Cấp sổ hồng căn hộ chung cư mini: Chuyên gia nói gì?
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mới đây nhất tiếp tục đưa quy định phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của các thành viên hộ gia đình, cá nhân (hay còn gọi chung cư mini). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên phát triển loại hình nhà ở này.
Trả lời phóng viên, Luật sư Phạm Hồng Hải, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế Danh Tuệ cho biết, thực ra về xây dựng "chung cư mini", hay cấp chứng nhận sở hữu căn hộ đã được quy định khá đầy đủ trong các Luật Nhà ở và văn bản dưới luật từ năm 2014 đến nay với tên gọi pháp lý nhà ở riêng lẻ theo kiểu “nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ”.
Theo quy định, loại hình nhà này được thiết kế, xây dựng có từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có diện tích sàn tối thiếu mỗi căn hộ từ tối thiểu 30m2 trở lên. Nếu như công trình này đáp ứng yêu cầu về nhà chung cư thì được cơ quan nhà nước cấp Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu từng căn hộ. Việc này để đảm bảo đúng quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu.
Nhiều chung cư mini cao 7 - 8 tầng, nằm trong hẻm, ngõ nhỏ, hầu hết không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Ảnh: C.H |
Điều kiện để được cấp phép xây dựng nhà chung cư mini cũng rất chặt chẽ, như phải có thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Việc thiết kế và thẩm tra thiết kế phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện, bảo đảm an toàn cho công trình. Đặc biệt là phải đáp ứng yêu cầu về môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật.
Đối với các công trình vi phạm, Chính phủ cũng có quy định khá rõ tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng. Trong đó có quy định cụ thể các hành vi vi phạm: xây dựng không phép, thi công sai với nội dung Giấy phép xây dựng được cấp, xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.
Các chế tài sẵn sàng được áp dụng cho các hành vi vi phạm như tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng, buộc khôi phục tình trạng ban đầu; dừng thi công công trình xây dựng; tháo dỡ công trình, phần công trình sai phạm.
Về phía cơ quan thẩm quyền nhà nước cấp trung ương, và địa phương về xây dựng phải có trách nhiệm quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông qua hoạt động cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng.
Như vậy có thể thấy, pháp luật quy định khá đầy đủ cho việc phát triển nhà ở chung cư mini một cách an toàn, hiệu quả. Vấn đề ở đây là ý thức thực hiện của người dân và giám sát thực hiện pháp luật xây dựng, nhà ở của các cơ quan nhà nước.
“Không phải cứ xảy ra vấn đề gì đó, lại đều đặt ra việc sửa Luật. Theo tôi trước hết phải xem xét hiện nay pháp luật đang điều chỉnh vấn đề đó như thế nào và việc thực hiện, giám sát thực hiện ra sao. Rất nhiều trường hợp người dân và cơ quan thực hiện chức năng quản lý, giám sát đều sai, chứ không phải vấn đề ở pháp luật”, Luật sư Phạm Hồng Hải nói.
Theo Luật sư Phạm Hồng Hải, sự việc tại "chung cư mini" Khương Hạ, Hà Nội vừa qua cũng vậy. Hậu quả rất lớn đã xảy ra. Nên cần phải kiểm tra, điều tra việc thực hiện quy định về xây dựng nhà ở và giám sát thực hiện thế nào?
Nhiều năm nay trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh người dân xây dựng ồ ạt chung cư mini để kinh doanh. Tuy nhiên vấn đề quản lý xây dựng, phòng cháy chữa cháy đang chưa được quản lý nghiêm ngặt, khiến hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.
Khoảng 23h ngày 12/9, chung cư mini 9 tầng tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bốc cháy dữ dội gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đây là ngôi nhà có diện tích khoảng 200m2 với 45 phòng, khoảng 150 người sinh sống nhưng chỉ có một lối ra ở cửa chính. Tính đến tối 13/9 đã có 56 người thiệt mạng, 37 người bị thương trong vụ cháy; Lực lượng chức năng đã thực hiện cứu hộ thành công trên 70 người dân. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với chủ chung cư là Nghiêm Quang Minh (sinh năm 1979, hiện trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). |