Câu chuyện điện mặt trời và chủ nghĩa dân túy trong phát ngôn và truyền thông
Phát triển điện mặt trời ở một xứ nhiệt đới như Việt Nam đã không còn là câu chuyện xa lạ với người dân, với chuyên gia, với doanh nghiệp, đặc biệt là từ khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Vai trò của loại hình năng lượng này được nhìn nhận tương xứng hơn, tiềm năng được đặt đúng vị trí trong Quy hoạch cũng như kế hoạch thực hiện Quy hoạch.
Khác với các loại hình điện truyền thống khác dường như chọn một “thân phận” im ắng để phát triển, câu chuyện phát triển điện mặt trời từ nhiều năm nay trở thành chủ đề thu hút mối quan tâm rộng rãi. Mối quan tâm của các cơ quan quản lý là đương nhiên nhưng ngay với người dân, với các chuyên gia thuộc các lĩnh vực trực tiếp và gián tiếp liên quan đến điện mặt trời cũng bỗng trở thành một câu chuyện sôi nổi trên báo chí, tại hàng loạt các hội thảo năng lượng thời gian qua. Rồi cả mạng xã hội cũng “nhảy” vào với vô số bình luận đủ mọi chiều kích.
Việt Nam đã và đang có các chính sách phát triển điện mặt trời. Ảnh minh họa |
Đặc biệt là gần đây khi Bộ Công Thương trong vai trò quản lý nhà nước công bố dự thảo về các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu thì câu chuyện điện mặt trời càng có vẻ “nóng” thêm. Được biết thường trực Chính phủ cũng đang có cuộc họp để thảo luận về các chính sách phát triển điện mái nhà.
Điện vốn là lĩnh vực đặc thù, đặc thù cả về kỹ thuật, về vốn lẫn về thị trường. Nhưng điện mặt trời thì đúng là đặc thù của đặc thù bởi có được những chính sách phát triển tốt để nguồn lực thiên nhiên này phát huy vị trí xứng đáng, bảo đảm ổn định, an toàn cho hệ thống năng lượng quốc gia là mối quan tâm không chỉ riêng với các nước có nền công nghệ tiên tiến. Với Việt Nam, nước được xem là có ưu thế địa lý cho phát triển điện mặt trời trong khi chưa phải có ưu thế về công nghệ thì mối quan tâm lại càng lớn.
Bởi vậy độ “nóng” quanh câu chuyện phát triển điện mặt trời của dư luận trong cả phát ngôn lẫn dòng chảy truyền thông âu cũng là điều dễ hiểu. Ai cũng mong muốn Việt Nam tận dụng được tối đa nguồn lực này để đất nước bớt đi căng thẳng về điện năng cho sản xuất lẫn tiêu dùng, dẫu vẫn biết mong muốn là một chuyện còn việc xây dựng cơ chế chính sách để hiện thực hoá mong muốn đó là điều không dễ. Những góp ý chân thành, xây dựng, có trách nhiệm là điều đáng được ghi nhận, đáng trân quý thể hiện thái độ, trách nhiệm với sự phát triển đất nước từ góc độ công dân.
Nhưng như đã nói ở trên, “điện mặt trời là đặc thù của đặc thù” trong lĩnh vực năng lượng mà những kiến thức, hiểu biết mang tính chuyên môn chưa phải đã là dành cho số đông. Muốn hiểu, muốn nắm được cần có những cách tiếp cận phù hợp, cần đến cả thời gian với những tư vấn cụ thể mang tính chuyên môn sâu.
Nói hơi dài vậy để thấy rằng, góp ý phát ngôn tại các diễn đàn, hội thảo, rồi lên mạng xã hội lẫn báo chí truyền thông với một sự đặc thù mang tên điện mặt trời, rất cần đến những hiểu biết nhất định, để có thể có được những ý tưởng đóng góp thiết thực nhất, phù hợp nhất.
Đã có những ý kiến xác đáng vẫn đang tiếp tục được lắng nghe, ghi nhận. Đó là điều đáng mừng về tinh thần, thái độ trách nhiệm.
Nhưng cũng có những đóng góp đẩy câu chuyện đi quá xa, quá đà. Tại một số hội thảo, diễn đàn và toạ đàm về năng lượng thời gian gần đây và được nối dài bởi một số phương tiện truyền thông, có những ý kiến “đặt vấn đề” về tính hiện thực của Quy hoạch điện VIII, viện cớ thời gian thực hiện quá ngắn cũng như còn thiếu nhiều cơ chế, chính sách thực tiễn!
Ở tầm gần hơn, đúng vậy, là câu chuyện điện mặt trời.
Có thể thấy gì qua những ý kiến về điện mặt trời? Rằng, “Việt Nam đang lãng phí nguồn lực này”, rằng việc mua điện mặt trời giá 0 đồng “cốt để cơ quan bán điện trục lợi”, là “đi ngược cơ chế thị trường”, là “rồi sẽ không còn ai chơi với điện mặt trời nữa”.
Điều đáng ngạc nhiên là các ý kiến như thế, hoặc tương tự như thế lại nhân danh hoặc tự vỗ ngực cho mình cái vai trò đại diện cho điều được mô tả là “quyền lợi” của đông đảo người dân lẫn doanh nghiệp, hoặc mập mờ dưới dạng một chuyên gia kinh tế, một giám đốc tập đoàn hoặc doanh nghiệp nào đó. Càng ngạc nhiên hơn nữa là từ việc nhân danh, đại diện ấy, các ý kiến này cho rằng, những chủ trương của các cơ quan quản lý nhà nước là trái với nền kinh tế thị trường, ngược lại quyền lợi người dân doanh nghiệp, cho rằng điện mặt trời tiềm năng song các chính sách lại bỏ qua điều đó. Cố chấp hơn nữa mà cũng đáng nực cười hơn nữa khi các ý kiến này mô tả chính sách hiện đang “ngăn cấm xu thế phát triển điện mặt trời lẽ ra có thể phục vụ cho số đông người dùng”.
Đến đây đã rõ ra những sắc màu, những chân tướng của chủ nghĩa dân tuý trong những “đóng góp” ấy.
Nói về chủ nghĩa dân tuý thì có vẻ như một điều gì đó xa xôi ở một chân trời, góc biển nào đó nhưng xin được dẫn ra đây một số tổng kết của giới chuyên gia về một thứ mà bối cảnh phát triển kinh tế xã hội của quốc gia nào cũng đều cẩn trọng với thứ chủ nghĩa này.
Theo đó chủ nghĩa dân túy không ngoài những hoạt động, phát ngôn nhằm lôi kéo sự chú ý của người dân, thông qua nghệ thuật “diễn thuyết” nghệ thuật “ngôn từ” với nội dung mơ hồ nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào đó có tính chất ngắn hạn, nhất thời của người dân, nhất là của giới bình dân. Đặc điểm chung của chủ nghĩa dân túy là tách rời phát ngôn với hành động, chỉ làm thỏa mãn nhu cầu trước mắt của dân chúng hoặc một bộ phận dân chúng, nhanh chóng thay đổi quan điểm và không nhất quán một nguyên tắc nào.
Những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam dù chưa mang tính điển hình nhưng đã xuất hiện nguy cơ tạo ra những hậu quả tiêu cực. Đáng ngại hơn là chủ nghĩa dân tuý đang có biểu hiện “leo cao luồn sâu” trong thực tiễn xã hội Việt Nam để có thể thông qua những phát ngôn tại các diễn đàn, truyền thông, mạng xã hội để tung ra những luồng ý kiến đi ngược lại quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo mối nghi ngờ vào các chủ trương điều hành, quản lý của các bộ, ngành.
Chủ nghĩa dân tuý cũng nhân danh quyền tự do ngôn luận, tận dụng các ưu thế của công nghệ thông tin để “giành” trận địa thông tin về phía mình từ các phương tiện truyền thông chính thống, làm nền cho những “ý tưởng” mị dân không đúng, không phù hợp với chính sách, pháp luật, thiếu tính khả thi. Thậm chí chủ nghĩa dân tuý còn tiếp tay cho những điều tạo những tiếng vang giả tạo để tạo ra tâm lý hoài nghi với những hậu quả không thể xem thường.
Bóng dáng của chủ nghĩa dân tuý trong các đóng góp ý kiến liên quan đến các chủ trương chính sách mà câu chuyện điện mặt trời là một ví dụ cho thấy cần luôn hết sức cảnh giác với những biểu hiện của thứ chủ nghĩa này. Lại càng thấy rõ tầm quan trọng của việc chủ động từ sớm, từ xa trong việc tạo sự đồng thuận của công chúng, của dư luận với các quan điểm của Đảng, chủ trương của Nhà nước, các chính sách điều hành của các bộ, ngành.
Trong xây dựng chính sách, các đóng góp ý kiến để chính sách gần cuộc sống hơn luôn được lắng nghe, trân trọng nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta chấp nhận sự lợi dụng, “thừa gió bẻ măng” trong góp ý để đưa những quan điểm nhân danh số đông người dân, doanh nghiệp mang tính tung “hỏa mù”.