Bệnh bạch hầu là gì, phòng tránh ra sao?
Mẹo hay chữa cảm cúm hiệu quả tại nhà Đau mắt đỏ: Triệu chứng và cách phòng tránh Mụn do stress, căng thẳng, lo lắng: Làm sao khắc phục? |
Bệnh bạch hầu là gì? Triệu chứng ra sao?
Bệnh bạch hầu là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính, có thể lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp và gây bùng phát dịch. Nguyên nhân gây ra bệnh này chính là vi khuẩn Corynebacterium diphtheria. Loại vi khuẩn này có thể tồn tại lâu trong vùng hầu họng của người bệnh, khoảng 6 tháng với điều kiện thiếu sáng. Nếu có ánh sáng mặt trời và nhiệt độ cao (58 độ C) thì chúng có thể bị tiêu diệt chỉ sau 10 phút.
Bệnh bạch hầu là gì. Ảnh minh họa |
Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Vì vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác. Nguy hiểm tiềm tàng từ bệnh bạch hầu
Tùy thuộc vào những vị trí vi khuẩn tấn công và xâm nhập, bệnh bạch hầu có nhiều triệu chứng khác nhau gồm: sổ mũi, mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sưng nề vùng dưới hàm…
Nguy hiểm bệnh bạch hầu gây ra
Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng gồm:
Vấn đề về tim mạch: độc tố bạch hầu có thể làm tổn thương các mô khác trong cơ thể khi lây lan qua dòng máu, chẳng hạn như cơ tim, dẫn đến biến chứng viêm cơ tim…Biểu hiện là những bất thường nhỏ trên điện tâm đồ hoặc nghiêm trọng là dẫn đến suy tim sung huyết và đột tử.
Bệnh bạch hầu có thể dẫn đến vấn đề về tim mạch. Ảnh minh họa |
Tổn thương thần kinh: độc tố này cũng có thể khiến thần kinh bị tổn thương, cụ thể là dây thần kinh ở cổ họng khiến khó nuốt, ở cánh tay và chân sẽ gây viêm, yếu cơ. Nếu độc tố Corynebacterium diphtheriae gây tổn thương các dây thần kinh giúp kiểm soát các cơ hô hấp, các cơ này có thể bị tê liệt.
Ảnh hưởng đến việc thở: độc tố có thể gây tổn thương mô ở khu vực nhiễm trùng ngay lập tức, phổ biến là mũi và cổ họng. Nhiễm trùng tạo ra một màng cứng màu xám tại vị trí đó gồm các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác cản trở hô hấp.
Phương pháp điều trị
Trước hết, bệnh nhân cần được cách ly để tránh lây nhiễm cho người bệnh. Sau đó, sử dụng các loại thuốc điều trị đặc hiệu như thuốc kháng sinh, thuốc kháng độc tố bạch hầu để giảm nguy cơ biến chứng. Tiếp theo, người bệnh cần được theo dõi liên tục để phát hiện và xử trí sớm những điều bất ngờ có thể xảy ra. Người bệnh cần được chăm sóc với chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng sức khỏe, mau chóng phục hồi.
Để chủ động phòng bệnh bạch hầu, trẻ em dưới 1 tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phối hợp 5 trong 1 có thành phần bạch hầu, cụ thể như sau: Mũi thứ 1: Khi trẻ 2 tháng tuổi. Mũi thứ 2: Khi trẻ 3 tháng tuổi. Mũi thứ 3: Khi trẻ 4 tháng tuổi. Trẻ lớn cần được tiêm nhắc: Mũi thứ 4: Tiêm vắc xin bạch hầu-ho gà- uốn ván (DPT) khi trẻ 18 -24 tháng tuổi. Mũi thứ 5: Tiêm vắc xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) khi trẻ 7 tuổi. Bên cạnh đó, cần thường xuyên giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải thông báo cho cán bộ y tế để được khám và điều trị kịp thời. |