42 sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không trong 6 tháng đầu năm
Hàng không – du lịch “bắt tay” tháo gỡ khó khăn, cùng nhau cất cánh Vì sao thu nhiều loại phí nhưng cảng hàng không vẫn báo lỗ? Giá vé máy bay bất ngờ giảm mạnh, vì sao? |
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm (từ ngày 15/12/2023 đến 14/6/2024), toàn quốc xảy ra 12.321 vụ tai nạn giao thông, làm tử vong 5.255 người, 9.599 người bị thương, tăng 1.842 vụ, giảm 702 người tử vong và tăng 2.707 người bị thương so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đường bộ xảy ra 12.225 vụ, đường sắt xảy ra 66 vụ, 22 vụ tai nạn giao thông đường thủy và 3 vụ tai nạn giao thông xảy ra ở lĩnh vực hàng hải.
Trong ngày 19/5, ghi nhận có hai sự cố máy bay của Vietnam Airlines. Ảnh minh họa: P.Đ |
Riêng đối với lĩnh vực hàng không, trong 6 tháng đầu năm, Cục Hàng không Việt Nam nhận được 101 báo cáo an toàn bắt buộc, xảy ra 42 sự cố mức D. So với cùng kỳ năm 2023 giảm 1 tai nạn mức A (100%), tăng 3 sự cố mức D (7,7%), giảm 2 sự cố mức C (100%).
Nguyên nhân do sự cố do hỏng hóc kỹ thuật là 26, do chim va đập tàu bay là 2, 13 sự cố do con người (1 do tổ lái và yếu tố thời tiết, 7 sự cố do tổ lái, 3 do nhân viên kỹ thuật, 2 do nhân viên mặt đất) và 1 sự cố do tàu bay bay vào khu vực nhiễu động gây ra bởi tàu bay khác.
Theo quy định, phân loại tai nạn, sự cố, vụ việc an toàn khai thác cảng hàng không, sân bay gồm 5 mức: Tai nạn (mức A), sự cố nghiêm trọng (mức B), sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C), sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn (mức D), vụ việc (mức E).
Theo ghi nhận của nhà chức trách hàng không, từ ngày 15/4 đến 14/5 đã xảy ra 29 sự cố, vụ việc thuộc lĩnh vực khai thác cảng hàng không. Trong đó, có 25 vụ việc uy hiếp an toàn mức E (các vụ việc không uy hiếp trực tiếp đến an toàn hàng không nhưng có ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay).
4 sự cố mức D (sự cố phương tiện va chạm với phương tiện, trang thiết bị hoặc với người; sự cố làm ảnh hưởng đến an toàn khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; sự cố gây thương tích cho người trong quá trình khai thác, cung cấp dịch vụ hàng không).
Trong ngày 19/5, chuyến bay VN 1207 của Vietnam Airlines sau khi cất cánh từ sân bay Nội Bài đi Cần Thơ khi bay qua Nam Định thì gặp sự cố. Phi hành đoàn phát hiện vết nứt kính buồng lái trước ghế cơ phó. Liền đó, phi hành đoàn xin quay lại hạ cánh ở sân bay Nội Bài.
Tương tự, tối 19/5, chuyến bay VN 1269 từ Vinh hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất cũng gặp tình trạng rạn, nứt kính buồng lái phía trước ghế ngồi của cơ trưởng và có vết máu dính trên kính. Ban đầu đánh giá do chim va chạm máy bay.
Trong tháng 6/2024, Cục Hàng không Việt Nam nhận được 25 báo cáo an toàn bắt buộc (Mandatory Occurrence Report – MOR), trong đó xảy ra 10 sự cố mức D, tăng 4 sự cố so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó 9 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật, 1 sự cố do nhân viên mặt đất.
Sự cố, tai nạn khai thác cảng hàng không được phân thành bốn mức độ: Mức A: Tai nạn gây chết người trong quá trình sử dụng dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, trừ các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh, đột tử. Mức B: Sự cố gây mất an toàn nghiêm trọng dẫn đến việc đóng cửa tạm thời đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay hoặc đóng cửa tạm thời cảng hàng không, sân bay. Mức C: Sự cố gây hư hỏng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; sự cố gây hư hỏng nặng tàu bay, phương tiện, trang thiết bị hoạt động trong khu bay dẫn đến tàu bay, phương tiện, trang thiết bị không thể hoạt động để cung cấp dịch vụ theo kế hoạch ban đầu; sự cố gây thương tích nặng cho người hoặc uy hiếp an toàn cao cho người, phương tiện hoạt động trên khu bay, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn khai thác tàu bay. Mức D: Sự cố phương tiện va chạm với phương tiện, trang thiết bị hoặc với người; sự cố làm ảnh hưởng đến an toàn khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; sự cố gây thương tích cho người trong quá trình khai thác, cung cấp dịch vụ hàng không. |