Xuất hiện nhiều “điểm nóng” an ninh trật tự tại các chung cư ở Hà Nội
Nhiều căn hộ xây sai phép tại chung cư CT2 Xuân Đỉnh: Trách nhiệm thuộc về ai? Giao dịch đất nền, chung cư và nhà ở bật tăng trong quý I/2024 "Thổi" giá, tạo sóng "ảo" một số chung cư tại Hà Nội |
Báo cáo mới nhất về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội cho thấy: Hà Nội hiện có 1.358 cụm, tòa nhà chung cư (không bao gồm chung cư cũ); trong đó có 1.157 chung cư thương mại, nhà ở xã hội và 201 chung cư tái định cư.
Bên cạnh mặt tích cực, công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư vẫn còn một số hạn chế. Theo đó, trong quá trình hoạt động sử dụng nhà chung cư, phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản trị, cư dân, dẫn đến tình trạng đơn thư, khiếu kiện, tập trung đông người, treo băng rôn, khẩu hiệu... xảy ra ở một số nơi, gây ảnh hưởng xấu đến việc quản lý, vận hành chung cư, nhà cao tầng.
Dự án Tổ hợp Nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội |
Thứ nữa, các quy định của pháp luật còn chưa được thực hiện nghiêm túc, vẫn còn khiếu kiện trong quá trình quản lý, sử dụng của một số nhà chung cư, chủ yếu tập trung trong việc bàn giao tiếp nhận: Hồ sơ nhà chung cư, kinh phí bảo trì 2%, diện tích chung sở hữu chung, diễn tích sở hữu riêng, tầng hầm để xe…
Nhận thức của người đứng đầu cơ sở, người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy còn nhiều hạn chế, chủ quan, chưa chấp hành đầy đủ các quy định (để đồ dùng, vật dụng cản trở lối thoát nạn, chèn, chặn, đóng khóa cửa vào buồng thang, đốt vàng mã trên hành lang hoặc trong buồng thang bộ...).
Nhiều khu vực thương mại tại chung cư tự ý ngăn chia mặt bằng, thay đổi công năng sử dụng so với thiết kế đã được phê duyệt gây ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện phòng cháy chữa cháy và các điều kiện ngăn cháy, lối thoát nạn.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước có lúc, có nơi còn chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Ứng xử của một số chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư, cộng đồng dân cư và một số cá nhân còn thiếu chuẩn mực, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc giải quyết đơn thư, kiến nghị chưa được kịp thời, dẫn đến khiếu kiện kéo dài gây bức xúc dư luận.
Đặc biệt, trong quý I/2024, tại một số chung cư tại Hà Nội đã phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Cụ thể, tại Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp Nhà ở xã hội AZ Thăng Long (huyện Hoài Đức) liên quan tiến độ thực hiện và bàn giao căn hộ; tại Dự án Chung cư Artemis (quận Thanh Xuân) liên quan đến mâu thuẫn giữa cư dân và ban quản trị về phí trông giữ xe; Dự án Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm) liên quan đến việc cấp sổ đỏ căn hộ tại dự án không theo hợp đồng mua bán; Dự án Chung cư Season Avenues (quận Hà Đông) tồn tại một số kiot kinh doanh dịch vụ trước cổng phụ tòa nhà.
Nguyên nhân phát sinh khiếu kiện xuất phát từ tranh chấp mâu thuẫn liên quan đến quyền lợi giữa chủ đầu tư với ban quản trị và cư dân, chưa bàn giao quỹ bảo trì; tranh chấp phần diện tích chung, riêng; giá, phí thu dịch vụ; vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy; chủ đầu tư chậm bàn giao nhà...
Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự tại các vụ việc cơ bản đã được cơ quan chức năng “giải quyết ổn định, an ninh trật tự được đảm bảo”.
Liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, theo báo cáo, trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn TP. Hà Nội xảy ra 298 vụ cháy, tăng 157 vụ cháy (111%) so với quý IV/2023. Trong đó có 3 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 52 vụ cháy trung bình và 243 vụ cháy nhỏ. Nguyên nhân dẫn đến cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, sơ suất do sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, vi phạm về phòng cháy chữa cháy… |