Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 20/11: Tích cực cho VHC và DPG, trung lập cho SAB
Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu VHC
Quý III/2023, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) công bố doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 2.700 tỷ đồng và 201 tỷ đồng, giảm 17% và 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận về hoạt động kinh doanh của VHC, SSI Research cho biết doanh thu đạt kỳ vọng mà nhóm phân tích đưa ra, tuy nhiên lợi nhuận ròng quý III lại giảm mạnh hơn mức ước tính do giá bán trung bình trong quý không thuận lợi.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, SAB công bố tổng lợi nhuận ròng là 2.200 tỷ đồng (giảm 25% so với cùng kỳ), vẫn cách khá xa với kế hoạch năm 2023, lần lượt hoàn thành 54% và 57% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng. |
Theo đó, biên lợi gộp trong quý III chỉ đạt 10,6%, trong khi quý II/2023 ghi nhận 21,3% và quý III/2022 ghi nhận 19,2%.
Về cơ cấu doanh thu, bán cá tra đem về cho VHC 1.400 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 52% tổng doanh thu. Sản lượng bán ra tăng nhưng giá bán giảm sâu là nguyên nhân gây thất thoát doanh thu trong quý vừa qua.
Quý IV/2023, SSI Research hy vọng sản lượng tiêu thụ của VHC sẽ tăng so với cùng kỳ và quý liền kề, cùng với mức giá bán trung bình ổn định hơn.
Phân tích về thị trường của VHC, trong quý III, thị trường lớn là Mỹ (chiếm 52% doanh thu cá) cũng là thị trường có mức giảm mạnh nhất, bay hơi hơn 41% giá trị so với cùng kỳ, chỉ còn 743 tỷ đồng.
Tại Trung Quốc, thị trường đóng góp 29% doanh thu cá cho VHC chứng kiến mức giảm 7% so với cùng kỳ, đạt 414 tỷ đồng; duy nhất thị trường châu Âu (đóng góp 31% doanh thu cá) là "lội ngược dòng" tăng trưởng với mức tăng 5% so với quý III/2023 lên 446 tỷ đồng.
Cập nhật số liệu mới nhất từ VASEP, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước trong quý III/2023 đạt 479 triệu USD (giảm 12% so với cùng kỳ, đi ngang so với quý trước).
Trong đó, xuất khẩu của Mỹ giảm 31% và xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2% cùng kỳ. Giá bán trung bình ở Mỹ duy trì ở mức cao hơn so với thị trường xuất khẩu nói chung.
Tháng 10/2023, giá bán trung bình ở thị trường Mỹ và Trung Quốc lần lượt đạt 2,9 USD/kg (giảm 37% cùng kỳ, tăng 2% so với tháng trước) và 2,1 USD/kg (giảm 13% cùng kỳ, giảm 2% so với tháng trước), có thể là dấu hiệu cho thấy tạo đáy trong vòng 2 năm qua - SSI Research nhận xét.
Với VHC, doanh thu tháng 10/2023 đạt 748 tỷ đồng, tiếp tục giảm 26% so với cùng kỳ và giảm 15% so với tháng trước, giữa bối cảnh thị trường Mỹ chưa thể phục hồi. SSI Research lưu ý rằng sản lượng tiêu thụ của VHC đã đi ngang so với mức trung bình tháng trong quý III/2023.
Điều đó bổ trợ cho quan điểm rằng giá bán trung bình hiện đang ở mức đáy và cho thấy khả năng VHC sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận dương so với cùng kỳ trong quý IV/2023. Trên cơ sở đó, nhóm phân tích hiện có khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VHC, trong khi thị giá đang đạt mức 71.100 đồng/cp (mở cửa phiên 20/11).
Khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu DPG
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (HOSE: DPG) báo cáo doanh thu quý III/2023 đạt 867 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh 51% xuống còn 95 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận gộp của DPG lần lượt đạt 2.026 tỷ đồng và 367 tỷ đồng, cũng giảm nhẹ về doanh thu nhưng lợi nhuận gộp sụt sâu.
Nguồn cơn đến từ diễn biến kém tích cực của phân khúc năng lượng. Song, điểm sáng là phân khúc xây dựng của DPG đang cho thấy tín hiệu tốt.
Cụ thể, trong quý III/2023, mảng xây dựng tăng trưởng 35% về doanh thu và 29% về lợi nhuận gộp, nhờ khối lượng công việc trong các dự án cơ sở hạ tầng tăng lên. Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận gộp tăng hơn 4% điểm lên 10,5% (từ mức 6,2% của quý III/2022) do giá vật liệu xây dựng hạ nhiệt, đóng góp lớn vào lợi nhuận của DPG.
Trong quý III này, DPG còn tiếp tục trúng thêm một số gói thầu thi công cơ sở hạ tầng, bao gồm cầu và đường cao tốc, hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư.
Về mảng năng lượng, trái ngược với quý I và quý II năm nay, sản lượng ngành thủy điện của DPG giảm mạnh trong quý III, với doanh thu rơi từ 105 tỷ đồng xuống 59 tỷ đồng, tương đương mất 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, sự sụt giảm này khá bất thường và DPG cũng không thuyết minh thêm về vấn đề này, trong báo cáo tài chính quý III đã công bố.
Theo đó, Mirae Asset hạ đánh giá cho cổ phiếu DPG, từ mua xuống tăng tỷ trọng, nhưng duy trì mức giá mục tiêu 44.733 đồng/cp, dựa trên phương pháp định giá DCF.
Do quý IV/2023, sản lượng thủy điện thường đạt mức cao nhất nên nhóm nghiên cứu kỳ vọng doanh thu từ lĩnh vực này sẽ ổn định trở lại. Ngoài ra, khối lượng công việc trong mảng xây dựng có sự gia tăng mạnh mẽ trong quý III/2023, là dấu hiệu tích cực cho các quý sắp tới.
Mirae Asset tin rằng cổ phiếu DPG sẽ tăng 17% trong tương lai ngắn, đạt mức giá mục tiêu mà họ đưa ra từ trước.
Khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu SAB
Không giống như sự kỳ vọng của ban lãnh đạo, quý III/2023, Nghị định 100 vẫn tiếp tục làm giảm mức tiêu thụ của toàn ngành bia rượu, trong đó Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB) không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực khi doanh thu và lợi nhuận ròng thấp hơn dự kiến, lần lượt ở mức 7.400 nghìn tỷ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ) và 1.000 tỷ đồng (giảm 23% so với cùng kỳ).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, SAB công bố tổng lợi nhuận ròng là 2.200 tỷ đồng (giảm 25% so với cùng kỳ), vẫn cách khá xa với kế hoạch năm 2023, lần lượt hoàn thành 54% và 57% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng.
Ban lãnh đạo dự kiến sản lượng sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế trong nước phục hồi, dự kiến muộn nhất là vào nửa cuối năm 2024. Biên lợi nhuận gộp quý III/2023 giảm 110 điểm cơ bản so với cùng kỳ mặc dù giá bán tăng, do chi phí nguyên liệu tăng cao. Tỷ lệ chi phí quảng cáo và khuyến mãi/doanh thu ở mức 9,3% so với 8,9% trong quý II/2023.
Khi các đối thủ cạnh tranh tăng chi tiêu để giành thị phần từ nhóm khách hàng trung lập (không có yêu thích một loại bia nào cụ thể) thì SAB cũng đã phải thực hiện chi tiêu để bảo vệ thị phần.
Cho cả năm 2023, SSI điều chỉnh giảm dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng xuống lần lượt là 30.500 tỷ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ) và 4.400 tỷ đồng (giảm 21% so với cùng kỳ), thấp hơn lần lượt 8% và 10% so với ước tính trước đây, chủ yếu do sự điều chỉnh giảm giả định về sản lượng (do mức tiêu thụ bia giảm).
Cho năm 2024, SSI kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận ròng sẽ lần lượt đạt 32.500 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ) và 5.000 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), thấp hơn lần lượt 10% và 12% so với ước tính trước đây của SSI.
SSI giả định sản lượng tiêu thụ phục hồi nhẹ 3% so với cùng kỳ trong năm 2024, do giá bán trung bình ở mức cao và Nghị định 100 tiếp tục làm ảnh hưởng tới mức tiêu thụ tới mức chưa thể trở lại mức tiêu thụ trước đại dịch Covid (2018: 35.900 tỷ đồng, 2019: 37.900 tỷ đồng). Ban lãnh đạo có thể sẽ kiểm soát chặt hơn các khoản chi phí quảng cáo và khuyến mãi so với năm 2023 để cải thiện biên lợi nhuận.
SSI điều chỉnh giảm giá mục tiêu 1 năm xuống 76.000 đồng/cổ phiếu (từ 92.500 đồng/cổ phiếu), dựa trên sự kết hợp phương pháp DCF và hệ số P/E là 23 lần (từ mức 24 lần ở báo cáo trước). Với tiềm năng tăng trưởng là 19,3% so với giá hiện tại, SSI hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu xuống trung lập (từ khả quan).