Thời gian qua, thị trường vàng trong nước đã và đang ghi nhận những động thái đột phá lạ, với nhiều cái nhất chưa từng có. Giá vàng lập đỉnh cao nhất mọi thời đại; chênh lệch cao nhất giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, giá vàng SJC với giá vàng các thương hiệu khác, cũng như giá vàng bán ra-mua vào; biên độ tăng giảm giá trong ngày lớn nhất từ trước đến nay... Vậy căn nguyên nào khiến liên thông thị trường vàng trong nước và quốc tế “tắc nghẽn”? Và làm cách nào để hoá giải “cơn khát”, lành mạnh hoá thị trường vàng. Đây là “bài toán” mà các cơ quan chức năng cần sớm có câu trả lời.
![]() |
Nhìn lại sự biến động của giá vàng có thể thấy, năm 2023 được coi là một năm đầy biến động của cả vàng trong nước và thế giới. Trong nước, những ngày cuối năm 2023, giá vàng SJC "nhảy múa" dữ dội. Sang năm 2024, "cơn sóng" vàng tiếp tục xác lập những kỷ lục mới. Đỉnh điểm chiều 10/5, giá vàng miếng SJC tăng lên 92,4 triệu đồng/lượng. Thời điểm này, giá vàng thế giới tăng chóng mặt, lên mức 2.351 USD/ounce, tương đương 72,23 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá thế giới và trong nước gần 20 triệu đồng/lượng.
Trước biến động tăng nóng của giá vàng, Chính phủ đã vào cuộc, ban hành hàng loạt chỉ đạo nóng. Ngay sau đó, giá vàng đã giảm mạnh, song vẫn tăng giảm thất thường và tính đến nay, giá vàng vẫn neo ở mức cao, ghi nhận sáng 24/5 vàng SJC là 89,5 triệu đồng/lượng bán ra. Chênh lệch với thế giới khoảng 17 trệu đồng/lượng.
Trao đổi với Báo Công Thương về nguyên nhân biến động của giá vàng trong thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay, cú hích khiến giá vàng tăng từ sự bất ổn địa chính trị trên thế giới, giá vàng thế liên tục “đu đỉnh”. Trong nước, do lãi suất tiết kiệm thời gian qua ở mức rất thấp nhất; thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản trầm lắng, tính độc quyền và thiếu minh bạch về vàng SJC cũng tạo ra độ vênh giá rất lớn giữa vàng miếng SJC với nhiều thương hiệu vàng miếng khác. Đặc biệt, 12 năm qua Việt Nam không nhập vàng trong khi nhu cầu trong nước không đủ đáp ứng... những điều này đã đẩy giá vàng lên cao.
Để “kéo” khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn giữa giá vàng nhẫn và giá vàng miếng SJC cũng như giữa giá vàng trong nước và thế giới, tăng nguồn cung cho thị trường, sau 10 năm, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC. Qua 9 phiên đấu thầu vàng, với 6 phiên thành công, tổng lượng vàng trúng thầu là 48.500 lượng vàng.
Về mặt lý thuyết, đấu thầu vàng là giải pháp để tăng cung lượng vừa đủ trong dài hạn, qua đó "hạ nhiệt" giá về sát hơn với giá thế giới. Nhưng thực tế, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng quay đầu đi lên bất chấp diễn biến thế giới, điều này các chuyên gia cho rằng, là trái ngược với lý thuyết và là nghịch lý trong đấu thầu vàng.
Nguyên nhân được ông Phong chỉ ra, từ việc lấy giá tối thiểu mời thầu quá cao, đơn cử phiên gần nhất là hơn 88 triệu đồng/lượng, xấp xỉ mức giá mua vào của các doanh nghiệp kinh doanh vàng rõ ràng là nguyên nhân hàng đầu khiến giá vàng trong nước không thể thấp hơn giá trước tổ chức đấu thầu. Điều này cho thấy những bất cập trong cách thức tổ chức đấu thầu vàng hiện nay.
Trước đà này, nhiều chuyên gia dự báo, loại kim loại quý này vẫn có thể sẽ tiếp tục tăng, thậm chí có thể đạt mốc 100 triệu đồng/lượng trong năm 2024. Theo đó, để lành mạnh hoá thị trường vàng, Việt Nam vẫn cần giải pháp căn cơ hơn với sự đồng bộ, nhất quán, quyết liệt từ Chính phủ tới người dân.