Hàng không – du lịch “bắt tay” tháo gỡ khó khăn, cùng nhau cất cánh
“Mở cửa” bầu trời, khôi phục nhanh hoạt động hàng không, du lịch Hàng không, du lịch vào cao điểm hè Tour du lịch nội địa “ế ẩm” dịp 30/4 – 1/5, vì sao? |
Chiều 12/6, hội thảo “Hàng không - Du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững” đã được Báo Nhân Dân tổ chức tại Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Báo Nhân dân |
Theo báo cáo, 5 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã đón gần 7,6 triệu khách quốc tế và khoảng 52,5 triệu khách nội địa, là điểm sáng và đóng góp tích cực, quan trọng vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.
Góp phần vào sự phục hồi du lịch không thể thiếu vai trò của các hãng hàng không vì số liệu thống kê cho thấy hiện nay, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ rất cao so với các phương thức khác, lên đến gần 80%.
Tuy nhiên, việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng với biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu những tháng gần đây khiến các hãng hàng không bị giảm năng lực cung ứng và phải điều chỉnh tăng giá vé máy bay. Điều này đã và đang tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Ngay trong ngắn hạn, việc hoàn thành mục tiêu năm 2024 của ngành du lịch trở nên đầy thách thức trong bối cảnh nước ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với những yếu tố bất lợi trong bức tranh khó khăn chung của du lịch toàn cầu, đặc biệt là trước những diễn biến khó lường từ tình hình địa chính trị thế giới, lạm phát, biến đổi khí hậu…
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Giao thông vận tải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Báo Nhân dân |
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, đại dịch COVID-19 đã đi qua nhưng những tác động tiêu cực và những hậu quả phát sinh để lại vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhìn chung với các giải pháp hỗ trợ của cơ quan quản lý, ngành hàng không đã nỗ lực phục hồi, tuy nhiên những khó khăn nội tại chưa giải quyết của ngành là rào cản lớn cho các hãng hàng không. Cùng với đó, từ cuối năm 2023, những tác động từ việc chi phí đầu vào gia tăng và vấn đề biến động quy mô đội tàu bay là nguyên nhân chính đã gây ra những áp lực lên giá vé máy bay nội địa vào những giai đoạn cao điểm.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, số lượng tàu bay sụt giảm, cũng như việc phải cân đối khai thác đáp ứng nhu cầu di chuyển, về tổng thể, khai thác thị trường hàng không ghi nhận sự tăng trưởng hành khách vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển hàng không quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, cần nhìn nhận sự phát triển của hàng không và du lịch, đánh giá kỹ lưỡng những thực trạng để phát triển. Đồng thời, đưa ra các giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý trung ương, địa phương, cũng như từ phía các doanh nghiệp hàng không và doanh nghiệp du lịch lữ hành để góp phần đưa ngành hàng không du lịch phát triển bền vững.
Theo ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm qua, Việt Nam đã đón 12,5 triệu lượt khách quốc tế, 108 triệu khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 672 nghìn tỷ đồng. Còn trong 5 tháng đầu năm 2024, đón và phục vụ gần 7,6 triệu khách quốc tế, tăng 65% so với cùng kỳ 2023, đạt 40% mục tiêu đề ra là đón 18 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch trong 5 tháng đầu năm 2024 ước hơn 352.000 tỷ đồng.
Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự chủ động có trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, cũng như nỗ lực chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, ngành du lịch Việt Nam đã phục hồi vượt bậc, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước sau Covid-19.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, có nhiều thách thức đang tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam như: Nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến những điểm đến xa giảm dần; sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các điểm đến trong cùng khu vực; nhu cầu đi lại của khách du lịch bằng đường hàng không thể hiện tính mùa vụ ngày càng rõ rệt.
"Nhằm khẳng định mối quan hệ hợp tác tương quan, vững chắc giữa du lịch và hàng không, thúc đẩy thực chất và mạnh mẽ hơn giữa các doanh nghiệp hàng không, du lịch và đơn vị quản lý điểm đến, việc tổ chức hội thảo… có ý nghĩa quan trọng", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ.
Thêm vào đó, trên thực tế giữa các doanh nghiệp trong ngành hàng không và du lịch luôn có sự cạnh tranh gay gắt, nhiều liên kết phát triển hàng không-du lịch đã bị phá vỡ bởi sự xung đột quyền lợi trong nội bộ một bên, hoặc sự xuất hiện của bên thứ ba.
Tại hội thảo các chuyên gia kinh tế nhận định, trước khi tìm giải pháp để tăng cường liên kết, hợp tác giữa hai ngành này, phải tìm được cơ chế kiểm soát trong chính nội bộ ngành. Điều này rất cần vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành là Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các tổ chức xã hội-nghề nghiệp liên quan.
Đưa ra các giải pháp, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, hãng sẽ cung ứng gần 1 triệu chỗ bay đêm, khởi hành sau 21 giờ và trước 6 giờ hằng ngày trên nhiều đường bay nội địa, với mức giá khuyến mại.
Theo đó, hãng đã đề xuất tới các tỉnh, thành phố kêu gọi, giới thiệu tới các công ty lữ hành-du lịch, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, điểm tham quan,… trên địa bàn mình cùng tham gia vào chiến dịch kích cầu các chuyến bay đêm. Đồng thời, công bố danh sách cơ sở cung ứng dịch vụ trên các phương tiện truyền thông để khách hàng nhận biết và chủ động đặt dịch vụ.
Theo thỏa thuận, từ nay đến cuối năm, Vietnam Airlines và các địa phương hợp tác phát động chương trình kích cầu du lịch, hãng hàng không triển khai thêm sản phẩm bay giờ sáng sớm và tối muộn với mức giảm lên đến 30% giá vé so với mức giá các chuyến bay vào giờ thông thường.