và tập đoàn dự kiến sẽ thả nuôi 100% vùng nuôi mới vào cuối năm 2023. Cùng đó, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu tích cực, các đơn hàng trở lại trong quý III vừa qua.
Năm 2023, Mirae Asset dự phóng doanh thu của PAN đạt 13.570 tỷ đồng (gần như đi ngang), lãi ròng đạt 302 tỷ đồng (giảm 19% so với năm trước), với giả định biên lợi nhuận giảm từ 20% xuống còn 19% do giá nguyên vật liệu đầu vào còn ở mức cao; chi phí lãi vay tăng mạnh do nợ ngắn hạn của công ty tăng cao; thu nhập tài chính tăng 52% chủ yếu nhờ các khoản lãi tiền gửi, trái phiếu, lãi cho vay.
Từ đó, Mirae Asset ước tính EPS dự phóng 2023 của PAN đạt 1.358 đồng/cp, tương ứng mức P/E ở mức 14,3 lần. Mirae Asset đánh giá tích cực dành cho PAN với giá mục tiêu 23.500 đồng/cp, cao hơn 20% so với thị giá hiện tại.