Đường sắt Việt Nam: Nghịch lý giá trị nhà xưởng cao vượt trội so với phương tiện vận tải
Hiện đại hóa ngành đường sắt là một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong suốt thập niên qua khi mà ngành đã quá lạc hậu, sụt giảm sức cạnh tranh trên thị trường vận tải.
Hiện đại hóa ngành đường sắt bao gồm cả hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đường sắt cũng như phương tiện vận tải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dường như ngành vẫn dồn sức cho hệ thống đường sá trong khi phương tiện vận tải – tài sản trực tiếp tương tác với hành khách lại không có mức độ tăng giá trị tương ứng.
Điều này được thể hiện qua việc các gói thầu nâng cấp, cải tạo đường sắt trị giá hàng ngàn tỷ đồng liên tục được thực hiện thì giá trị phương tiện vận tải của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chỉ đạt hơn 1.500 tỷ đồng, khiêm tốn hơn rất nhiều so với tổng tài sản 24.000 tỷ đồng, thậm chí còn thấp hơn giá trị nhà xưởng.
Cần phải nhấn mạnh rằng giá trị hao mòn của phương tiện vận tải lấn át giá trị còn lại của phương tiện vận tải.
Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đường sắt
Vài năm gần đây, ngành đường sắt vào cuộc rốt ráo, nhiều gói thầu nâng cấp, cải tạo đường sắt.
Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Quốc gia Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (gồm đoạn Hà Nội-Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Sài Gòn) với nguồn vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng là một trong những dự án nổi bật của ngành đường sắt.
Do được tập trung triển khai nên dự án có tiến độ rất tốt. Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đến nay nhiều gói thầu xây lắp thuộc dự án đã có khối lượng thi công vượt tiến độ, nhanh hơn dự kiến.
Trước đó, trong năm 2023, dự án cải tạo 8 ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc với tổng mức đầu tư hơn 475 tỷ đồng cũng được triển khai thi công.
Những "đống sắt" của Đường sắt Việt Nam vẫn chạy trên đường |
Năm 2024, Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ tổ chức khởi công 2 dự án sử dụng nguồn vốn ODA gồm Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét (dự kiến ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024) và Dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện.
Nhưng nổi bật hơn cả chính là đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Ngày 18/9, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận đây là công trình rất quan trọng và rất cần thiết.
Mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao là đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả nhu cầu vận tải ngày càng tăng, góp phần hiện đại hóa hệ thống giao thông và tái cơ cấu thị phần vận tải Bắc Nam. Tuyến đường sắt cũng tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia.
Nghịch lý giá trị nhà xưởng cao vượt trội so với phương tiện vận tải
Song song với đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngành đường sắt, hệ thống tàu hỏa cũng được chú trọng nâng cấp hơn. Điển hình nhất là ngày 27/4 vừa qua, ngành đường sắt khai trương đoàn tàu chất lượng cao tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng (SE22) và ngược lại (SE21). Tàu SE21/22 được nâng cấp, cải tạo từ các toa xe lửa tốt nhất hiện có, ngoại thất được làm mới, nội thất rộng hơn và có nhiều tiện ích hiện đại…
Đây không phải lần đầu tiên ngành đường sắt có đoàn tàu chất lượng cao. Hồi tháng 10/2023, đoàn tàu chất lượng cao SE19, SE20 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng được ngành đường sắt đưa vào hoạt động.
Các đoàn tàu chất lượng cao có thời điểm có giá ngang ngửa với giá vé máy bay nhưng vẫn nhận được sự quan tâm và ủng hộ rất lớn từ hành khách. Đặc biệt, kể từ khi giá vé máy bay tăng quá cao, đường sắt được lựa chọn nhiều hơn.
Nhưng thực tế cho thấy, những chuyến tàu chất lượng cao lại không đáng kể. Trên đường, người dân dễ dàng bắt gặp những đoàn tàu “sắt vụn” của ngành vẫn được vận hành.
Điều này được thể hiện qua chỉ tiêu giá trị phương tiện vận tải của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng tài sản công ty. Bên cạnh đó, với các phương tiện vận tải, giá trị khấu hao lớn vượt trội so với giá còn còn lại. Và giá trị còn lại của phương tiện vận tải nhỏ hơn rất nhiều so với nhà xưởng.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, giá trị tài sản cố định của VNR là 21.854 tỷ đồng (sau khi trừ đi giá trị hao mòn), tăng 8.063 tỷ đồng, tương đương 58,5% so với cuối năm 2022. Tài sản cố định chiếm 79,6% tổng tài sản công ty.
Trong tài sản cố định, tài sản cố định hữu hình là chỉ tiêu lớn nhất khi đạt tới 21.453 tỷ đồng, chiếm 98,2% tổng tài sản cố định.
Trong tài sản cố định hữu hình, nhà cửa, vật kiến trúc là chỉ tiêu lớn nhất, đạt 19.038 tỷ đồng. Đứng sau phương tiện vận tải, truyền dẫn (1.574 tỷ đồng), máy móc, thiết bị (825 tỷ đồng), thiết bị, dụng cụ quản lý (12 tỷ đồng), tài sản cố định khác (3,5 tỷ đồng).
Trong năm 2023, tiền đầu tư vào nhà cửa của VNR lớn hơn tiền đầu tư cho phương tiện vận tải.
Cụ thể, trong năm 2023, với chỉ tiêu nhà cửa, vật kiến trúc, giá trị đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành là 8.277 tỷ đồng, lớn vượt trội so với 4,9 tỷ đồng của phương tiện vận tải, truyền dẫn; Dù trong năm VNR mua thêm 21,2 tỷ đồng phương tiện vận tải, truyền dẫn nhưng tổng giá trị tăng thêm của nhà cửa vẫn vượt trội so với phương tiện vận tải.
Đáng chú ý, khấu hao trong năm của nhà cửa là 42 tỷ đồng thì với phương tiện vận tải lại lên đến 163 tỷ đồng. Còn tính từ trước đến nay, giá trị hao mòn của nhà cửa là 8.413 tỷ đồng thì của phương tiện vận tải lên đến 7.466 tỷ đồng.
Cần phải nhấn mạnh, nguyên giá của nhà cửa là 19.213 tỷ đồng, còn của phương tiện vận tải chỉ là 9.177 tỷ đồng.
Với nguyên giá 9.177 tỷ đồng và giá trị hao mòn lên đến 7.466 tỷ đồng, tại ngày 31/12/2023, giá trị còn lại của phương tiện vận tải và truyền dẫn tại VNR chỉ là 1.574 tỷ đồng, chiếm 5,7% tổng tài sản VNR.