Hà Nội: Giá chung cư bị đẩy cao chót vót, giấc mơ an cư của người trẻ ngày càng xa vời
Giao dịch đất nền, chung cư và nhà ở bật tăng trong quý I/2024 "Thổi" giá, tạo sóng "ảo" một số chung cư tại Hà Nội Xuất hiện nhiều “điểm nóng” an ninh trật tự tại các chung cư ở Hà Nội |
Mặt bằng giá trung bình chung cư tại Hà Nội hiện dao động 50 - 70 triệu đồng mỗi m2, tăng 38% so với năm 2019. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến ước mơ an cư lạc nghiệp của những người trẻ.
Lương 20 – 30 triệu không đủ tiền mua chung cư
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, hiện tại, giá căn hộ chung cư rao bán liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp (bán từ chủ đầu tư) và thứ cấp (người mua của chủ đầu tư sau đó bán lại). Không những vậy, những dự án chung cư đã đi vào sử dụng từ 5 - 10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá khá cao.
Cụ thể, dự án Trinity Tower được rao bán trong khoảng từ 41,6 - 55,8 triệu/m²; dự án TSQ Mỗ Lao có giá trong khoảng từ 49,2 - 54,8 triệu/m²; dự án Masteri West Heights giá bán dao động trong khoảng từ 58,7 - 75,2 triệu/m² hay dự án Heritage West Lake có giá lên tới 85,7 - 155,3 triệu đồng/m2.
Làm việc 6 năm trên Hà Nội, anh Nguyễn Văn Thương (29 tuổi, quê Hà Nam) cảm thấy hiện tại việc mua chung cư là ước muốn quá xa vời.
“Từ đầu năm 2023, hai vợ chồng đã có dự định mua một căn chung cư với diện tích vừa phải, giá dao động trong tầm 2 tỷ trở xuống. Nhưng cứ chờ đợi và đến hiện nay, dự định này khó thành hiện thực vì giá chung cư Hà Nội đang bị đẩy lên quá cao”, anh Thương chia sẻ.
Hiện mức lương của hai vợ chồng anh Thương dao động từ 20 – 25 triệu đồng nhưng mỗi mét vuông cũng đã lên tới 40 – 50 triệu/m2, không biết khi nào mới có thể sở hữu cho mình một căn hộ chung cư Hà Nội.
"Vì vậy, đến nay, hai vợ chồng tiếp tục thuê trọ, tạm gác lại câu chuyện mua chung cư và chờ hạ giá", anh Thương chia sẻ thêm.
Người trẻ tạm từ bỏ ước mơ sở hữu chung cư vì giá chung cư Hà Nội đang ở mức rất cao. Ảnh: VGP |
Trong khi đó, may mắn hơn anh Thương, anh Đào Minh Thịnh (30 tuổi) đã sở hữu được một căn chung cư. Vì vậy, anh cảm thấy vô cùng may mắn khi quyết định xuống tiền mua chung cư từ hơn 3 năm trước với mức giá gần 2 tỷ đồng, tại quận Nam Từ Liêm. Anh chia sẻ: “Nếu hồi đó không quyết mua và nhờ gia đình hỗ trợ thì không biết bao giờ tôi mới có thể sở hữu căn hộ chung cư cho riêng mình, đặc biệt trong thời gian gần đây, giá nhà tăng chóng mặt”.
Không những vậy, anh Thịnh kể: “Nhiều người cũng đã gọi cho tôi, ngỏ ý muốn mua căn chung cư với giá gấp gần 2 lần so với giá tôi mua nhưng tôi từ chối bán vì tôi có ý định ở đây lâu dài chứ không phải đầu tư và hiện mặt bằng giá chung cư đang leo thang chóng mặt”.
Có thể thấy, với nhiều người mức thu nhập 20-30 triệu đồng, đặc biệt là những người trẻ dù tích góp, chắt chiu bao nhiêu nhưng thời điểm hiện tại mua nhà sẽ rất khó, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch ổn định cuộc sống tại thành phố.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội
Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là tránh tình trạng thổi giá, tạo sóng ảo mua bán chung cư, Chính phủ, Bộ Xây dựng cùng các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội chia sẻ: “Trong thời gian sắp tới, người mua nhà và các nhà đầu tư cần chú trọng khi mua chung cư, tránh mua vội, giá tiếp tục tăng, cần tính toán về kỳ vọng lợi nhuận và cần xem xét kỹ giá có thực sự tương xứng với chất lượng sản phẩm”.
Trong khi đó, các địa phương cần tập trung nhiệm vụ trọng tâm về việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân.
Tiếp tục triển khai, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2024 và trong cả giai đoạn của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở. Theo đó, xác định các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Ngoài ra, nghiên cứu đề xuất giải pháp về rút gọn thủ tục pháp lý đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư. Đặc biệt, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong điều kiện địa phương cho các đối tượng tham gia được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng.
Cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Thêm nữa, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục xác định giá đất cho các dự án bất động sản, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp xử lý lòng vòng gây chậm trễ.