Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây ngập nước cả mét: Trách nhiệm của ai?
Nhiều người tham gia giao thông đều bất ngờ khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua xã Sông Phan (Huyện Hàm Tân, Tỉnh Bình Thuận) có nơi bị ngập sâu cả mét, khiến dòng xe cộ ùn ứ kéo dài nhiều cây số cả hai hướng Bắc - Nam. Các chuyên gia cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đưa ra phương án xử lý dứt điểm, không để “hòa cả làng” và ngăn chặn tình trạng ngập lụt tái diễn khi mưa lớn.
Trả lời Báo Công Thương sáng 31/7, chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Thiện Tống cho biết: Tình trạng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây bị ngập nước cả mét là một điều hy hữu, nhất là khi tuyến đường này mới đưa vào vận hành. Bởi thông thường, các công trình đường cao tốc được thiết kế và xây dựng sao cho có khả năng thoát nước bề mặt hiệu quả và tránh tình trạng ngập nước nghiêm trọng. Do đó cần tìm hiểu nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm để tìm ra các biện pháp khắc phục và tránh tái diễn tình trạng tương tự trong tương lai.
Cụ thể, xem xét kỹ lưỡng lại khâu thiết kế, đánh giá địa hình, hệ thống thoát nước và hệ thống cống đã đảm bảo tính bền vững và khả năng thoát nước hiệu quả của cao tốc chưa? Nếu có sai sót trong thiết kế dẫn đến tình trạng ngập lụt, trách nhiệm của khâu này là rất quan trọng.
Thứ nữa kiểm tra bên thi công có thực hiện công việc đúng trên thiết kế đã được phê duyệt không? Nếu không thực hiện đúng theo thiết kế hoặc gây ra sai sót trong quá trình xây dựng, bên thi công sẽ phải chịu trách nhiệm.
Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý và vận hành hệ thống giao thông, bao gồm cả đường cao tốc, cần kiểm tra và xem xét kỹ lưỡng trong việc đánh giá chất lượng và tính khả dụng của các dự án cao tốc.
“Việc xem xét trách nhiệm của khâu tư vấn thiết kế, bên thi công và ngành giao thông là cần thiết để đưa ra các giải pháp hợp lý và trách nhiệm trong việc giải quyết tình trạng ngập lụt trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, ngăn chặn tái diễn tình trạng tương tự trong tương lai”, ông Tống nhấn mạnh.
Chuyên gia cho rằng cần chỉ ra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan trong vụ ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây |
Đồng quan điểm, TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) – cho rằng, tình trạng ngập sâu trên đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là khá hy hữu. Cần xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập nước và xem xét những yếu tố cụ thể gây ra tình trạng này, để có phương án xử lý dứt điểm.
Theo TS Thuận, khu vực trên là đoạn trũng, trước đây thoát nước diễn ra tự nhiên nhưng khi xây cao tốc có thể đã chắn ngang dòng chảy. Trong khi hệ thống cống không được đầu tư đồng bộ, dẫn đến tình trạng ngập cục bộ khi nước dồn về. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, ông đề xuất cần xem xét lại địa hình cụ thể và bổ sung hệ thống cống để tăng khả năng thoát nước.
Liên quan đến câu hỏi trách nhiệm của các bên liên quan để xảy ra ngập lụt trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, một số chuyên gia luật cho rằng, việc đánh giá kỹ lưỡng tiêu chí kỹ thuật trong thiết kế thoát nước là cần thiết để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Theo quy định, đường cao tốc phải đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi được đưa vào vận hành.
Theo đó, xem xét thiết kế thoát nước đã tuân thủ các quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông chưa? Cũng cần đánh giá tính khả thi và hiệu quả của hệ thống thoát nước trong điều kiện vận hành thực tế. Điều này bao gồm việc xem xét cả yếu tố môi trường, khí hậu và nguy cơ xảy ra mưa lớn, đảm bảo rằng hệ thống thoát nước có thể hoạt động đúng cách và hiệu quả trong mọi trường hợp.
Trường hợp thiết kế thoát nước không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, dẫn đến tình trạng ngập nước nghiêm trọng khi mưa lớn, đơn vị quản lý đường cao tốc sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại gây ra cho người tham gia giao thông. Đơn vị quản lý cần xem xét và điều chỉnh hệ thống thoát nước, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các biện pháp khắc phục để đảm bảo tính bền vững và an toàn của đoạn cao tốc.
Nếu thiết kế thoát nước đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và vẫn xảy ra tình trạng ngập nước do một số yếu tố ngoài tầm kiểm soát của đơn vị quản lý, như quá trình kết nối hệ thống thoát nước đang trong tiến trình hoặc trời mưa cục bộ với lượng mưa lớn hơn dự tính, thì việc quy kết trách nhiệm bồi thường sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, đơn vị quản lý vẫn cần đảm bảo tính hiệu quả và tối ưu quản lý hệ thống thoát nước trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Tuy vậy, trong mọi trường hợp, việc thực hiện giám sát và đánh giá định kỳ, chủ động đưa ra các biện pháp và sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp là cần thiết để đảm bảo an toàn và khả dụng của đoạn đường cao tốc.
Ngày 29/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy đã ký công văn gửi giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long. Nội dung công văn nêu rõ: Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Dự án đã được đưa vào khai thác từ ngày 29/4/2023. Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí và báo cáo của đơn vị quản lý khai thác, sáng ngày 29/7/2023 tại đoạn Km25+300 - Km25+400 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập cục bộ, gây gián đoạn giao thông. Nguyên nhân sơ bộ do mưa lớn kéo dài nhiều giờ, với cường độ lớn, nước không thoát kịp tại hạ lưu gây ngập cục bộ. Đến 7h cùng ngày, tuyến cao tốc đã lưu thông bình thường. Để bảo đảm các điều kiện khai thác sử dụng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long chủ trì phối hợp với đơn vị vận hành, nhà thầu thi công, tư vấn... khẩn trương khắc phục, bảo đảm thông tuyến và xử lý triệt để bảo đảm ổn định lâu dài đúng yêu cầu kỹ thuật của dự án. Báo cáo Bộ Giao thông Vận tải tình hình, nguyên nhân, giải pháp khắc phục trước ngày 3/8. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, đặc biệt là tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra (nếu có); báo cáo kết quả về Bộ Giao thông Vận tải. Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long nghiêm túc triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. |