Thực thi Hiệp định EVFTA: Sức ép cạnh tranh là thách thức đầu tiên cần vượt qua
Hiệp định EVFTA: Cân bằng lợi ích của Việt Nam và EU Hiệp định EVFTA: Thêm động lực để hoàn thiện năng lực thể chế |
Nhận diện cơ hội và thách thức
Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp cần chủ động vượt qua các thách thức. (Ảnh: TTXVN) |
Như vậy, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có FTA với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, Hiệp định EVFTA vừa giúp chúng ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Trên phương diện phát triển kinh tế, Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng. Khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.
Hiệp định thương mại tự do với EU giúp chúng ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó tốt hơn với các diễn biến bất lợi trong khu vực và trên trường quốc tế. Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do vậy, Hiệp định sẽ giúp chúng ta có điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.
Hơn 3 năm thực thi, Hiệp định EVFTA đang mang lại những tác động rất tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình thực thi cho đến nay, theo Bộ Công Thương các doanh nghiệp, ngành hàng cần phải tiếp tục nhận diện rõ các cơ hội cũng như thách thức để khai thác FTA này một cách hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
Theo đó, Bộ Công Thương nêu rõ, đi kèm với cơ hội thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức.
Thứ nhất, sức ép cạnh tranh là thách thức đầu tiên chúng ta cần vượt qua. Tuy nhiên, cạnh tranh cũng được coi là động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Thứ hai, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định EVFTA cũng đặt ra yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật. Tuy nhiên, nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng được coi là xuất phát từ đòi hỏi phát triển của bản thân nội tại nền kinh tế. Trong thời gian qua, chúng ta cũng đã chủ động sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Bộ Luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ...
Thứ ba, thị trường EU là một trong những thị trường khó tính, có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Đơn cử như các yêu cầu về lao động, môi trường của EU buộc các doanh nghiệp phải có những tuân thủ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khi thực hiện Hiệp định EVFTA, thay vì từng doanh nghiệp phải xử lý và vượt qua các rào cản này, Hiệp định cũng tạo ra các khuôn khổ hợp tác để doanh nghiệp hai bên có thể cùng học hỏi và vượt qua các rào cản trong quá trình thực hiện các cam kết.
Chủ động đón nhận lợi ích từ EVFTA
Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội về thương mại, đầu tư, hợp tác mới cho doanh nghiệp hai bên. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, theo Bộ Công Thương, trong quá trình đàm phán, Đoàn đàm phán Việt Nam đã tích cực cung cấp đầy đủ thông tin cũng như tham vấn ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp với mong muốn kết quả đàm phán phải đáp ứng được tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp. Trong quá trình này, một số hiệp hội như dệt may, da giày, thủy sản và nhiều doanh nghiệp khác đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt.
Do đó, để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất. Đặc biệt, "cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU" - Bộ Công Thương khuyến nghị.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, để tận dụng cơ hội của Hiệp định EVFTA, cần điều chỉnh cơ chế chính sách gì để thích ứng. Tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định EVFTA có nghĩa là Việt Nam bước vào sân chơi lớn, chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn.
Vì thế, để thích ứng được với bối cảnh này, theo Bộ Công Thương cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu của hội nhập quốc tế và các cam kết trong các FTA thế hệ mới một cách toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị. Nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với điều kiện áp dụng hiện hành, đặc biệt chú trọng đến các nội dung phi truyền thống như mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...
Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ nhà nước tại địa phương để đảm bảo hiểu rõ và thực hiện đúng cam kết trong các FTA thế hệ mới; triển khai hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh việc cấp C/O qua Internet; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với thể chế ổn định, minh bạch; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ; tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, khuyến khích doanh nghiệp liên kết theo chuỗi sản xuất, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế cảnh báo sớm để doanh nghiệp có thể chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại. Song song với đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế; có các chính sách xúc tiến thương mại theo từng thị trường, trong cả trung và dài hạn. Tiếp tục đẩy mạnh và chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia vào dây chuyền sản xuất cung ứng toàn cầu.