Bất cập cao tốc
Cao tốc không làn dừng khẩn cấp, ngập lụt, không nơi giải quyết “nỗi buồn”
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng, có 4 làn xe nhưng lại không có làn dừng khẩn cấp. Theo các tài xế, việc thiếu làn dừng khẩn cấp trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một bất cập trong cơ sở hạ tầng giao thông và có thể gây ra những tình huống không an toàn và phiền hà cho người lái xe khi xảy ra sự cố. Nguyên do làn dừng khẩn cấp trên cao tốc thường được thiết kế để giúp tài xế có thể tạm thời dừng lại và đỗ xe một cách an toàn trong trường hợp khẩn cấp hoặc khi có sự cố xảy ra.
Việc không có làn dừng khẩn cấp có thể gây ra những vấn đề như nguy cơ tai nạn, cản trở giao thông, không đảm bảo an toàn cho người lái xe và hành khách. Khi xe dừng giữa đường lưu thông có thể gây ra rủi ro về an toàn cho người lái xe, hành khách và những người tham gia giao thông khác.
Để giải quyết vấn đề này, đơn vị quản lý cần xem xét cải thiện cơ sở hạ tầng của cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bằng cách xây dựng các làn dừng khẩn cấp phù hợp và đảm bảo rằng tất cả các tuyến cao tốc đều đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn.
Nhiều tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp, trạm dừng nghỉ ảnh hưởng đến hiệu quả, an toàn và gây phiền hà cho người tham gia giao thông |
Ngoài cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Lào Cai - Yên Bái (khoảng 100km) cũng có hai làn xe, không có dải phân cách cứng và chỉ có vạch kẻ phân cách màu vàng trên mặt đường. Đây là một vấn đề đáng quan ngại và cần được xem xét, cải thiện để đảm bảo an toàn giao thông.
Trong khi đó, những ngày gần đây, dư luận không khỏi bất ngờ khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn thuộc địa phận Xã Sông Phan, Huyện Hàm Tân, bị ngập sâu gần 1m, khiến xe cộ ùn tắc kéo dài. Việc một đoạn cao tốc vừa làm xong bị ngập nặng được đánh giá là rất hiếm khi xảy ra. Nhiều chuyên gia cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đưa ra phương án xử lý dứt điểm, không để “hòa cả làng” và ngăn chặn tình trạng ngập lụt tái diễn khi mưa lớn.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thiết kế với bốn làn xe và hai làn dừng khẩn cấp, cho phép tốc độ tối đa 120km/h. Tổng vốn đầu tư hơn 12.570 tỷ đồng đến từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, chỉ sau ba tháng từ khi đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc đã gặp tình trạng ngập cục bộ do cống thoát nước không kịp xử lý, gây ùn tắc giao thông và ô tô chết máy trôi dạt xuống lề đường.
Không những thế, nhiều tài xế cho hay có những đoạn cao tốc không được thiết kế dải phân cách, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, khi di chuyển trên cao tốc có nhiều đoạn xảy ra tình trạng mất sóng điện thoại gây khó khăn trong việc liên lạc và xử lý tình huống.
Để khắc phục tình trạng này, đơn vị quản lý và nhà thầu cần ưu tiên các biện pháp cải tiến cơ sở hạ tầng và quản lý giao thông, trong đố cần nâng cấp hệ thống thoát nước để giảm nguy cơ ngập nước và tê liệt giao thông trên tuyến cao tốc.
Hay như cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài khoảng 101km, vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng, dù đã thông xe nhưng không có trạm dừng nghỉ. Tình trạng thiếu trạm dừng nghỉ đã gây nhiều khó khăn và cảnh bi hài cho người dân và tài xế đường dài. Do không có nơi giải quyết "nỗi buồn", người dân bất đắc dĩ phải tiểu tiện giữa đường, trong khi tài xế đường dài thậm chí phải tấp vào làn khẩn cấp để ngủ, tạo ra nguy cơ tai nạn giao thông.
Dọc theo tuyến cao tốc, người ta chứng kiến những hình ảnh lạ lùng của những bảng hiệu "nhà vệ sinh 0 đồng" mà người dân tự dựng tạm bợ để giúp hành khách giải quyết "nỗi buồn".
Theo các chuyên gia, để giải quyết tình trạng này, cần ưu tiên xây dựng các trạm dừng nghỉ thích hợp trên tuyến cao tốc, đảm bảo tính tiện ích và an toàn cho người tham gia giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải nói gì?
Trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (tỉnh Vĩnh Phúc) về tình trạng một số tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp và không có dải phân cách, gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông. Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc là cần thiết và có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển kinh tế của quốc gia. Đường bộ cao tốc có năng lực thông hành lớn, mức độ an toàn và tính linh hoạt cao.
Tuy vậy, nguồn vốn đầu tư là một thách thức đối với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Mức vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn vừa qua còn thấp hơn so với mức 3,5 - 4,5% GDP được đặt ra trong Chiến lược phát triển giao thông vận tải.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đề ra mục tiêu phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, với kế hoạch xây dựng 5.000 km đường bộ cao tốc đến năm 2030. Việc này đòi hỏi tốc độ xây dựng khoảng 380km/năm, gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước. Áp lực đầu tư đường cao tốc là rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
Giải trình việc chỉ xây dựng đường cao tốc 2 làn xe mà không có làn dừng khẩn cấp, Bộ Giao thông Vận tải giải cho biết đã nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm phát triển của thế giới. Quyết định này được đưa ra dựa trên việc xem xét phân kỳ đầu tư bề rộng mặt cắt ngang phù hợp với nguồn lực đầu tư và nhu cầu vận tải hiện tại. Nếu trong tương lai nhu cầu vận tải tăng lên, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét mở rộng mặt cắt ngang và bổ sung làn dừng khẩn cấp khi cần thiết.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề cập đến việc một số đoạn tuyến cao tốc có nhu cầu vận tải lớn đã được xem xét đầu tư với tối thiểu 4 làn xe hoàn chỉnh và có dải dừng xe khẩn cấp liên tục, như đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…
“Việc đầu tư phân kỳ là giải pháp chấp nhận được trong điều kiện nhu cầu vận tải trên tuyến trong giai đoạn đầu chưa cao, nguồn vốn còn hạn hẹp. Trong thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất mở rộng các tuyến cao tốc đã được phân kỳ cho phù hợp nhu cầu thực tế phát triển kinh tế xã hội, từng bước hoàn thành mạng lưới đường bộ cao tốc theo quy hoạch”, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải nêu.
Với những tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ, các đơn vị quản lý dự án đã dự kiến xây dựng các trạm nhưng việc này sẽ mất thời gian, và sớm nhất cũng phải một năm sau mới có các trạm dừng chân trên hai tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Vĩnh Hảo – Phan Thiết. |