Đường sắt tốc độ cao: Hiện thực hóa giấc mơ “ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở Sài Gòn”
Chuẩn bị kỹ, quyết tâm cao
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn sắp tới, ngành đường sắt sẽ được ưu tiên đặc biệt, chiếm tới hơn 70% vốn đầu tư cho toàn bộ hạ tầng giao thông quốc gia. Cụ thể, tổng vốn đầu tư cho đường sắt đến năm 2030 là khoảng 151,2 tỷ USD. Đến năm 2050, con số này là khoảng 312 tỷ USD. Trong đó, phần lớn nguồn vốn sẽ dành cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Sự quan tâm này đang tạo ra những bước đà rất quan trọng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sau gần 20 năm “thai nghén”.
Tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII ngày 20/9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng.
Hệ thống đường sắt phát triển bậc nhất thế giới của Nhật Bản, bao phủ hầu hết mọi thành phố và thị trấn trong cả nước. Ảnh minh hoạ |
Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận đây là công trình rất quan trọng và rất cần thiết với các lý do được đưa ra như mục tiêu chung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hoá các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia.
Đồng thời, tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan toả, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, nhằm bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics; tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.
Sau khi thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với vận tốc 350km/h, Trung ương giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp 8, dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10 tới.
Trước đó, đầu năm 2023, kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có nêu rõ về định hướng xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Từ thời điểm đó đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức nhiều đoàn công tác liên ngành khảo sát tại 6 quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển trên thế giới.
Hiện thực hóa giấc mơ “ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở Sài Gòn”
Trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải - nhận định, đường sắt là cốt lõi của giao thông, đặc biệt trong tương lai, đường sắt cao tốc Bắc - Nam là mạch máu chính của nền kinh tế - xã hội.
Lý giải về nhận định trên, chuyên gia cho rằng, đường sắt có chi phí vận tải thấp nhất, chỉ kém so với đường thủy và rẻ hơn 3 lần so với đường bộ. Bên cạnh đó, đường sắt cũng giúp bảo đảm an toàn giao thông tốt hơn, thậm chí đảm bảo an toàn hơn gấp 7-8 lần so với đường bộ.
“Năng suất của đường sắt cũng cao hơn gấp 5-10 lần so với đường bộ. Một đoàn tàu có thể chở hàng nghìn tấn, dài hàng km. Đặc biệt, đường sắt giúp tiết kiệm về đất đai. Xây một tuyến đường sắt có thể tiết kiệm 4 lần so với xây một trục giao thông đường bộ”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.
Bên cạnh đó, chia sẻ về vấn đề đấu thầu, chuyên gia lưu ý phải tổ chức đấu thầu một cách công bằng, đấu thầu không chỉ có giá mà phải gồm cả thiết bị, kỹ thuật, khoa học, tính hiệu quả… “Không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng có thể “giao khoán”, do vậy cần xem xét kỹ lưỡng năng lực của doanh nghiệp nhà nước trước khi giao dự án”, TS Nguyễn Xuân Thuỷ nhấn mạnh.
Ngoài ra, chuyên ra cũng bày tỏ quan điểm nên đưa các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia đấu thầu với các doanh nghiệp nhà nước, bên nào thắng thầu sẽ được thực hiện xây dựng dự án.
“Theo quan điểm của tôi, khi tiến hành đầu tư xây dựng các công trình lớn, không nên chỉ định thầu mà cần tổ chức đấu thầu và xã hội hoá. Tôi tin rằng, doanh nghiệp tư nhân có trình độ, kỹ thuật, họ sẽ làm tốt, vì họ có kinh nghiệm làm kinh tế, biết “chắt chiu” từng đồng để đi lên từ con số 0 cho đến khi có trong tay hàng chục tỷ USD. Những doanh nghiệp này xứng đáng được tham gia xây dựng những công trình lớn của đất nước.
Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân cam kết và thực hiện khá tốt về tiến độ, chất lượng, không có chuyện kéo dài thời gian đến gần 10 năm như dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, hao tốn tiền của cho ngân sách nhà nước”, chuyên gia giao thông chia sẻ.
Ủng hộ quan điểm lựa chọn phương án tốc độ thiết kế chạy tàu 350 km/h, song PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) - nhấn mạnh, cần đi tắt đón đầu trong đầu tư đường sắt tốc độ cao. Đồng thời, việc xây dựng luôn đường sắt tốc độ 350 km/h nằm trong mục tiêu tiến tới Net Zero (cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Bên cạnh đó, Chủ tịch VARSI cho rằng, muốn đường sắt cạnh tranh với hàng không, nếu chọn phương án tàu chạy 350 km/h đi từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh chỉ hết khoảng 5,5 giờ, hành khách sẽ chọn đường sắt.
Theo đó, với hình thái đất nước trải theo chiều dài, khoảng 85% dân số và 90% tổng sản phẩm quốc nội tập trung ở hai đầu Bắc - Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ là bước ngoặt trong phát triển giao thông, không chỉ đáp ứng nhu cầu kết nối nhanh mà còn kéo giảm chi phí logistics, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững.
Theo các chuyên gia, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án quy mô lớn, theo đó sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức phát sinh. Vấn đề là dự án cần được nghiên cứu, chuẩn bị một cách chất lượng, đúc rút kinh nghiệm từ việc đầu tư các dự án đường sắt đô thị để đẩy nhanh tiến độ. Hy vọng, đến năm 2035 giấc mơ của “ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở Sài Gòn” của người Việt Nam nói chung và các du khách quốc tế nói riêng có thể được hiện thực hóa.