Gỡ “nút thắt” sản xuất công nghiệp: Cần quan tâm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp
Các doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành |
Tìm nguyên nhân sản xuất công nghiệp giảm
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2023 của cả nước giảm 8%, trong đó riêng TP. Hồ Chí Minh giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, do số ngày sản xuất ít hơn từ 8-10 ngày so với tháng 1/2022 vì tết Nguyên đán Quý Mão rơi trọn trong tháng 1/2023.
“Cả nước và TP. Hồ Chí Minh đã tập trung cao độ cho sản xuất trong 2 tháng cuối năm 2022 để chuẩn bị hàng hoá phục vụ tết Quý Mão, vì vậy cường độ sản xuất trong tháng 1/2023 cũng giảm đi” - TS. Nguyễn Bích Lâm thông tin.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2023 của cả nước giảm 8% so với cùng kỳ năm trước |
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, năm 2022, kinh tế thế giới, đặc biệt kinh tế các nước là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam rơi vào tình trạng “đình lạm”, tăng trưởng chậm lại cùng với lạm phát cao, nên tổng cầu của thế giới suy giảm, làm giảm đơn hàng với nước ta nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Trên thực tế, dấu hiệu kinh tế suy giảm đã xuất hiện trong bức tranh kinh tế quý IV/2022 của cả nước và TP. Hồ Chí Minh. Trong quý IV/2022 tốc độ tăng GDP của toàn nền kinh tế đạt 5,92% thấp hơn tốc độ tăng 7,8% của quý II và 13,7% của quý III/2022 và ngược với xu hướng tăng cao hơn của quý IV so với ba quý đầu năm của các năm trước.
Tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 1/2023, chỉ số IIP giảm 15,0% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong 30 ngành công nghiệp cấp 2 của TP. Hồ Chí Minh chỉ có 4 ngành tăng so với với cùng kỳ năm trước, các ngành công nghiệp còn lại đều giảm.
Quan tâm nhiều hơn đến khu vực doanh nghiệp
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1/2023, cả nước có 25,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, lại có tới 43,9 nghìn doanh nghiệp tạm thời và vĩnh viên rút lui khỏi thị trường. Như vậy, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong tháng 1/2023 cao gấp hơn 1,7 lần số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường. Điều này phản ánh tình cảnh khó khăn của khu vực doanh nghiệp hiện nay, điều này cũng ảnh hưởng Chỉ số IIP trong tháng 1/2023 và những tháng tiếp theo.
Cần các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất |
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tạo ra trên 60% GDP của nền kinh tế. Sự tồn tại, phục hồi và phát triển của doanh nghiệp là cơ sở tạo nên tăng trưởng kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng không chỉ năm nay mà còn của nhiều năm tới.
Vì vậy, để gỡ “nút thắt” sản xuất công nghiệp, theo TS Nguyễn Bích Lâm, cùng với giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, Chính phủ cần thực hiện giải pháp hỗ trợ về thị trường, đổi mới công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng của lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng cách nâng cao năng suất lao động.
Thực hiện mục tiêu này, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương minh bạch, đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; giữ vững năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới.
Cùng với đó, dự báo sớm các mặt hàng có thể thiếu hụt trong dài hạn để có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước. Ban hành và thực thi các giải pháp đột phá, tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm trong ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, có đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu…
Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp đang thiếu vốn, cộng với lãi suất tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ. |