Chủ tịch Tập đoàn Vabis nặng lòng với môn đua chó, làm chẳng vì lợi nhuận?
Nặng lòng với đua chó
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Vabis không phải gương mặt xa lạ đối với cộng đồng yêu thích môn thể giao giải trí - đua chó, đua ngựa ở Việt Nam.
Có được tiếng tăm và sự nể trọng trong giới thể thao giải trí độc đáo hôm nay, doanh nhân Việt kiều Australia đã phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều để vượt qua bao khó khăn, thách thức với ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê kinh doanh luôn bùng cháy như những ngày đầu khởi nghiệp, dù đến nay ông đã bước qua tuổi thất thập.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Vabis. |
Vốn được sinh ra ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, song ngay khi còn nhỏ, ông Ngọc Mỹ đã theo bố mẹ di cư vào miền Nam, tuổi thơ gắn liền với mảnh đất cao nguyên Lâm Đồng. Ở tuổi đôi mươi, ông sang Đảo Guam học ngành xây dựng rồi về nước làm công việc phát triển dự án.
Vài năm sau, ông quyết định sang Australia lập nghiệp, tiếp tục theo đuổi đam mê kinh doanh và đã gây dựng cho riêng mình một công ty chuyên về xây dựng tại quốc gia này, ở ngưỡng tuổi 30. Nối tiếp thành công đó, đầu thập niên 1990, ông Ngọc Mỹ hồi hương, mong muốn đóng góp một phần nhỏ công sức cho việc phát triển kinh tế đất nước với những kiến thức và kinh nghiệm học được từ nước bạn.
Năm 1993, vị doanh nhân Việt kiều thành lập Tập đoàn Vabis, sau đó tham gia hoàn thiện công trình, lắp đặt hệ thống điện nước, trang trí nội thất cho một số công trình lớn như Saigon Center, Đại sứ quán Australia, Lãnh sự quán Australia, Đại sứ quán Anh, khách sạn Sheraton và đặc biệt là Trường đua Phú Thọ.
Trường đua Phú Thọ là trường đua ngựa có bề dày lịch sử, xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước và được xem là trường đua lớn nhất nhì châu Á. Là người có tình cảm đặc biệt với bộ môn đua chó, đua ngựa thể thao, ông Ngọc Mỹ khi ấy đã nung nấu ý nghĩ vực dậy bộ môn thể thao này cho nước nhà.
Năm 2000, Tập đoàn Vabis hoàn thành đầu tư và cho mở cửa Trường đua chó Lam Sơn (Trường đua chó Greyhound) tại TP. Vũng Tàu, với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tổng vốn đầu tư lúc đó lên tới 5 triệu USD. Gần 23 năm hoạt động, ông Nguyễn Ngọc Mỹ cùng các cộng sự, cán bộ nhân viên đã tổ chức gần 1.500 kỳ đua trước khi trường đua phải đóng cửa do hết hạn giấy phép, vào năm 2023.
Cổng trước sân vận động Lam Sơn, nơi hàng tuần diễn ra các trận đua chó thể thao thu hút khán giả Vũng Tàu |
Trong quá trình hoạt động, ông Ngọc Mỹ còn đầu tư thêm các dự án quan trọng khác như: Xuân Thành Paradise Golf and Resort ở Hà Tĩnh (Hoa Tiên Paradise), Trung tâm nuôi - Huấn luyện ngựa đua và du lịch Đạ Huoai tại tỉnh Lâm Đồng, dự án tổ hợp khách sạn 5 sao One Opera Complex - với trường đua chó được xây tại trung tâm TP. Vũng Tàu...
Cùng đó, quy mô của Tập đoàn Vabis ngày càng được mở rộng, số thành viên trong tập đoàn tăng lên nhanh chóng, giúp tài sản của ông Nguyễn Ngọc Mỹ ước tính vượt lên hàng nghìn tỷ đồng, đưa tên tuổi sánh ngang với các đại gia giàu có và quyền lực nhất cả nước.
Kinh doanh đua chó không vì lợi nhuận?
Ngày nay, nhắc đến Tập đoàn Vabis là nhắc đến hệ sinh thái đa ngành rộng lớn mà trong đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ thể thao thi đấu giải trí (Công ty SES) là đáng chú ý hơn cả, giữ vai trò "lá cờ đầu" đã mang môn đua chó du nhập về Việt Nam, đồng thời là đơn vị đã cải tạo, đầu tư nâng cấp sân vận động Lam Sơn trở thành Trường đua chó Greyhound nổi danh như đã biết.
Công ty SES không chỉ là doanh nghiệp quan trọng cho hoạt động kinh doanh của "đế chế" Vabis mà còn có ý nghĩa tinh thần to lớn, là kỷ niệm gợi nhắc cho vị doanh nhân Việt kiều về những ngày đầu tiên đặt chân vào xây dựng trường đua chó thể thao ở quê nhà.
Cho nên, tại doanh nghiệp hơn 20 năm tuổi, ông Nguyễn Ngọc Mỹ vẫn đích thân làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật. Trong khi ở Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Hồng Lam (Công ty Hồng Lam) - "sếu đầu đàn" khác chuyên đầu tư bất động sản và phát triển dự án của hệ thống Vabis, từ lâu ông đã thôi đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành mà giao lại cho những người thân cận như bà Lê Thị Xuân Thảo phụ trách.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Báo Công Thương, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Công ty SES không mấy ấn tượng khi đạt con số 15,6 tỷ đồng, quá nhỏ bé so với tiếng tăm của Trường đua chó Greyhound đình đám phía Nam một thuở.
Nguyên nhân là, Công ty SES liên tục phải chịu thảm cảnh thua lỗ trong suốt các năm trở lại đây, khiến lỗ lũy kế vượt ngưỡng 206 tỷ đồng, tại ngày 31/12/2022 và đẩy vốn chủ sở hữu xuống dưới mức âm 135 tỷ đồng.
Tại quê hương Hà Tĩnh, ông Nguyễn Ngọc Mỹ còn nuôi tham vọng mở thêm trường đua chó thứ hai tại Việt Nam, thông qua Công ty TNHH Hồng Lam - Xuân Thành với dự án Trường đua chó Xuân Thành đặt ở xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, rộng hơn 3ha. Vậy nhưng, đây là dự án từng bị các bộ, ban ngành "tuýt còi", yêu cầu nhà đầu tư tháo dỡ và đang tiếp tục "đắp chiếu" sau hơn 10 năm nhận giấy chứng nhận đầu tư, không hẹn ngày về đích.
Phối cảnh dự án Hoa Tiên Paradise (Xuân Thành Paradise Golf and Resort) tại Hà Tĩnh. |
Nói thêm về Công ty Hồng Lam - Xuân Thành, đây chính là chủ dự án Hoa Tiên Paradise được giới thiệu là khu đô thị vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng hấp dẫn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, sẽ là nhân tố khơi dậy tiềm năng của vùng biển đẹp Xuân Thành nơi ông Ngọc Mỹ sinh ra, và cũng là dấu mốc định hình tên tuổi của vị Việt kiều trên thương trường nội địa.
Theo tìm hiểu, 2022 là năm đặc biệt của Công ty Hồng Lam - Xuân Thành, lượm hái được thành công bất ngờ với mức doanh thu đạt kỷ lục 525 tỷ đồng, cao gấp 9 lần so với năm trước đó. Đã vậy, 2023 còn hứa hẹn tiếp tục là doanh nghiệp của ông Nguyễn Ngọc Mỹ (cổ đông lớn nhất nắm hơn 90% vốn điều lệ) thiết lập đỉnh doanh thu mới, khi "kho lương nghìn tỷ" trên bảng cân đối kế toán cuối năm 2022 (khoản doanh thu chưa thực hiện dài hạn) lên đến 1.844 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 2 lần so với năm 2021 là 723 tỷ đồng.
Song, Công ty Hồng Lam - Xuân Thành tương tự như Công ty SES cũng đang trong cảnh khó khăn với những con số thua lỗ. Cùng khung thời gian, chủ dự án Hoa Tiên Paradise lỗ lũy kế 33 tỷ đồng, chiếm 41% tổng vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Khoản doanh số đột biến chảy về không giúp xoay chuyển căn bản được tình hình kinh doanh, mà tiếp tục nhận thêm 16 tỷ đồng lỗ sau thuế.
Với vốn chủ sở hữu chỉ 46,8 tỷ đồng, ban lãnh đạo Công ty Hồng Lam - Xuân Thành cần có tầm nhìn chiến lược và xây dựng những giải pháp xử lý đồng bộ tình trạng mất cân đối tài chính.
Công ty Hồng Lam - Xuân Thành bị nêu tên vì chưa nộp thuế hàng chục tỷ đồng |
Tháng 1/2023, doanh nghiệp này đã bị Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn do nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp hơn 81 tỷ đồng quá thời hạn quy định.
Ông Vương Văn Tường - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Hồng Lam - Xuân Thành đã bị cơ quan thuế tỉnh Hà Tĩnh ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh vì là người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Ông Tường còn là Thành viên Hội đồng quản trị CenLand, nơi Shark Hưng (Phạm Thanh Hưng) làm Phó Chủ tịch. Hiện, ông Tường đã rút khỏi Công ty Hồng Lam - Xuân Thành và thế chỗ cho ông là doanh nhân sinh năm 1980 Hoàng Sơn Dương.