Tiêu điểm kinh tế tuần qua: Bộ Công Thương đề xuất mới về điện mặt trời mái nhà
Tiêu điểm kinh tế tuần qua: "Nóng" tình trạng thao túng, sở hữu chéo ngân hàng Tiêu điểm kinh tế tuần qua: Giảm 2% thuế VAT đối với nhóm hàng hóa dịch vụ |
Bộ Công Thương đề xuất mới về điện mặt trời mái nhà
Bộ Công Thương vừa có Văn bản số 8691/BCT-ĐL đề nghị góp ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Bộ Công Thương đề xuất nhiều chính sách liên quan đến điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân và lưới điện quốc gia. Trong đó, đối với trường hợp điện mặt trời mái nhà liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia, bao gồm cả việc không bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (nghĩa là không đầu tư kinh doanh điện, không cho phép hoạt động kinh doanh mua bán điện),
Dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện. Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng (không được thanh toán, đổi lại nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để điện mặt trời mái nhà vận hành, hoạt động ổn định). Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn không phát sản lượng điện dư vào lưới điện quốc gia thì phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện.
Công suất điện mặt trời mái nhà của mỗi tổ chức, cá nhân phải phù hợp với phụ tải hiện có tại thời điểm thực hiện đăng ký phát triển. Bộ Công Thương lưu ý quy định này áp dụng đối với điện mặt trời mái nhà trên phạm vi cả nước, bao gồm điện mặt trời mái nhà tại TP Hồ Chí Minh thực hiện theo Nghị quyết số 98 năm 2023.
Bộ Công Thương đề xuất nhiều chính sách liên quan đến điện mặt trời mái nhà |
Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới
Báo cáo tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra sáng nay (ngày 7/12), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị, chính sách an ninh lương thực thắt chặt. Lãi suất tiếp tục tăng để kiểm soát lạm phát (FED 4 lần tăng lên 5,25-5,5%/năm; ECB 5 lần tăng lên 4,25%/năm). Đồng USD quốc tế biến động mạnh, tỷ giá tiền tệ nhiều nước mất giá mạnh. Trong nước, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ quốc tế song song với những vấn đề nội tại.
Các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp, doanh nghiệp, việc làm khó khăn, đơn hàng, thị trường sụt giảm. Thị trường tài chính chưa phát triển tương xứng với nhu cầu của nền kinh tế, nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế vẫn tập trung chủ yếu qua kênh tín dụng ngân hàng nên tiềm ẩn rủi ro hệ thống.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức nêu trên, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế.
Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, các biện pháp của NHNN và các cam kết giảm lãi suất cho vay của TCTD, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Ra mắt bộ công cụ đánh giá chuyển đổi số quốc gia ngành công nghiệp hỗ trợ
Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Cục Công nghiệp Việt Nam (Bộ Công Thương) lần đầu tiên công bố Bộ công cụ đánh giá chuyển đổi số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Bộ công cụ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình sản xuất thông minh và bền vững của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm tăng cường vị thế và khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc xây dựng Bộ công cụ đánh giá chuyển đổi số sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm xác định thực trạng của doanh nghiệp; đồng thời cung cấp thông tin chuyên sâu và tăng cường nhận thức về chuyển đổi số trong quá trình triển khai đánh giá; để từ đó doanh nghiệp dễ dàng triển khai các khuyến nghị/giải pháp theo lộ trình chuyển đổi số dài hạn phù hợp với năng lực và nguồn lực của doanh nghiệp.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước ước đạt 60,88 tỷ USD
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tháng 11 năm 2023 ước đạt 60,88 tỷ USD, giảm 1,4% (tương ứng giảm 891 triệu USD) so với tháng trước.
Trong đó, nhập khẩu tháng 11 ước đạt 29,80 tỷ USD, tăng 1% (tương ứng tăng 891 triệu USD) so với tháng trước, tổng xuất khẩu tháng 11 ước đạt 31,08 tỷ USD, giảm 3,6% (tương ứng giảm 1,17 tỷ USD) so với tháng trước. Như vậy, cán cân thương mại tháng 11 ước tính xuất siêu 1,28 tỷ USD.
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, tổng xuất nhập khẩu ước đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% (tương ứng giảm 55,75 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, nhập khẩu 11 tháng năm 2023 ước đạt 296,67 tỷ USD, giảm 10,7% (tương ứng giảm 35,63 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, tổng xuất khẩu 11 tháng năm 2023 ước đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9% (tương ứng giảm 20,12 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, cán cân thương mại 11 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 25,82 tỷ USD.
VinFast có cơ hội được nhận tài trợ 500 triệu USD từ tập đoàn tài chính của Mỹ
Ngày 3 tháng 12 năm 2023, trong khuôn khổ COP28, Tập đoàn Tài chính phát triển Quốc tế Mỹ (“DFC”) đã ký Ý định Thư (LOI) tài trợ 500 triệu USD cho VinFast Auto (Nasdaq: VFS) (“VinFast”) nhằm thúc đẩy phát triển giao thông điện hóa. Sự kiện khẳng định cam kết phát triển giao thông bền vững của hai bên, đồng thời góp phần tích cực cho quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Mỹ.
Khoản tài trợ lên đến 500 triệu USD sẽ được DFC cung cấp tùy thuộc vào kết quả đánh giá cho các dự án thiết lập cơ sở nghiên cứu, phát triển và sản xuất pin lithium-ion của VinFast tại Việt Nam. Đây cũng là dự án đầu tiên trong chuỗi dự án phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam và thế giới mà hai Bên đang tích cực phối hợp làm việc.
Chứng khoán VIX bị phạt hơn 300 triệu đồng
Công ty cổ phần Chứng khoán VIX bị xử phạt hành chính theo Quyết định số 1163/QĐ-XPHC, số tiền phạt 137,5 triệu đồng do vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng.
Cụ thể, một số phiếu nhận lệnh trực tiếp tại quầy chưa có đầy đủ thông tin về thời gian đặt lệnh của khách hàng và thời gian nhận lệnh của Công ty; Công ty cho một số khách hàng thực hiện lệnh mua chứng khoán khi không có đủ tiền trên tài khoản.
Tiếp đó, Công ty bị phạt tiền 137,5 triệu đồng do vi phạm quy định về cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng. Theo đó, Công ty cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản giao dịch ký quỹ của một số tài khoản tại một số ngày giao dịch.
Cuối cùng, Công ty bị phạt tiền 40 triệu đồng do đã bố trí nhân viên kiêm nhiệm công việc trong trường hợp không được kiêm nhiệm. Cụ thể, Công ty bố trí nhân sự kiểm toán nội bộ kiêm nhiệm các công việc khác trong Công ty.
Tổng số tiền phạt đối với Công ty cổ phần Chứng khoán VIX lên tới 315 triệu đồng.
Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2024
Dịp Tết Dương lịch hàng năm, người lao động sẽ được nghỉ 1 ngày (1/1 Dương lịch) hưởng nguyên lương theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019.
Đối chiếu từ quy định này, Tết Dương lịch 2024, người lao động được nghỉ 1 ngày (1/1/2024).
Năm 2024, Tết Dương lịch rơi vào thứ Hai, vì vậy đối với các đơn vị có lịch nghỉ cố định hàng tuần 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật, người lao động sẽ được nghỉ 3 ngày liên tục (30/12/2023 đến 1/1/2024).
Các đơn vị có lịch nghỉ cố định hàng tuần vào Chủ nhật, người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày liên tục (31/12/2023 và 1/1/2024).